Nữ 'sứ giả' ẩm thực Việt

11/02/2017 20:02 GMT+7

Lê Hạ Huyền (Helen Lê) là cái tên quen thuộc trên YouTube với những video dạy nấu ăn bằng tiếng Anh, Đức, có phụ đề tiếng Việt thu hút hơn 1 triệu lượt người xem mỗi tháng.

Không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ cách làm món Việt với người Việt mà cô gái trẻ người gốc Đà Nẵng này còn giới thiệu câu chuyện ẩm thực nước mình với cả thế giới.
Ẩm thực Việt cần “quốc tế hóa”...
6 năm sống ở Đức học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh - marketing, từ một cô gái không biết nhiều về nấu nướng, Lê Hạ Huyền đã thành một chuyên gia khi cho ra đời kênh quảng bá ẩm thực Việt lớn nhất trên YouTube mang tên Helen’s Recipes (Vietnamese Food). Sau 4 năm, đến nay kênh này đã có hơn 53 triệu lượt người xem mà chủ yếu là người nước ngoài.
“Là sinh viên sống ở Đức, mỗi ngày đều phải ăn những món Tây, thực sự rất ngán nên tôi bắt đầu tập nấu món Việt, tìm những nguyên liệu Việt ở Đức để nấu những món đơn giản nhất. Và từ đó tôi nghĩ đến chuyện chia sẻ bí quyết của mình đến những bạn sinh viên VN đang sống, học tập ở nước ngoài, sâu xa hơn là tìm cách để quảng bá rộng món ăn Việt đến với những người bạn quốc tế” - Huyền chia sẻ.
Điều khác biệt ở những clip dạy nấu ăn của Huyền là ở chỗ cô giới thiệu món ăn bằng tiếng Anh, Đức nên mức độ lan tỏa ngày một rộng hơn, và chính điều đó khiến cái tên của cô gái trẻ này trở thành một “hiện tượng” ẩm thực trên mạng xã hội.
“Ở VN có rất nhiều đầu bếp nổi tiếng, họ rất giỏi nhưng có lẽ do hạn chế về ngôn ngữ, trải nghiệm văn hóa nên cách họ làm để đưa văn hóa ẩm thực VN ra thế giới còn nhiều hạn chế, chưa có sức hút. Và tôi muốn làm tốt vai trò đó, tức là đưa ẩm thực Việt trở thành món ăn được “quốc tế hóa”.
Hơn nữa do tôi học về marketing, có vốn ngoại ngữ nên mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Tôi muốn bắt đầu từ những món đơn giản nhất, dễ chế biến nhất, nguyên liệu dễ tìm nhất để hướng dẫn nhiều người bạn quốc tế có thể làm món ăn VN. Và cái cách của tôi cũng “cây nhà lá vườn” thôi: tự làm món ăn, tự quay clip vì tôi nghĩ những gì thực tế nhất, gần gũi nhất sẽ dễ được tiếp nhận hơn là bóng bẩy”.
Trở về VN sau khi kết thúc việc học, Lê Hạ Huyền vẫn tiếp tục công việc làm “sứ giả” ẩm thực Việt của mình. Mỗi tuần cô up clip một món Việt nào đó vào thứ sáu. Mỗi ngày dành vài tiếng để trả lời tất cả các thắc mắc của người xem.
Cô kể: “Vừa rồi tôi làm món bún riêu cua, tôi bắt đầu bằng cách xẻ thịt một con cua sống trước máy quay, lấy gạch của nó và làm vài thao tác theo kiểu “tươi sống” vì tôi muốn người xem nhìn bằng hình ảnh thực tế. Không ngờ sau đó lại nhận sự phản ứng mạnh của rất nhiều bạn nước ngoài, đại loại: “Sao lại có thể nhẫn tâm làm thịt cua sống như thế, nhìn ghê quá...”.
Có lẽ với người nước ngoài hay những người Việt sinh sống lâu ở những quốc gia trên thế giới, họ quen với việc ra siêu thị, chọn những món được đông lạnh sẵn, thịt phi lê được làm sạch sẽ, đóng gói kỹ càng... nên họ đã sốc khi thấy tôi hướng dẫn cách lấy thịt cua sống. Tôi nói vậy để hiểu rằng muốn quảng bá về ẩm thực không chỉ là hướng dẫn bí quyết nấu một món ăn ngon mà còn cần phải tìm hiểu về văn hóa, con người ở nhiều nước trên thế giới để có thể tiếp cận họ, hướng dẫn cho họ hiểu một cách sâu sát nhất, hiệu quả nhất”.
Sách về món ăn Việt cho người nước ngoài
Mới đây Lê Hạ Huyền là 1 trong 2 đại diện của VN được kênh truyền hình AFC (Asian Food Channel) mời qua ghi hình cho chương trình nấu ăn tại nhà và phát sóng vào ngày 17.1 trên toàn thế giới. “Đây là kênh truyền hình quảng bá ẩm thực châu Á.
Tại đây tôi đã giới thiệu 3 món: mực nướng sa tế, gà xiên nướng lá chanh và bò nhúng ớt. Những món này khá đơn giản để làm nhưng lạ ở hương vị. Hầu như những món tôi quảng bá đều đơn giản cả, chỉ là mình phải làm sao để khi hoàn thành món ăn vẫn mang đậm đà hương vị Việt, đảm bảo món ăn tươi ngon”.
Không chỉ tham gia trên YouTube, Facebook, Twitter... cô gái mê ẩm thực này còn viết sách khi cho ra đời cuốn Món ăn Việt với Helen năm 2014, sách chỉ viết bằng tiếng Anh, bán trên mạng. “Nhiều người hỏi tại sao không viết bằng tiếng Việt, như tôi đã nói ngay từ đầu, tôi muốn trở thành một cầu nối, một sứ giả để quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới chứ không phải là một đầu bếp hướng dẫn nấu món ăn Việt, nên việc chọn tiếng Anh là ngôn ngữ để truyền tải cũng là điều dễ hiểu. Sau đó một số NXB ở VN muốn phát hành cuốn này nên tôi đã một lần nữa dịch ra tiếng Việt. Lần này tôi phải nhờ sự giúp sức của mẹ, mẹ tôi là giáo viên dạy văn....” - Huyền chia sẻ thêm.
Mới đây một NXB ở New York đã mời Huyền viết một cuốn sách về phở và những món bún, miến của VN. Cô gái này đã hoàn thành bản thảo, đang chờ xử lý hình ảnh và theo kế hoạch, cuốn sách sẽ được giới thiệu vào năm nay. Mê ẩm thực, hướng dẫn nấu món ăn thành thạo, nhưng viết sách về những món ăn lại là một chuyện khác không dễ dàng.
“Thật ra những kiến thức mà tôi có được chủ yếu được tìm hiểu qua mạng, sách báo. Sách về món ăn Việt thì rất nhiều. Tôi đọc, sau đó chắt lọc, chọn và bổ sung để viết về một món nào đó, có thêm cái riêng của mình, bí quyết riêng để món đó là của Helen chứ không phải của một người nào khác. Điều này cần sự trải nghiệm không chỉ ẩm thực VN mà còn phải nghiên cứu về văn hóa ẩm thực các nước khác, mà gần nhất là Hàn, Nhật, Thái Lan. Vì người đọc không chỉ có người Việt mà nhiều hơn là người nước ngoài”.
Hiện Lê Hạ Huyền đang sống ở Đà Nẵng, mỗi ngày cô đều dành thời gian nghiên cứu về những món ăn để làm clip mỗi tuần. Vẫn “chiêu” cũ: tự làm món ăn, nói bằng tiếng Anh, phụ đề tiếng Việt, tự quay, thỉnh thoảng có sự hỗ trợ của chồng, không có một ê kíp ghi hình, dàn dựng chuyên nghiệp nào cả.
“Việc tìm kiếm một ê kíp không khó nhưng tôi muốn sự chân thực, không mài giũa của mình trong hướng dẫn, như thế sẽ thu hút hơn. Vất vả một chút nhưng thực hiện nhiều thì quen. Mỗi cách làm đều có sự thú vị riêng mà. Bây giờ tôi chỉ nghĩ cách để làm sao clip của mình không đơn điệu nên ngoài phần hướng dẫn sẽ chèn thêm những hình ảnh thực tế mà tôi đã có dịp trải nghiệm, đi tìm hiểu về ẩm thực của hơn 25 nước trên thế giới”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.