(TNO) Áp dụng một kỹ thuật đơn giản có tên là "Nụ hôn của mẹ" có thể làm ngoại vật từ trong mũi trẻ văng ra ngoài, theo tờ The Star.
“Nụ hôn của mẹ” là tên gọi một kỹ thuật có từ những năm 1960, nhằm làm cho ngoại vật từ trong mũi trẻ văng ra ngoài. Kỹ thuật này tuy rất đơn giản và hiệu quả nhưng lại không được sử dụng rộng rãi.
Trẻ nhỏ rất hiếu động và có thể cho bất cứ thứ gì vào mũi, từ thức ăn cho đến đồ chơi. Để xử lý, có thể có nhiều cách như dùng kẹp, hút. Ở trường hợp nguy cấp thì cần phải gây mê tổng quát để lấy ngoại vật ra khỏi đường thở của trẻ.
Thông thường, các chuyên gia có thể dùng kỹ thuật “Nụ hôn của mẹ” để thử lấy ngoại vật ra. Nếu thành công, sẽ không cần có can thiệp nào làm trẻ đau hoặc sợ hãi.
Khi đó, người mẹ hoặc một người trẻ tin tưởng, cũng có thể là chuyên gia sức khỏe, sẽ đặt miệng mình vào miệng đang mở của bé, sao cho không có khe hở nào.
Bên mũi không có ngoại vật sẽ được bịt kín bằng một ngón tay, sau đó thổi vào miệng trẻ cho đến khi cảm nhận có gì đó chặn luồng hơi lại thì thổi tiếp một hơi thật nhanh và mạnh. Ngoại vật sẽ bị thổi văng ra ngoài.
Các nhà khoa học từ Anh và Úc xem xét 22 nghiên cứu có đề cập đến kỹ thuật này. Sau đó, họ chọn lọc lại còn 8 nghiên cứu để xem xét hiệu quả của nó và phát hiện tỷ lệ thành công đến 60%.
Trong đó, hai nghiên cứu cho thấy kỹ thuật này tỷ lệ thành công cao hơn ở những ngoại vật trơn và làm nghẽn hoàn toàn đường thở của trẻ, so với những ngoại vật có hình dạng không đồng đều và không khí có thể xuyên qua.
Theo tiến sĩ Stephanie Cook, Giám đốc Khoa học tại Viện Nghiên cứu Sinh - hóa học Novartis (Anh), một thành viên của nhóm nghiên cứu nói: “Về cơ bản, chẳng mất gì khi thử dùng kỹ thuật này. Nếu thành công, sẽ không cần phải sử dụng các biện pháp khác, đặc biệt là có thể tránh được gây mê tổng quát ở trẻ”.
Các nhà khoa học đề nghị người thân của trẻ và các chuyên gia sức khỏe nên biết và áp dụng kỹ thuật này trước khi can thiệp bằng cách khác.
Đức Trí
>> Kháng sinh và sức khỏe trẻ em
>> Cẩn trọng với bệnh viêm xoang ở trẻ em
>> 50.000 trẻ em Ấn Độ mất tích hằng năm
>> Vitamin D có lợi cho trẻ em
Bình luận (0)