Nữ phi công gốc Việt sắp một mình bay vòng quanh thế giới

Châu Yên
Châu Yên
28/01/2020 07:00 GMT+7

Nguyễn Anh Thư đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu trở thành nữ phi công người Mỹ gốc Việt đầu tiên một mình bay vòng quanh thế giới .

Nguyễn Anh Thư là người sáng lập kiêm chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận “Phụ nữ trong vũ trụ và hàng không” (WAA) có trụ sở tại thành phố Atlanta (bang Georgia, Mỹ). Chị hiện là giảng viên hàng không của câu lạc bộ bay AeroVentures ở Atlanta.
Những ngày này, chị đang chuẩn bị cho kế hoạch trở thành người phụ nữ thứ 9 một mình bay vòng quanh thế giới. Chị dự tính điều khiển máy bay một động cơ LANCAIR IV-P đến 25 quốc gia từ ngày 15.5 - 1.7.2020 với chặng đường ước tính gần 50.000 km. Nguyễn Anh Thư đã trả lời PV Thanh Niên xung quanh kế hoạch đầy táo bạo này.

Truyền cảm hứng cho phụ nữ trẻ

Vì sao Anh Thư muốn thực hiện kế hoạch táo bạo này?

Một phụ nữ Việt đầy ý chí và quyết tâm

Lớn lên từ làng quê nghèo khó ở tỉnh Phú Yên,  Anh Thư thấu hiểu những trở ngại lớn đối với phụ nữ không có nhiều phương tiện hoặc cơ hội để theo đuổi giấc mơ. Lúc còn ở Việt Nam, cô may mắn được theo học tại một trường do Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) xây dựng và sau đó sang Mỹ định cư từ năm 12 tuổi.  Anh Thư vượt qua nhiều khó khăn, tốt nghiệp thủ khoa trung học và nằm trong top 10 người đứng đầu lớp khi tốt nghiệp Đại học Purdue (bang Indiana). Ra trường, cô không ngừng nỗ lực để lấy được tấm bằng phi công lái máy bay tư nhân và năm 2017 trở thành giảng viên bay xuất sắc của Hiệp hội Phi công và Người sở hữu máy bay (AOPA).  Anh Thư đang học tiến sĩ ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Học viện Công nghệ Georgia.    

Anh Thư mong muốn kế hoạch chinh phục bầu trời toàn cầu của mình sẽ giúp truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ trẻ tự tin vào bản thân và dám theo đuổi đến cùng ước mơ của mình.
Chị chuẩn bị những bước gì để thực hiện mục tiêu? Vấn đề kinh phí thì sao?
Sẽ mất khoảng một năm để lên kế hoạch cho chuyến bay toàn cầu. Về mặt hậu cần, chúng tôi cần phải xin giấy phép, chuẩn bị nhiên liệu, bảo trì, trang thiết bị máy bay, nghiên cứu thời tiết và tìm nhà tài trợ, người hỗ trợ...
Chúng tôi hiện đã có 3 nhà tài trợ, là các hãng điện tử Crew Dog Electronics, BOSE, P-. Kinh phí dự kiến 1 triệu USD (khoảng 23 tỉ đồng). Để hỗ trợ Anh Thư, những người hậu thuẫn đã thành lập quỹ trên trang GoFundMe nhằm kêu gọi mọi người quyên góp ủng hộ cho hành trình này.
Anh Thư nghĩ sẽ có những thách thức gì khi thực hiện chuyến bay vòng quanh thế giới này?
Những thách thức từ chuyến bay toàn cầu bao gồm dự báo thời tiết không chính xác và các kiểu thời tiết không thể đoán trước trên khắp thế giới. Máy bay cũng cần được bảo trì tốt trong suốt hành trình. Thách thức hiện tại của chúng tôi ngay bây giờ là tìm đủ số kinh phí trên và nhà tài trợ mọi chi phí cho chuyến bay này.
Trong 25 quốc gia chị đặt chân đến có Việt Nam không?
Việt Nam là một trong những nơi mà Anh Thư sẽ bay đến. Nhân chuyến này, Thư sẽ về thăm làng quê thân thương của mình ở Phú Yên. Còn tại mỗi điểm dừng trong suốt hành trình, Thư có kế hoạch gặp gỡ giao lưu với phụ nữ và các thiếu nữ có cùng niềm đam mê trong lĩnh vực hàng không vũ trụ để truyền cảm hứng cho họ.
Có phải đó cũng là một phần lý do chị lập tổ chức “Phụ nữ trong vũ trụ và hàng không”?

Anh Thư hướng dẫn bay cho học viên

Ảnh: NVCC

Anh Thư thường gặp phải những ánh nhìn đầy hoài nghi khi xuất hiện tại sân bay. Nhiều lần, Thư bị nhân viên an ninh sân bay không cho qua cổng dành cho phi công và Thư phải giải thích trưng ra nhiều bằng chứng để thuyết phục. Chính điều này đã thôi thúc Thư thành lập Tổ chức WAA nhằm phá vỡ định kiến của phần lớn mọi người là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ gốc Á, khó có thể trở thành phi công, đồng thời để khích lệ các cô gái theo đuổi đến cùng ước mơ chinh phục bầu trời của họ.
Anh Thư hy vọng số phi công nữ sẽ tăng lên đáng kể trong tương lai thay vì chỉ chiếm 6% trong tổng số phi công trên thế giới như hiện nay.

Cơ duyên đến với nghề

Nghề phi công đầy vất vả và áp lực, cơ duyên nào đưa chị đến với nghề?
Anh Thư chọn nghề này vì rất đam mê máy bay và hàng không. Và để các chị em thấy rằng phụ nữ châu Á nhỏ bé vẫn có thể trở thành phi công.
Mất bao lâu để chị trở thành phi công và giảng viên hướng dẫn bay như hiện nay?
Hành trình này của Anh Thư là 12 - 13 năm. Ban đầu gia đình không ủng hộ nhiều vì lo con gái cực khổ song Thư vẫn quyết tâm thực hiện ước mơ của mình.
Những ngày đầu học bay, Thư phải đi dạy kèm toán để có tiền học. Lúc đó, học viên phải trả ít nhất 150 USD/giờ học bay. Tiền dạy kèm 1 tuần chỉ đủ để học một giờ bay. Để tiết kiệm tiền, Thư phải ngủ qua đêm trong xe hơi của mình. Sau đó, thầy Anh Thư thấy vậy liền cho phép mình vào sân bay để tá túc qua đêm.

Anh Thư nhận được sự hậu thuẫn lớn từ thiếu tướng không quân Mỹ George Harrison

Cảm giác của chị như thế nào khi lần đầu tự điều khiển máy bay?
Anh Thư lần đầu tiên bay cảm thấy rất hạnh phúc, giống như mình đã chinh phục được bầu trời rồi. Mình đã chính thức trở thành phi công. Thư hiện có 10 bằng liên quan tới nghề phi công.
Chị có nhắn nhủ gì với giới trẻ Việt Nam, nhất là các bạn nữ?
Anh Thư mong muốn giới trẻ Việt Nam hãy tự tin vào bản thân mình, đeo đuổi đến cùng giấc mơ và làm việc chăm chỉ, hăng say để biến giấc mơ thành hiện thực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.