Nữ sinh Hà Nội trúng tuyển trường danh giá nhờ chủ động theo cách đặc biệt

30/01/2023 15:37 GMT+7

Dù chưa tốt nghiệp đại học (ĐH), Nguyễn Mai Chi vẫn nhận được thư trúng tuyển thạc sĩ từ hai ngôi trường hàng đầu của đất nước tỉ dân nhờ chủ động đầu tư học thuật và kết nối xuyên biên giới.

Công bố 9 nghiên cứu khi là sinh viên

Lên kế hoạch du học thạc sĩ từ 2 năm trước, Mai Chi, sinh viên năm 4 chương trình tiên tiến ngành quản trị kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội), không bất ngờ khi nhận thư trúng tuyển ngành quản trị của ĐH Bắc Kinh (cùng học bổng 100% trị giá khoảng 207 triệu đồng/năm) và ngành kinh tế quốc tế của ĐH Giao thông Thượng Hải trong tháng 1.

Hai ĐH này lần lượt đứng thứ 1 và 5 tại Trung Quốc, đứng thứ 12 và 46 trên thế giới trong bảng xếp hạng QS World University Rankings 2023.

Nữ sinh Hà Nội trúng tuyển trường danh giá nhờ chủ động theo cách đặc biệt - Ảnh 1.

Nguyễn Mai Chi

NVCC

"Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ và dành thời gian làm việc thực tiễn trong ngành, tôi sẽ tiếp tục học lên tiến sĩ ở một trường thuộc tốp 10 thế giới hoặc nằm trong khối Ivy League (8 ĐH hàng đầu tại Mỹ-PV) để mở mang tầm mắt hơn. Định hướng của tôi là trở thành nhà nghiên cứu kinh tế, giảng viên và sau này là giáo sư tại trường ĐH Việt Nam hoặc nước ngoài", nữ sinh Hà Nội chia sẻ kế hoạch sự nghiệp.

Chi lý giải quyết định này đến từ đam mê nghiên cứu khoa học của cô. Lần đầu tiếp xúc với nghiên cứu, nữ sinh lập tức bị thu hút và dần hứng thú hơn sau thời gian hoạt động độc lập và làm trợ lý cho các giáo sư. "Những đề tài tôi thực hiện đều liên quan với nhau, nếu trước đây là về hành vi khách hàng và tiếp thị thì hiện tại, tôi đang dành mối quan tâm đến vấn đề kinh tế bền vững, tài chính xanh", cô bộc bạch.

Đến hiện tại, dù chưa tốt nghiệp ĐH nhưng Chi đã công bố 9 bài nghiên cứu khoa học, trong đó là tác giả chính 4 bài. Đề tài của cô không chỉ trình bày trong hội thảo nghiên cứu khoa học cấp quốc gia mà còn được đăng trên các tạp chí như Sustainable finance and investment (tài chính và đầu tư bền vững), Tài chính, Kinh tế dự báo, Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Khoa học ngoại ngữ quân sự.

Nữ sinh Hà Nội trúng tuyển trường danh giá nhờ chủ động theo cách đặc biệt - Ảnh 2.

Mai Chi (hàng đầu, áo trắng) cùng đồng đội đại giải nhì tại cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp của Học viện Ngân hàng vào tháng 12.2022

NVCC


Cách học ngoại ngữ hiệu quả

Một điểm sáng trong hồ sơ của Chi là yếu tố ngôn ngữ, khi nữ sinh có thể giao tiếp tiếng Nhật, đồng thời đạt chứng chỉ HSK 5 (tiếng Trung) và IELTS 8.0 (tiếng Anh), tất cả đều thông qua tự học. "Tôi không học đan xen nhiều ngôn ngữ khác nhau mà lần lượt luyện đến khi thành thạo một thứ tiếng", cô nhận định.

Để tối ưu hóa việc học ngoại ngữ, Chi đưa ra 2 lời khuyên từ kinh nghiệm cá nhân. Đó là tiếp xúc hằng ngày với bạn bè nước ngoài nói thứ tiếng mà mình đang học thông qua các hoạt động quốc tế, đồng thời đăng ký thi chứng chỉ ngoại ngữ ngay khi bắt đầu học. "Điều này giúp tạo ra động lực lẫn áp lực để tiến lên", nữ sinh đúc kết.

Cách để "làm dày" bản thân

"Chủ động" là từ khóa nhiều lần được Chi nhắc đến. Không chỉ tham gia nghiên cứu khoa học, nữ sinh còn chủ động cọ xát thực tế qua việc sáng lập 2 dự án về công nghệ y tế (MediTap) và sinh học (Youji Life), đồng thời là thành viên dự án Musa Pacta về sản xuất sợi chuối và các sản phẩm từ sợi chuối. Những dự án hợp tác cùng cộng sự đó giúp cô đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi khởi nghiệp trong nước lẫn quốc tế.

Nữ sinh Hà Nội trúng tuyển trường danh giá nhờ chủ động theo cách đặc biệt - Ảnh 3.

Mai Chi (thứ nhất từ phải qua) cùng đồng đội đạt giải 3 với dự án về ứng dụng quản lý phòng khám toàn diện MediTap hồi tháng 7.2022

NVCC

Để đạt thành tích tốt trong các cuộc thi, nữ sinh Hà Nội khuyên người học cần chú ý đến góc nhìn của người chấm giải. Chẳng hạn, giám khảo Việt Nam quan tâm nhiều đến ý nghĩa, trong khi giám khảo quốc tế coi trọng khả năng tài chính, sinh lời. "Vì thế, nếu muốn thi quốc tế, hãy xác định làm thật hoặc dùng dự án của doanh nghiệp đã công bố từ 3-5 năm thay vì mang đến những ý tưởng trên giấy", Chi phân tích.

Cũng theo Chi, những gì cô đã học, nghiên cứu cũng bổ trợ nhiều mặt cho quá trình đi thi, vì cô chọn thúc đẩy các dự án về phát triển bền vững. "Tất cả đều liên quan mật thiết đến nhau", nữ sinh chuyên đảm nhận vai trò nghiên cứu thị trường và thiết kế website, ứng dụng chia sẻ. Điều này không chỉ giúp cô đạt hiệu quả tối ưu, mà còn góp phần củng cố nền tảng học thuật.

Bên cạnh đó, ở vai trò cá nhân, Chi còn là quán quân cuộc thi hùng biện tiếng Anh của Học viện Ngân hàng (Hà Nội), đạt giải sinh viên xuất sắc của Trường ĐH Ngoại thương và sinh viên 5 tốt cấp thành phố. Đồng thời, cô cũng có bằng nghề quốc tế về truyền thông đa phương tiện cấp bởi Arena Multimedia và chứng chỉ chuyên gia thiết kế truyền thông của tập đoàn Adobe.

Nữ sinh Hà Nội trúng tuyển trường danh giá nhờ chủ động theo cách đặc biệt - Ảnh 4.

Mai Chi (hàng đầu) cùng đồng đội trình bày về dự án sản xuất sợi chuối và các sản phẩm từ sợi chuối Musa Pacta vào tháng 8.2022

NVCC

Song song với hoạt động ngoại khóa, Chi cho hay việc chủ động liên lạc với trường là "chìa khóa" giúp cô tự nộp đơn thành công. "Tôi gọi thẳng đến thầy giáo ở ban tuyển sinh, có khi tuần nào cũng trao đổi. Điều này giúp tôi hiểu rõ trường cần gì ở mình cũng như nên và không nên làm gì khi thực hiện hồ sơ, tham gia phỏng vấn. Đồng thời, tôi có thể theo dõi quá trình ứng tuyển của bản thân tốt hơn", cô phân tích.

Ngoài ra, Chi cũng tìm và tạo mối quan hệ với những sinh viên của trường từ sớm. Nữ sinh kể rằng vào 1 năm trước, cô chẳng quen bất kỳ ai tại ĐH Bắc Kinh hay ĐH Thanh Hoa. Vì thế, cô đăng ký tham gia tất cả chương trình quốc tế của trường, sau đó gửi lời chào đến những thành viên tham gia có đuôi email là tên trường để kết bạn và hỏi thăm. "Tôi cố gắng gọi trao đổi với các bạn đã đậu vào ngành mơ ước để lắng nghe câu chuyện ứng tuyển, tự rút kinh nghiệm cho bản thân", nữ sinh nói.

Điểm số không là tất cả

Với điểm trung bình đạt 3.5/4.0, Chi đánh giá thành tích học tập của mình chỉ ở "mức khá" nhưng khuyên người học không cần áp lực nếu điểm số chưa xuất sắc. "Các ĐH hàng đầu không đánh giá sinh viên chỉ ở một khía cạnh mà xem xét tổng thể xuyên suốt 4 năm học. Nếu điểm trung bình của bạn tăng tiến qua mỗi kỳ, đây cũng là dấu hiệu tốt cho thấy sự cố gắng thay đổi theo hướng tích cực", cô nêu quan điểm.

Trong hồ sơ ứng tuyển, Chi cho hay cô đã nộp 2 bài luận về khả năng lãnh đạo và kế hoạch học tập, nghiên cứu, cùng CV và 2 thư giới thiệu từ các giáo sư trong nước và quốc tế. Ở bài luận, nữ sinh kể về sự tương đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc, cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế xanh nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, phong phú và cách mà cô có thể góp sức vào công cuộc này thông qua quá trình học tập, nghiên cứu tại Trung Quốc.

Nữ sinh Hà Nội trúng tuyển trường danh giá nhờ chủ động theo cách đặc biệt - Ảnh 5.

Mai Chi (thứ nhất từ phải qua) tham gia chương trình về doanh nhân trẻ tổ chức tại Singapore

NVCC

Còn trong vòng phỏng vấn kéo dài 20 phút, Chi dành 5 phút đầu trình bày về bản thân và thời gian còn lại trả lời hội đồng tuyển sinh. Theo nữ sinh, vấn đề được hỏi đào sâu về nền tảng học thuật của cô như mô hình nghiên cứu cô đang hứng thú và tình hình phát triển ở hiện tại, hay những đúc kết và định hướng nghiên cứu của cô... "Hội đồng đánh giá dựa trên 4 khía cạnh là khả năng lãnh đạo, nghiên cứu, ngôn ngữ và kiến thức chuyên ngành", Chi cho hay.

Là giáo viên chủ nhiệm của Mai Chi, tiến sĩ Bùi Thu Hiền, Phó trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngoại thương, cho hay điểm nổi bật của nữ sinh là sự chủ động, tinh thần ham học hỏi và có mục tiêu rõ ràng cả trong học tập và cuộc sống.

Có cơ hội tư vấn, động viên Chi trong những năm ĐH, cô Hiền cho biết đã nhìn thấy sự trưởng thành từng ngày của nữ sinh qua 4 năm học. "Từ cô sinh viên năm nhất bỡ ngỡ, đến nay Chi đã rất bản lĩnh, nỗ lực hết sức để đạt được nhiều giải thưởng nhóm và giải thưởng cá nhân ở các cuộc thi về kinh tế, khởi nghiệp trong và ngoài nước", cô Hiền khẳng định.

Hiện tại, Chi đang thực hiện khóa luận tốt nghiệp và chờ kết quả xét tuyển cuối từ ĐH Thanh Hoa (hạng 2 Trung Quốc, xếp thứ 14 thế giới) trước khi quyết định chọn trường nào. Nữ sinh khuyên sinh viên muốn trúng tuyển thạc sĩ các trường ĐH hàng đầu Trung Quốc cần tìm hiểu về trường, ngành và môn học, sau đó sớm "chốt" nguyện vọng để tận dụng thời gian chuẩn bị bộ hồ sơ thật cạnh tranh, phù hợp với yêu cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.