Nửa thế kỷ nhìn lại tầm vóc Điện Biên Phủ trên không

10/12/2022 07:52 GMT+7

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không cho thấy sức mạnh của Việt Nam với tầm nhìn chiến lược, chiến đấu thông minh, toàn dân đồng lòng và sự ủng hộ của quốc tế.

Cẩm nang bìa đỏ và lần sơ tán lớn nhất lịch sử thủ đô

Nửa thế kỷ trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972, ngày 9.12, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội cùng tổ chức hội thảo Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” - Sức mạnh VN và tầm vóc thời đại. Ban tổ chức hội thảo cho biết đã nhận được hơn 130 báo cáo, tham luận của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các nhân chứng lịch sử; các quân khu, quân chủng, binh chủng, các học viện và các nhà khoa học trên khắp cả nước.

Xác máy bay B.52 bị bắn rơi lúc 23 giờ ngày 27.12.1972 tại phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội

TTXVN

PGS-TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, đã nhắc lại tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về âm mưu tập kích của không quân chiến lược Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng. Theo đó, năm 1967, đến thăm Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua… Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở VN, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

PGS-TS Lý Việt Quang cũng nhắc lại chuyện khi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Người giao nhiệm vụ: “Phải chuẩn bị cách đánh B.52, dù trong tình huống nào cũng phải đánh thắng B.52 nếu chúng đánh ra miền Bắc, nhất là Hà Nội, Hải Phòng…”. Người cũng hỏi tướng Phùng Thế Tài lúc đó: “Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B.52 chưa?”. Các nghiên cứu tìm hiểu sau đó của quân chủng, cộng với kinh nghiệm bắn rơi B.52 ở Quảng Bình… đã giúp biên soạn cuốn Cách đánh B.52, còn gọi là Cẩm nang bìa đỏ. Ông Quang cho biết sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định chúng ta thắng B.52 do nhiều nguyên nhân, trong đó có góp sức quan trọng của cuốn sách.

Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội, cho hay trên cơ sở dự báo chiến lược B.52 sẽ đánh Hà Nội, thủ đô đã xây dựng lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt công tác phòng không nhân dân. Hà Nội tăng cường các đội “tay búa tay súng”, “tay cày tay súng”. Dân quân cũng gấp rút sửa chữa các sân bay bị hư hỏng nặng do địch đánh phá ngày đêm. Tự vệ cầu đường thu dọn chướng ngại vật. Cán bộ y tế cứu thương binh. Đến ngày 18.12.1972, Hà Nội hoàn thành sơ tán trên 500.000 người, tương đương 85% số người ở nội thành. “Đây là lần sơ tán lớn nhất trong lịch sử kháng chiến của nhân dân thủ đô”, ông Duyệt đánh giá.

Hầm trú bom trong khách sạn Sofitel Metropole

Lưu Quang Phổ

Trí tuệ thời đại Hồ Chí Minh

Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng), nhìn nhận Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ VN thời đại Hồ Chí Minh. Qua 12 ngày đêm đọ sức, quân dân VN không những không lúng túng trước đòn đánh phá ồ ạt mà còn tạo lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp dày đặc. Có 81 máy bay các loại của Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 34 máy bay B.52. Chiến thắng đó, theo ông Nhiên là “thể hiện trí tuệ VN trước vũ khí công nghệ cao của địch”.

PGS-TS Nguyễn Thị Mai Hoa, ĐH Quốc gia Hà Nội, lại nhìn Điện Biên Phủ trên không từ góc độ “kết hợp các yếu tố dân tộc và quốc tế”. Theo đó, VN luôn coi sức mạnh dân tộc là chủ đạo, sự giúp đỡ quốc tế có tính hỗ trợ thúc đẩy. Trong 2 năm 1971 - 1972, Liên Xô cung cấp cho VN 19 máy bay MIG-21MF và 80 tên lửa, 1.102 quả tên lửa… Chuyên gia quân sự Liên Xô cũng giúp đỡ ta cải tiến đài trinh sát, hiện đại hóa khí tài tên lửa… Ngoài ủng hộ vật chất, các nhà lãnh đạo nhiều nước cũng lên tiếng lên án chiến dịch không kích tàn bạo của Mỹ chống VN.

PGS-TS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, đánh giá 12 ngày đêm đánh B.52 là “trận quyết chiến có ý nghĩa chiến lược, là thử thách chưa từng có trong lịch sử, góp phần tạo ra thế và lực mới cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 1975”. Ông Nhật phân tích: “Với thắng lợi to lớn, toàn diện của chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng 1972, chúng ta đã buộc Mỹ phải chấp nhận mọi điều khoản của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở VN, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN, rút hết quân Mỹ khỏi miền Nam VN”.

Cũng theo PGS-TS Nhật: “Đối với thế giới, chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không mở đường cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới ở VN; đem lại lòng tin cho nhân loại tiến bộ đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; chứng minh sức sống của học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh cách mạng trong thời đại ngày nay”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.