Theo quy định của trường, vừa qua em có nộp hồ sơ xét tuyển ngành này theo phương thức 2 (nộp tuyển tập nghệ thuật, phỏng vấn và có điểm trung bình học bạ của môn Ngữ văn và Lịch sử trong 3 năm lớp 10, 11, 12 đạt từ 6.0 điểm trở lên). Ái đã gửi 7 bức tranh do mình vẽ và được trường đánh giá cao.
Kèm theo đó, Khả Ái có viết đơn xin học bổng của trường: “Nguyện vọng của em là muốn được học ngành thiết kế đồ họa có lẽ xuất phát từ việc em nhận thức được đây là ngành phù hợp với người khuyết tật như em và cũng là ngành để em thỏa sức sáng tạo. Nếu trúng tuyển, em sẽ có điều kiện học tập tại môi trường hòa đồng, thân thiện và sau này có thể đứng vững trên đôi chân của mình và giúp đỡ cho những người kém may mắn như em”.
Một người cha 44 tuổi kiên cường cùng con bị câm điếc bẩm sinh trải qua 18 năm khổ luyện để học hành. Đến nay, họ đã học những bài học cuối cùng của bậc phổ thông. Hành trình của hai cha con làm lay động lòng người...
Trong đợt thi THPT quốc gia vừa qua, Khả Ái tham gia dự thi tại điểm thi THCS Đoàn Thị Điểm (Q.3). Em dự thi 5 môn thi là Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa. Tuy nhiên, điểm thi của các tổ hợp môn Ái muốn xét tuyển chỉ đủ để xét tuyển bậc cao đẳng. Vì vậy, Ái đã nộp hồ sơ xét tuyển phương thức 2 để trúng tuyển vào Trường ĐH Hoa Sen.
|
Kèm theo đó, Ái cũng nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và trúng tuyển. Trường này cũng cấp học bổng toàn phần cho Ái theo học ngành thiết kế đồ họa. Vì vậy, em đang lựa chọn trường phù hợp với sở thích và điều kiện học tập của bản thân.
Đứng trên đôi chân mình
Đến nay, có thể nói câu chuyện đầy kinh ngạc về cha con anh Trần Khương – bé Khả Ái đã có một kết thúc rất có hậu. Có hậu bởi những cố gắng vượt bậc của cha con anh đã được đáp lại một cách xứng đáng. Vì Khả Ái chỉ nghe được khoảng 30% dù mang máy trợ thính, suốt 18 năm trời, anh Trần Khương đứng trước cửa lớp để nghe cô giáo giảng bài và về dạy lại cho con.
'Tôi đã từng trách ông Trời. Nhưng sau này tôi nghiệm được rằng không phải cái gì cũng đổ lỗi cho số mệnh được. Số mệnh do mình tạo ra. Phải biết chấp nhận sự thật và cùng con vươn lên', anh Khương nói.
Vợ chồng anh làm đủ mọi cách để con mình có thể giao tiếp được, điều mà đa số trẻ điếc câm không thể đạt đến vì cha mẹ chưa có cách dạy cho con phù hợp. Khả Ái cũng biết về sự thiếu hụt của bản thân mình và luôn cố gắng vượt bậc. Em học lớp bình thường nhưng luôn là học sinh tiên tiến và không thua sút bạn bè.
Ngay sau khi Thanh Niên đăng tải bài viết, rất nhiều người mong muốn giúp đỡ về vật chất. Nhiều trường đại học muốn cấp ngay học bổng để em theo học. Nhưng cha con anh đã từ chối vì muốn Khả Ái tham gia kỳ thi bình thường, đạt được kết quả tốt dựa vào chính bản thân mình.
Anh Trần Khương, người cha đặc biệt của Khả Ái, nói: “19 năm là quãng thời gian dài, và tôi tin tất cả những ông bố, bà mẹ trong hoàn cảnh của tôi đều yêu thương và bảo vệ con cái mình như vậy. Tôi không kỳ vọng con gái mình trở nên xuất sắc. Tôi muốn con thành người, được học hành, hòa đồng với chúng bạn, được làm những gì con thích, con ước mơ”.
Bình luận (0)