Nửa thế kỷ hái lá Cù Lao Chàm

An Dy
An Dy
12/06/2023 08:09 GMT+7

Có một người đi rừng cần mẫn suốt hơn nửa thế kỷ, được xem là 'bảo tàng sống' gìn giữ lá rừng bản địa ở Cù Lao Chàm.

Ông Nguyễn Vinh (67 tuổi), thường gọi là ông "Vinh nước lá", đã quá quen thuộc với cộng đồng dân cư ở Bãi Làng, Bãi Ông (Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, TP.Hội An, Quảng Nam). Người đàn ông ấy dành cả cuộc đời mình để làm bạn với lá rừng, còn gọi là "lá lao", nghĩa là lá ở cù lao. Những loại lá tự nhiên có dược tính cao được ông mang từ trên núi về, cắt nhỏ và phơi khô để hãm nước uống. Những người làm công tác bảo tồn trên đảo gọi ông là "nghệ nhân" nước lá rừng cũng không ngoa, bởi kiến thức về nước lá của ông ở thời điểm hiện tại thực sự là vốn quý.

Nửa thế kỷ hái lá Cù Lao Chàm - Ảnh 1.

Những “con đường nước lá” ông Nguyễn Vinh đi qua mỗi ngày

AN DY

LẦN THEO "CON ĐƯỜNG NƯỚC LÁ"

Tầm 5 giờ sáng, tôi thức dậy để cùng ông Vinh đi rừng hái lá. Thường thì người con trai chở ông lên núi vì ông không biết đi xe máy, cả đời chỉ quen đi bộ quanh đảo. Chuyến đi này, tôi tình nguyện làm tài xế cho ông.

Theo hướng ông chỉ, chúng tôi ra khỏi xóm Cấm (Bãi Ông), hướng lên núi. Ngang qua cánh đồng chùa thì xe bắt đầu phải cài số 2 để leo qua từng con dốc. Đi chừng 3 km là tới Eo Gió. Bắt đầu từ đây, ông bảo tôi dừng xe và dắt tôi lần theo "con đường nước lá". Sở dĩ nói như vậy vì những địa danh mà ông hướng dẫn tôi ghi chép không theo bất cứ một bản đồ nào. "Con đường nước lá" của ông là con đường mòn trong ký ức từ khi ông mới là cậu thiếu niên 14 tuổi theo cha đi hái lá cho đến khi trở thành người đi rừng lão luyện suốt hơn nửa thế kỷ qua ở Cù Lao Chàm. Cha ông là người sành các loại lá trên đảo, nên ông cứ đi theo rồi dần dần con đường nào ông cũng rành. Ở đâu có gốc gì, lá gì ông cũng hay…

Từ Eo Gió, ông dắt tôi đi về hướng Hòn Sẹo để hái lá bướm bạc, rồi ngang qua hang Lờm để hái chè núi… Vừa đi ông vừa chỉ cho những người đi hái rau rừng lên hướng "cây chanh trên", "cây chanh dưới", "bờ đá"… Ông đọc vanh vách những địa danh có các loại lá rừng quý hiếm như dốc ông Bòa, khe nước Nhĩ… Đi quanh đường Dán, bè Tre sẽ có nhiều dây ngũ gia bì mà ông âm thầm làm dấu để bảo tồn. Ở đó có cả lá ngo, bồ đề núi, sâm núi… Vừa đi ông vừa làm dấu chỉ đường đi mũi Đông, Hòn Nhàn, khe Trôi - những nơi có các loại lá thảo dược quý hiếm ít ai trèo đến được.

Cứ gặp bụi rậm là ông Vinh dùng rựa chặt để mở đường đi. "Hơn 20 năm trước, ở đây còn chưa làm đường nhựa quanh núi, nên tôi cứ đi theo những địa danh của cha ông để lại. Đi từ tinh mơ đến tận chiều mới gùi lá trở về...", vừa vạt bụi gai rừng cho tôi đi qua, ông Vinh vừa hồi tưởng.

Nửa thế kỷ hái lá Cù Lao Chàm - Ảnh 2.

Người “thợ rừng” tìm hái lá giữa núi rừng Cù Lao Chàm

LÁ MÙNG NĂM THÀNH LÁ… QUANH NĂM

Khi xưa ở đảo, người dân thường đi rừng hái lá về để dành hãm nước uống vào dịp Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch, nên lá rừng còn được gọi là "lá mùng năm". Nhưng có lẽ để phân biệt với "lá mùng năm" trong đất liền, lá ngoài Cù Lao Chàm còn được gọi là "lá lao". Đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi du lịch bắt đầu phát triển, du khách tìm đến đảo nhiều hơn thì nước lá lao trở thành sản vật bản địa và được hái quanh năm để phơi khô, bán cho khách mang về làm quà.

Người ta truyền tai nhau rằng lá phải được hãm bằng nước giếng Chăm ở xóm Cấm thì uống mới ngon, có tác dụng giải nhiệt, tăng đề kháng… và phải đủ hơn 25 vị lá rừng. Ông Vinh nhẩm đếm trong nước lá của ông có đủ cả, như bồ đề núi, bù gia, bướm bạc, dủ dẻ, hà thủ ô, ổi tàu, sâm núi, riềng núi, lá từ bi, lá gối, chè vằng, bầu đường, ngũ gia bì, dây chiều, quế hương, lá gõ, dây cam thảo, cam thảo đất, dây cam đường dại (còn gọi là cầm đàng), lá bời lời…

Vừa chỉ cho tôi ghi nhớ những cái tên, ông Vinh vừa tìm những loại lá quý để tôi tự tay hái. Đôi mắt ở tuổi gần thất thập cổ lai hy vốn đã đục dần bỗng lại sáng lên khi thấy bóng cây chè rừng lấp ló ở cuối con suối cạn. Vừa chỉ tay về phía ngọn chè rừng, loáng cái ông đã "đuổi" theo mớ lá và mất hút, lẫn vào màu xanh lá rừng… Tôi phải cố sức mới theo kịp ông ở cuối con suối cạn đầy đá tảng chồm mình ra phía vực. Đến dưới hẻm núi, ông bảo tôi đứng đợi rồi băng qua suối, thoăn thoắt trèo lên tận ngọn chè rừng. Ông lý giải phải cắt trên ngọn cho cây nứt nhánh, đâm chồi ra lá, chứ cứ chặt ngang gốc kiểu "tận thu" thì còn đâu cây lá quý hiếm để hái mỗi ngày. Rồi ông lần theo hướng đông lên chỗ những dây ngũ gia bì tự nhiên (dân địa phương gọi là cây ngáy). Ông cười hài lòng, bươn lên lấy cho được cụm dây đầy gai, vì bây giờ nó "khó tìm và hiếm", chỉ còn một ít nằm ở những vách núi mé cánh đông của Eo Gió. Rồi tít xa nơi hẻm núi, ông tìm thấy cây lá dung, một loại cây quý chữa bệnh dạ dày, đang nằm bật gốc vì gió bão. Ông dựng cây dậy, trồng lại và đánh dấu để ghi nhớ hiện trạng của từng loại cây như một nhà bảo tồn chuyên nghiệp.

Hôm nay ông đi hái lá vùng này thì hôm sau ông tới vùng khác. Cứ vậy, xoay vòng để cây kịp đâm chồi nảy lộc, lá kết tinh đủ dược tính. Bằng cách thức bảo tồn này, ông Vinh tự tin rằng dù ông có đi hái quanh năm thì vẫn có lá. "Chỉ cần con người biết đủ, biết để dành, biết nuôi dưỡng và bảo tồn thì không sợ mất. Có những vùng không dấu chân ai đến được, ở đó tôi dùng tâm sức để bảo tồn, bảo dưỡng lá rừng theo cách tự nhiên nhất để vốn quý không mai một", ông chia sẻ.

Nửa thế kỷ hái lá Cù Lao Chàm - Ảnh 3.

Trên đường hái lá, ông Vinh vẫn âm thầm “bảo tồn” những khu vực có cây lá quý theo cách riêng của mình

KHO TRI THỨC BẢN ĐỊA

Mỗi ngày ông Vinh đều đặn lên rừng tìm lá và gùi về, cũng vừa tranh thủ thăm thú, chăm sóc những bụi lá quý, những thân cây non… Dành cả đời để đi rừng nên kinh nghiệm nhận diện vị trí các loại cây quý và kiến thức về lá rừng của ông có thể xem như một kho tri thức bản địa. Giờ đây, nguồn tri thức này đang ngày càng mai một trong cộng đồng cư dân Cù Lao Chàm. "Làm nghề này phải chịu khó, chịu khổ, vất vả nên người trẻ không chọn. Người già tới lứa của tôi và những tiền nhân rồi cũng hết dần… Lá rừng rồi sẽ không ai nhớ hết được", ông tâm tư.

Những ngày không đi rừng được, ông Vinh lại hướng dẫn con cháu chăm vườn dược liệu ở mé núi phía sau nhà. Hàng chục loại lá rừng quý hiếm được ông đưa từ rừng thẳm, từ những vách núi cheo leo về chăm sóc, nuôi dưỡng tại khu vườn mà ông gọi vui là "không gian bảo tồn nước lá". Chưa hết, ông Vinh còn đưa kiến thức về nước lá vào trường học, đến với học sinh trên đảo. "Có tiết ngoại khóa là trường lại thu xếp để tôi dạy cho bọn nhỏ cách phân biệt, nhận diện trực quan các loại lá rừng. Tôi hướng dẫn cách phân tích tình trạng tươi và khô, phân theo từng loại nhóm công dụng. Những đứa trẻ lớn lên ở đảo cũng cần phải có chút kiến thức về loại nước lá mà cha ông chúng đã bao đời truyền lại", ông nói.

Nước lá hay lá rừng với ông Vinh không đơn thuần là cuộc mưu sinh, mà sâu hơn chính là niềm đam mê. Mê rừng, mê cây cỏ nên ngày nào không đi rừng được là trong người ông lại bứt rứt khó chịu. Tìm đường lên rừng, hít thở không khí rừng, hòa mình vào thiên nhiên khiến ông thấy mình trẻ khỏe hơn… 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.