Nữ sinh ngành khoa học máy tính mỗi buổi học phải đọc trước khoảng 40 trang sách

06/11/2023 15:09 GMT+7

Lê Phạm Nhật Quỳnh, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đạt Giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023, nhờ thành tích học tập, rèn luyện và nghiên cứu khoa học nổi bật.

Là một trong 20 gương mặt nhận Giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023, Lê Phạm Nhật Quỳnh gây ấn tượng với thành tích học tập xuất sắc, đạt GPA (điểm trung bình) 3.71/4 tính đến hiện tại.

Ngoài ra, Quỳnh còn là đồng tác giả bài báo và nhiều giải thưởng khác trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Nữ sinh học ngành khoa học máy tính có thành tích xuất sắc - Ảnh 1.

Lê Phạm Nhật Quỳnh (giữa) nhận Giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023

NVCC

“Trong lớp 40 thành viên thì chỉ có 7 bạn nữ. Lý do là sự yêu thích của các bạn nữ dành cho ngành này ít, nhưng xét về năng lực học tập thì không có sự chênh lệch so với nam. Hiện tại, trong trường đại học hoặc các cơ quan nghiên cứu có rất nhiều sự khuyến khích, động viên cho nữ giới tham gia ngành này, điển hình như Giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ 2023”, Quỳnh nói.

Từng là học sinh chuyên hóa của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Bình Định), nhưng Nhật Quỳnh dần nhận ra niềm đam mê với toán ứng dụng và lập trình. Năm 2020, Quỳnh thi vào ngành khoa học máy tính Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, với số điểm 27,1 khối D07 (toán, hóa, tiếng Anh).

“Từ nhỏ, mình đã yêu thích các môn tự nhiên như toán, vật lý, hóa học. Năm học lớp 8, mình đạt giải nhì Hội thi Tin học trẻ cấp TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) và từ đó dần nhận ra niềm đam mê với lập trình. Lên bậc THPT, mình học chuyên hóa nhưng lại yêu thích toán ứng dụng vì vậy quyết tâm chọn ngành khoa học máy tính. Đây là ngành sử dụng cả khả năng lập trình và kiến thức toán cao cấp, nâng cao, lý thuyết gần với ứng dụng cuộc sống”, Quỳnh chia sẻ.

Nữ sinh cho biết khi mới nhập học ngành khoa học máy tính đã gặp khó khăn về khoảng cách kiến thức so với những bạn cùng lớp. Theo Quỳnh, phần lớn nam sinh viên trong lớp đều chuyên tin trong khi nữ sinh thì chọn hóa. Nhận thấy hạn chế của bản thân nên ngoài việc tập trung học ở lớp, nữ sinh tìm hiểu thêm nhiều giáo trình và luyện bài trên trang web chuyên về lập trình.

“Một trong những môn khó nhất của ngành khoa học máy tính là cơ sở dữ liệu. Số lượng bài tập rất nhiều và học theo mô hình mới. Sinh viên phải tự đọc tài liệu ở nhà, sau đó giảng viên mới đặt câu hỏi, tóm tắt lại những vấn đề đã học và cuối cùng là làm kiểm tra, giải đáp thắc mắc. Mỗi buổi phải đọc trước khoảng 40 trang sách, trong đó có nhiều kiến thức mới và khó”, Quỳnh chia sẻ.

Nữ sinh học ngành khoa học máy tính có thành tích xuất sắc - Ảnh 2.

Lê Phạm Nhật Quỳnh

KIM NGỌC NGHIÊN

Hiện nay, Quỳnh đang thực tập vị trí nhân viên nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại VinAI Research (VinGroup). Khi nghiên cứu tại trường, nữ sinh đã quen với làm việc nhóm, thì với đợt thực tập này phải hoạt động độc lập với người hướng dẫn nên có nhiều áp lực hơn. Việc này đòi hỏi Quỳnh phải tốn nhiều thời gian hơn trong việc đối chiếu, kiểm tra thành phẩm.

“Các bạn muốn theo ngành khoa học máy tính thì phải thật sự yêu thích vì đòi hỏi khá nhiều kiến thức tự học, kỷ luật cao. Mỗi ngày mình dành khoảng 8 tiếng đồng hồ để nghiên cứu tài liệu và thực hành. Việc lập kế hoạch chặt chẽ và ưu tiên những thứ cần làm trong tuần sẽ giúp mình đạt được mục tiêu học tập tốt nhất. Mình thường giải trí và cân bằng cuộc sống bằng việc tập đàn guitar”, Quỳnh chia sẻ.

Thạc sĩ Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết: “Đối với tôi, Nhật Quỳnh là một cô gái gây ấn tượng mạnh về sự bản lĩnh và tự tin trong môi trường nhiều nam, ít nữ như ngành khoa học máy tính. Bạn tích cực tham gia hoạt động ngay từ năm học đầu tiên tại trường, đặc biệt là nghiên cứu và các cuộc thi về lĩnh vực khoa học, công nghệ. Với những thành tích đạt được trong học tập, Quỳnh cũng đã có cơ hội thực tập tại VinAI Research”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.