'Nữ hoàng logistics Việt Nam' và tham vọng vươn tầm quốc tế

28/07/2016 13:56 GMT+7

Chia sẻ với hãng tin Mỹ CNBC, nữ doanh nhân có biệt danh "nữ hoàng logistics Việt Nam" Đặng Thị Minh Phương không ngại bày tỏ sự tự tin cùng kỳ vọng đưa doanh nghiệp mình sáng lập vươn ra thế giới.

Thủ tục hải quan kéo dài, cơ sở hạ tầng giao thông kém phát triển và cạnh tranh khốc liệt đặt ngành công nghiệp logistics Việt Nam dưới một cuộc thử nghiệm. Dù vậy, bà Đặng Thị Minh Phương không hề bối rối. Với bà, thách thức này mở ra cơ hội độc nhất.
Bà Phương là giám đốc điều hành Minh Phương Logistics (MP Logistics), công ty do chính bà sáng lập năm 1995 dưới dạng doanh nghiệp chuyển tiếp. MP Logistics hiện phát triển thành một trong những nhà cung cấp giải pháp hàng đầu trong ngành logistics đang đi lên của Việt Nam.
“Tôi tin vào việc sẽ trở thành công ty logistics tốt nhất châu Á. Tôi không muốn nói là số một, vì bạn có thể là công ty số một nhưng chưa chắc đã là tốt nhất”, doanh nhân Đặng Thị Minh Phương chia sẻ trong chương trình Managing Asia của kênh CNBC. Bà Phương kỳ vọng đưa MP Logistics bay lên trong 5 năm tới với nhiều kế hoạch mở rộng trong khu vực và xa hơn nữa.
“Với logistics, bạn có thể vươn ra toàn cầu. Tôi muốn có các trụ sở đặt trên khắp thế giới, không chỉ ở Việt Nam”, Chủ tịch kiêm CEO MP Logistics cho hay.
Thị trường Đông Nam Á đặc biệt hấp dẫn bà Phương - người chỉ ra rằng sức tăng trưởng kinh tế bền bỉ và sự gần gũi về văn hóa là hai yếu tố giúp các nước láng giềng Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng cho MP Logistics . “Thị trường đầu tiên tôi muốn mở rộng kinh doanh là Myanmar. Bên cạnh đó, Philippines và những nước khác như Campuchia, Thái Lan hiện cũng có tốc độ tăng trưởng ổn định”, bà Phương cho biết.
Cảng Đình Vũ ở Hải Phòng Reuters
Nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết tham gia gần đây, bao gồm hiệp định với Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc, là yếu tố thuận lợi cho kế hoạch mở rộng của bà. Đáng kể nhất trong số này phải nhắc đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được dự báo sẽ nâng mức tăng GDP của Việt Nam lên hơn 20% nếu được phê duyệt.
“Với TPP, thêm nhiều nhà đầu tư sẽ đến Việt Nam. Công ty chúng tôi sẽ phát triển cùng nền kinh tế Việt Nam”, bà Phương chia sẻ. Bà cho rằng các hiệp định thương mại tự do cùng sự hòa nhập của nước nhà vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ đẩy tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp lên 30% trong năm tài khóa này, và 40% trong năm kế tiếp.
Tuy vậy, đến cùng các lợi ích kinh tế là môi trường cạnh tranh khốc liệt. MP Logistics không phải là hãng duy nhất đặt cược vào câu chuyện tăng trưởng của Đông Nam Á. Theo ước tính của bà, có khoảng 1.200 công ty logistics đang hoạt động ở Việt Nam với khoảng 30 trong số này là doanh nghiệp đa quốc gia.
Dù CEO MP Logistics công nhận hỏa lực tài chính vượt trội, mạng lưới và kinh nghiệm của các công ty đa quốc gia, bà vẫn giữ niềm tin rằng công ty do mình sáng lập có lợi thế hơn đối thủ cạnh tranh dày dặn kinh nghiệm: “Bởi vì chúng tôi là công ty có 100% vốn trong nước, chúng tôi am hiểu văn hóa địa phương, phong tục, tập quán và con người Việt Nam… chúng tôi có thể thiết kế các giải pháp phù hợp nhất với họ”.
Thêm vào đó, bà Phương cho hay sự cạnh tranh giúp cải thiện hoạt động kinh doanh, giúp công ty bà chuẩn bị cho thị trường lớn hơn trước khi vươn ra toàn cầu. “Chúng tôi có nhiều thứ để đạt được hơn là để mất”, bà chia sẻ.
Bà Đặng Thị Minh Phương trả lời phỏng vấn hãng tin Mỹ Ảnh chụp màn hình trang CNBC
Trong buổi phỏng vấn, bà Phương cũng cho biết hiện còn chỗ trống để cải tiến sự minh bạch tại Việt Nam. Khi đất nước hiện đại hóa, bà kỳ vọng chính phủ đưa ra nhiều kế hoạch đơn giản hóa thủ tục kinh doanh, tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh.
Hiện giờ, bà tiếp tục tập trung năng lượng cho việc quản lý hoạt động của MP Logistics, “con cưng” bà cho ra đời sau khi khởi nghiệp với công việc bán hàng cho một hãng logistics.
“Ở Việt Nam, nhiều người nghĩ rằng một người phụ nữ nên làm vợ, làm mẹ, làm nội trợ và khi chúng tôi bước ra ngoài để kinh doanh, chúng tôi khó lòng đảm đương đủ những vai trò đó. Tôi nghĩ rằng nếu tôi không thể duy trì việc làm người nội trợ, người vợ và người mẹ, có lẽ tôi đã chẳng có kinh doanh thành công như ngày hôm nay”, người phụ nữ được CNBC đặt biệt danh “nữ hoàng logistics Việt Nam” chia sẻ.
Nhắc đến cách lãnh đạo nhân sự, bà Phương nói: “Khi bạn tin tưởng ai đó, họ sẽ tin tưởng bạn. Tôi nghĩ đó là động lực mang tất cả mọi người ở MP Logistics lại với nhau, và họ vẫn làm việc với tôi đến hôm nay”. Bà thừa nhận rằng có thể mình không phải là người chủ tốt nhất, nhưng bà luôn sẵn sàng lắng nghe, thảo luận vấn đề với đồng nghiệp và điều này khiến mọi người vui vẻ khi làm việc tại công ty.
“Bạn biết không một số nhân viên của tôi thậm chí còn đặt hai chữ Minh Phương làm tên đệm cho con họ. Nhận được sự tôn trọng và tin tưởng từ người khác khiến tôi tự hào. Tôi nghĩ rằng đó chính là thành công rồi”, “nữ hoàng logistics Việt Nam” kết luận.

tin liên quan

'Nữ hoàng khởi nghiệp' Trương Thanh Thủy trên báo Anh

(TNO) 'Nữ hoàng khởi nghiệp' Trương Thanh Thủy sinh ra tại Việt Nam, khởi nghiệp nhiều lần và cuối cùng thành công trước tuổi 30 với một dự án thuộc ngành công nghệ. Đây là doanh nghiệp Việt đầu tiên được Thung lũng Silicon mua lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.