Nữ sinh bị cưa chân: Pháp luật 'ra tay' mới chữa được bệnh vô cảm

17/03/2016 19:26 GMT+7

'Không có lời hứa hẹn hay mức bồi thường nào có thể bù đắp... Chỉ có sự trừng trị thích đáng của pháp luật mới có thể đem lại công bằng cho Lê Thị Hà Vi', luật sư Nguyễn Kiều Hưng nói.

'Không có lời hứa hẹn hay mức bồi thường nào có thể bù đắp... Chỉ có sự trừng trị thích đáng của pháp luật mới có thể đem lại công bằng cho Lê Thị Hà Vi', luật sư Nguyễn Kiều Hưng nói.

Lê Thị Hà Vi - Ảnh do gia đình Hà Vi cung cấpLê Thị Hà Vi - Ảnh do gia đình Hà Vi cung cấp
Vụ việc nữ sinh Lê Thị Hà Vi (15 tuổi, ngụ tại huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) phải cắt bỏ một chân vì hoại tử do bác sĩ tắc trách trong công việc đang khiến dư luận bất bình, gia đình và người trong cuộc đau lòng. 
Chia sẻ với nỗi đau của Vi, trên mạng xã hội Facebook, phần lớn các luật sư, chuyên gia pháp luật cũng bày tỏ bức xúc cũng như bàn đến trách nhiệm pháp lý đối với đội ngũ y, bác sĩ gây ra “thảm họa” này.
Bệnh nhân Vi tại Bệnh viện Chợ Rẫy hôm 15.3 - Ảnh: Thang Duy
Quá đau lòng!
Đó là cảm nhận chung của bất cứ ai khi được nhắc đến câu chuyện của Vi.
Luật sư (LS) Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) nói: “Thật đau lòng, đó là cảm nhận đầu tiên khi tôi đọc được những bản tin liên quan đến Vi. Tôi không thể tin đó là sự thật, bởi lời kêu cứu của bệnh nhân, của một thiếu niên, của gia đình đã nhận được sự vô cảm của các y, bác sĩ nơi Vi khám, chữa bệnh”. 

Trong thành phần của hội đồng chuyên môn phải có sự tham gia của luật sư, luật gia (phải được hiểu là người bên ngoài, độc lập), nhưng hầu như người dân không biết quy định này, còn cơ quan y tế thì không mời luật sư độc lập, nên kết luận của hội đồng chuyên môn khó đảm bảo được tính khách quan

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng


“Mất 2 ngày để các bác sĩ xử lý phản ánh của bệnh nhân (kêu đau) và mất 3 ngày tiếp theo nữa mới đồng ý chuyển bệnh nhân lên tuyến trên và đã muộn khi chân của em buộc phải cưa do bị hoại tử. Đó có phải là sự vô cảm, tắc trách hay không?. Không có lời giải thích nào hợp lý cả, không có lời hứa hẹn hay mức bồi thường nào có thể bù đắp lại nổi đau sức khỏe và tinh thần cho em được cả… Chỉ có sự trừng trị thích đáng của pháp luật mới có thể đem lại công bằng cho em, công bằng cho xã hội”, LS Hưng nhấn mạnh.
Về khía cạnh pháp lý, LS Hưng dẫn ra luật Khám bệnh, Chữa bệnh quy định, ngoài việc bồi thường theo quy định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm pháp lý khác có thể xử lý hành chính, kỷ luật nội bộ hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, theo LS Hưng, để có cơ sở xác định trách nhiệm thì dựa vào kết luận của hội đồng chuyên môn, kết luận này có khách quan hay không thì người bệnh rất khó đánh giá vì thiếu kiến thức và thông tin.
Cho nên, cũng theo LS Hưng, thực tế hầu như chưa có vụ tai biến do tắc trách của bác sĩ bị xử lý trách nhiệm hình sự, bởi bệnh nhân ít khi đi đến cùng sự việc, bởi kết luận của hội đồng chuyên môn do ngành y tế lập ra, họ cũng cần bảo vệ uy tín của ngành nên cũng không ai có đủ trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ ngành y để kiểm chứng.
“Theo luật này, trong thành phần của hội đồng chuyên môn phải có sự tham gia của luật sư, luật gia (phải được hiểu là người bên ngoài, độc lập), nhưng hầu như người dân không biết quy định này, còn cơ quan y tế thì không mời luật sư độc lập, nên kết luận của hội đồng chuyên môn khó đảm bảo được tính khách quan”, LS Hưng cho biết và cũng chia sẻ “khi gặp phải trường hợp bị tai biến do tắc trách, bệnh nhân cần yêu cầu được các luật sư tham gia vào hội đồng chuyên môn để đảm bảo quyền lợi cho mình. Đó cũng là cách phòng ngừa và trị căn bệnh “vô cảm” đang tồn tại trong ngành y”.
Hầu như chưa có vụ tai biến do tắc trách của bác sĩ bị xử lý trách nhiệm hình sự, bởi bệnh nhân ít khi đi đến cùng sự việc - Ảnh minh họa: Shutterstock

Xem xét trách nhiệm qua xử lý hình sự
LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng ngoài việc yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phải xác minh, làm rõ việc nữ sinh bị cắt chân thì chính gia đình cháu Vi cũng nên có đơn gửi cơ quan Công an Huyện Cư Kuin vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân bị hoại tử là gì, có dấu hiệu hình sự hay không?
“Quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ lập thủ tục Giám định về y khoa, xác định nguyên nhân gây cắt cụt chân, giám định tỉ lệ thương tật của nữ sinh Vi, nếu tỉ lệ thương tật từ 31% trở lên mà do nguyên nhân y, bác sĩ tắc trách thì Cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can với tội danh “vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 109 bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009, người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, LS Tuấn phân tích.
Cũng theo LS Tuấn, tùy mức độ, hành vi phạm tội được xác định trong khi điều tra, xác minh, thì những người liên quan có thể bị xem xét ở tội danh “vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo Điều 242 bộ luật Hình sự hiện hành, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.