Sáng 6.3, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình giao lưu với các đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023 diễn ra vào sáng 6.3.
Tại chương trình, tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương, top 20 đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023 đã có những chia sẻ về con đường đến với nghiên cứu khoa học về lĩnh vực thần kinh học và quá trình tạo ra những công trình có ích cho cộng đồng.
Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương, Trưởng bộ môn Y học tái tạo, Trưởng phòng Thí nghiệm sức khỏe não bộ, Trường ĐH Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM). Năm 2012, năm 23 tuổi, chị Thanh Hương giành học bổng nghiên cứu sinh chuyên ngành thần kinh học tại Đại học Stanford (Mỹ). Hoàn thành chương trình tiến sĩ, năm 2018 chị về nước nhằm tìm kiếm giải pháp cho các bài toán liên quan tới não bộ, góp phần nâng cao sức khỏe trí tuệ và tinh thần của người Việt Nam.
“Trong gia đình tôi, ba mẹ đều là giáo viên. Mẹ dạy môn sinh học, còn ba dạy môn hóa học. Từ nhỏ, tôi đã được tiếp xúc với kiến thức khoa học tự nhiên. Khi mình học tiểu học, tôi thấy ba mua viên thuốc khải hoàn sau đó về lặp lại thành cấu trúc phân tử để dạy cho học sinh. Những khoảnh khắc đó tích lũy dần cho mình niềm yêu thích nghiên cứu khoa học", chị Thanh Hương chia sẻ.
Chị kể, lên bậc THPT, chị học chương trình chuyên sinh của Trường phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TP.HCM. Quá trình học môn này, chị thích tìm hiểu cách não bộ hoạt động, cách con người có thể ghi nhớ thông tin… "Rồi biến cố gia đình xảy ra, nhà mình có người mắc bệnh lý về tâm thần. Quá trình theo thăm khám ở các bệnh viện, mình nhận ra thực tế phũ phàng là mức độ quan tâm, đầu tư cho bệnh viện chữa trị về tâm thần ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, quá trình chữa trị kéo dài nhưng không hiệu quả".
Từ trải nghiệm cùng người thân, chị Thanh Hương quyết tâm theo đuổi nghiên cứu khoa học về thần kinh để thay đổi thực trạng, nhận thức về chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam. Hoàn thành bậc THPT, chị đăng ký học ngành công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và sau đó học nghiên cứu sinh ở Mỹ.
Chị Hương cho biết chị nhận thấy rằng nhu cầu chẩn đoán, điều trị ngày càng tăng mà nguồn nhân lực thì rất thấp. Do đó, phải tìm cách nghiên cứu tạo ra những giải pháp thông minh để chẩn đoán bệnh Alzheimer và có thể ứng dụng ở các bệnh viện tỉnh, thị xã, số người tiếp cận chẩn đoán sẽ cao hơn.
Quá trình trao đổi với nhiều bác sĩ ở các bệnh viện, chị Hương được biết cả nước Việt Nam (vào năm 2018) chỉ có khoảng 10 trung tâm có khả năng chẩn đoán bệnh lý về sa sút trí tuệ, nguồn nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực này. Khi so sánh tỷ lệ người mắc bệnh Alzheimer theo những điều tra, ở Việt Nam ước tính khoảng từ 5% - 6% những người trên 60 tuổi mắc bệnh.
“Khi mình xác định được bài toán nghiên cứu rồi, mình phải đưa ra giải pháp như thế nào, giải pháp đó bác sĩ có sử dụng được hay không? Có kết hợp vô luồng làm việc của bệnh viện, phù hợp với cơ sở vật chất? Rồi mình kiên nhẫn lắng nghe, trao đổi rất kỹ với bác sĩ”, chị Hương nói.
Trong năm 2023, chị và cộng sự tại Khoa Kỹ thuật y sinh với sự tham vấn của các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện 30.4, đề xuất dự án “Phần mềm Brain Analytics phân tích hình ảnh MRI sọ não người bệnh và chẩn đoán bệnh Alzheimer một cách chính xác, tự động, nhanh (trong vòng 7 giờ)”, đã được huấn luyện và kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ADNI (Mỹ) với độ chính xác khoảng 96%. Dự án này mang đến những hiệu quả tích cực cho người bệnh nói riêng và nền y học Việt Nam nói chung.
Chị Hương cũng cho biết chị đã lựa chọn phù hợp với nguyện vọng của bản thân. Nhờ vậy chị đã dành toàn bộ thời gian ở trường giảng dạy, thực hiện nghiên cứu khoa học. Kết thúc giờ làm việc, chị có khoảng thời gian còn lại dành cho gia đình, cho các con. Chị biết cân bằng để không phải hy sinh việc này cho việc kia.
Chị Hương đã chia sẻ kinh nghiệm cho sinh viên tham gia và thực hiện nghiên cứu khoa học. Chị Hương nói: “Mình hay chia sẻ cho sinh viên là bây giờ các em vào giai đoạn làm luận văn thì chọn chủ đề làm sao mà bữa tối mình đi ngủ, mình cảm thấy chưa ngủ được, mình đọc thêm về chủ đề đó, buổi sáng thức sớm để đọc thêm tài liệu rồi bắt tay vào làm thì các em lựa chọn đúng. Nếu chọn đề tài vì thầy cô, thì các em khó mà theo đuổi lâu dài”.
Trong năm 2023, tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương và đồng sự đề xuất dự án "Phần mềm Brain Analytics phân tích hình ảnh MRI sọ não người bệnh và chẩn đoán bệnh Alzheimer một cách chính xác, tự động, nhanh (trong vòng 7 giờ)", đã được huấn luyện và kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ADNI (Mỹ) với độ chính xác khoảng 96%. Dự án giúp lan tỏa được tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ trong giải quyết các bài toán y khoa. Phần mềm đã được các bác sĩ và sinh viên y khoa thuộc 8 bệnh viện khác nhau trên toàn quốc trải nghiệm và đánh giá, 80% trong số họ hài lòng với những tính năng mà phần mềm mang lại. Dự án BrainAnalytics đã kết nối được với gần 300 y, bác sĩ tại 42 bệnh viện khắp cả nước.
Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương cũng cùng đồng sự đã đề xuất dự án: "Hệ thống đo điện não từ xa tích hợp điều khiển tự động kích thích siêu âm"; "Xây dựng mô hình học máy để ước tính mức độ căng thẳng của mỗi học sinh". Nghiên cứu của tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương nhấn mạnh sự cần thiết của việc áp dụng biện pháp can thiệp căng thẳng để tạo ra một môi trường học tập tối ưu.
Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương có nhiều bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế. Chị có nhiều giải thưởng: Women of the Future Awards Southeast Asia 2023 (Phụ nữ tương tại Đông Nam Á 2023), Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu Vàng năm 2023. Chị nhận được bằng khen của các cấp.
Bình luận (0)