Núi lửa phun trào chấn động Thái Bình Dương

17/01/2022 06:10 GMT+7

Núi lửa trong lòng biển gần Tonga đã phun trào dữ dội, gây cảnh báo sóng thần khắp khu vực Thái Bình Dương, trải dài từ Nhật Bản đến Mỹ và Canada.

Núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai, cách đảo chính Tongatapu của đảo quốc Tonga khoảng 65 km về hướng bắc, bất ngờ phun trào dữ dội vào chiều 15.1 (giờ địa phương). Những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy cột khói và tro bụi khổng lồ trong bán kính 20 km, còn phạm vi ảnh hưởng dưới biển có bán kính lên đến 260 km. Bầu trời đảo quốc Tonga lập tức chìm trong bóng tối. Vụ phun trào cũng tạo nên tiếng nổ kinh hoàng, có thể nghe thấy ở New Zealand vốn cách đó hơn 2.000 km. Tạp chí National Geographic cho hay sóng xung kích xuất phát từ vụ nổ nhanh chóng lan khắp thế giới, thậm chí được ghi nhận ở Anh (cách xa khoảng 16.000 km).

Ảnh chụp từ vệ tinh vào thời điểm núi lửa phun trào hôm 15.1

AFP

Sóng thần lập tức xuất hiện sau đó. Đảo chính Tongatapu, nơi đặt thủ đô Nuku’alofa, hứng chịu đợt sóng cao 1,2 m. Do đứt cáp ngầm dưới biển, mạng lưới viễn thông của hòn đảo bị đánh sập hoàn toàn. Không ít nhà cửa bị sụp đổ và người dân phải tháo chạy lên những vùng đất cao hơn. Từ đó, sóng thần tiếp tục lan khắp khu vực Thái Bình Dương, ập vào bờ biển ở các bang Alaska, Oregon, Washington của Mỹ và tỉnh bang British Columbia (Canada). Các trạm cảm biến tại bang California (Mỹ), Mexico và một số vùng ở Nam Mỹ cũng ghi nhận những đợt sóng thần nhỏ.

Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản phát cảnh báo sóng thần cao đến 3 m ở nhóm đảo Amami. Đài NHK đưa tin khoảng 230.000 người ở 8 tỉnh Nhật Bản được khuyến cáo sơ tán vì nguy cơ sóng thần. Nhiều tàu bè ở tỉnh Kochi thuộc đảo Shikoku bị sóng đánh lật. Hãng hàng không Japan Airlines phải hủy 27 chuyến bay tại các sân bay trên toàn quốc. Đến hôm qua, Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương (PTWC) sau thời gian quan sát đã tạm thời dỡ bỏ nguy cơ sóng thần sau vụ núi lửa phun trào trên, theo Reuters.

Hình ảnh cho thấy thời điểm núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai phun trào chiều 15.1

Chụp từ 1NewsNZ

Do liên lạc bị gián đoạn, đến hôm qua vẫn chưa rõ thông tin thương vong ở Tonga. Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand cho hay dựa trên thông tin do sứ quán New Zealand ở Tonga cung cấp, các khu vực của thủ đô Nuku’alofa bị thiệt hại nghiêm trọng. Giới khoa học đang nỗ lực tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra ở Hunga Tonga-Hunga Ha’apai. Núi lửa này hoạt động từ năm 1912, và đợt phun trào năm 2014 - 2015 đã tạo nên một hòn đảo nhỏ bên trên miệng núi lửa.

Các nghiên cứu gần đây về lịch sử địa chất của núi lửa ở Tonga cho thấy vụ phun trào lần này thuộc dạng khá hiếm, với tần suất ngàn năm có một. Giới chuyên gia hy vọng thảm cảnh tồi tệ nhất đã chấm dứt, nhưng không có gì là chắc chắn. Bà Janine Krippner, nhà núi lửa học của Viện Smithsonian (Mỹ), cho hay sẽ mất nhiều thời gian để tìm ra câu trả lời về hoạt động bất ngờ vừa qua của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai. Họ cũng muốn tìm ra lời giải thích cho tương lai của khu vực trước mối đe dọa từ ngọn núi lửa này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.