Không chỉ vụ khủng bố ở Paris đêm 13.11 mà nhiều vụ tấn công ở Pháp từ đầu năm tới nay đều có dính líu đến các phần tử Hồi giáo tại Bỉ. Nước Bỉ có phải là đầu mối của các vụ khủng bố tại Pháp?
Ít nhất một tay súng đã chết và 5 nghi phạm đang bị bắt giữ đều từng sống ở Molenbeek, Bỉ. Cả tên bị tình nghi là chủ mưu vụ khủng bố ở Paris cũng từng sống ở quận này - Ảnh: AFP |
Manh mối từ nước láng giềng Bỉ
Các vụ tấn công khủng bố ở Paris đêm 13.11 đã khiến cả thế giới bàng hoàng. Nhưng chiến dịch điều tra và truy tìm những kẻ khủng bố không chỉ dừng lại ở nước Pháp mà mở rộng sang cả Syria, đất nước đang chìm trong xung đột, nơi các tổ chức cực đoan đang hoành hành, và quốc gia láng giềng Bỉ.
Trong số những tên khủng bố đã được xác định danh tính, có hai tên mang quốc tịch Pháp nhưng sống tại Bỉ, gồm Ibrahim Abdeslam, 31 tuổi và Bilal Hadfi, 20 tuổi, được cho là kẻ đã đánh bom tự sát gần sân vận động Stade de France vào thời điểm diễn ra trận bóng đá giao hữu giữa 2 đội tuyển Đức và Pháp và một quán bar tại quận 11, Paris.
Đài RTL ngày 16.11 cho biết Abdelhamid Abaaoud (27 tuổi) là người đã nói chuyện với những kẻ tấn công liều chết tại Paris đêm 13.11. Abaaoud có quốc tịch Bỉ, sống tại khu phố Molenbeek ở Brussels và đã giám sát cuộc tấn công tại Paris, theo đài RTL. Tên này được cho là có liên hệ trực tiếp với một trong những kẻ khủng bố tại Paris, cũng sống tại khu Molenbeek.
Bên cạnh đó, Bỉ phát lệnh truy nã quốc tế đối với một kẻ tình nghi tên Salah Abdeslam, sinh ra tại Bỉ, được mô tả là rất nguy hiểm và có liên quan đến loạt tấn công khủng bố ở Paris. Tính đến nay, cảnh sát Bỉ đã bắt giữ 7 người liên quan đến vụ khủng bố ở Paris.
Thêm nữa, hai chiếc xe xuất hiện tại hiện trường gồm một chiếc Seat màu đen được tìm thấy gần công viên Père-Lachaise ở thủ đô Paris và một chiếc Polo màu xám đậu trước cửa nhà hát Bataclan, được cho là đã chở các tay súng thực hiện các vụ tấn công, đều đăng ký ở Bỉ.
Giới chức Pháp cũng khẳng định rằng các cuộc tấn công khủng bố ở thủ đô Paris đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ bên ngoài và được môt số người ở Pháp tiếp tay. Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve nhận định: "Các vụ tấn công khủng bố đêm 13.11 nhằm trực tiếp vào Pháp đã được một nhóm phần tử cực đoan ở Bỉ chuẩn bị từ trước”.
Điều đáng nói là, đây không phải lần đầu tiên những vụ tấn công hoặc âm mưu tấn công khủng bố ở Pháp có dính líu đến lực lượng tại Bỉ. Còn nhớ, sau vụ thảm sát ở tòa soạn Charlie Hebdo và vụ bắt cóc con tin ở siêu thị tại Paris hồi tháng 1.2015, điều tra đều cho thấy vũ khí mà những kẻ tấn công sử dụng được mua ở Bỉ.
Tiếp đó, hồi tháng 8, Ayoub El Khazzani, công dân Morroco bị phát hiện có âm mưu tấn công hành khách trên tàu cao tốc từ Paris đến Amsterdam, cũng được cho là đã sống ở Bỉ trong một thời gian.
Cảnh sát Bỉ truy tìm nghi phạm trong vụ tấn công khủng bố ở Paris tại khu vực quận Molenbeek ngày 16.11 - Ảnh: Reuters
|
Ổ phần tử cực đoan Molenbeek ở Bỉ
AFP dẫn lời giới chức Bỉ cho biết, ít nhất một tên được cho là khủng bố đã chết và 5 trong số 7 người đang bị bắt giữ ở Bỉ đều có thời gian sống ở quận Molenbeek, một quận có nhiều người nhập cư nghèo của Bỉ. Đây là khu vực có cộng đồng người Hồi giáo sinh sống, trong đó có cả những nhóm người cực đoan.
Nhà phân tích Claude Moniquet (Pháp) cho rằng dù không phải là duy nhất ở Bỉ hay ở châu Âu nhưng Molenbeek là lò ổ của các phần tử cực đoan, theo AFP. Thủ tướng Bỉ Charles Michel ngày 15.11 cũng nói rằng: “Tôi chú ý thấy phần lớn các vụ tấn công đều có liên quan tới Molenbeek, đây thực sự là một vấn đề lớn”.
Trước vụ khủng bố ở Paris hôm 13.11, nhiều vụ tấn công khác cũng có liên quan đến các phần tử ở khu vực Molenbeek. Cụ thể, ngoài phần tử cực đoan Ayoub El Khazzani dự định tấn công tàu cao tốc hồi tháng 8, năm 2014, tay súng người Pháp tấn công một bảo tàng Do Thái ở Brussels khiến 4 người thiệt mạng cũng đã thuê phòng ở Molenbeek để chuẩn bị cho vụ tấn công.
AFP dẫn lời nhà phân tích Claude Moniquet cho biết, suốt hai thập kỷ qua, khu vực Molenbeek là nơi “sản sinh” ra những phần tử Hồi giáo cực đoan, tham gia hoặc hỗ trợ các cuộc xung đột ở Algeria, Afghanistan, Bosnia cũng như ở Syria và Iraq. Theo nhà phân tích này, một phần nguyên nhân khiến Molenbeek trở thành cái ổ của các lực lượng cực đoan là vì giới chức địa phương đã lơ là cảnh giác trong suốt nhiều năm.
Trung tâm tuyển mộ phần tử thánh chiến của châu Âu
Theo số liệu thống kê, Bỉ có khoảng 500 người đã trở thành các tay súng thánh chiến ở Iraq và Syria, trở thành quốc gia có số người tham gia lực lượng thánh chiến đông nhất ở châu Âu tính theo tỉ lệ dân số. Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon cho biết, những người quay lại châu Âu trong số này thực sự rất nguy hiểm vì có thể mang theo nhiệm vụ nào đó khi quay về.
Ông Jambon cho rằng nhiều người khác không thể đến Syria để tham gia vào lực lượng của IS có thể sẽ hành động ngay trên đất Bỉ, theo Bloomberg.
Người dân đặt hoa tại Đại sứ quán Pháp ở Brussels, tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ khủng bố ở Paris hôm 13.11 - Ảnh: Reuters
|
Trong khi đó, ông David Gartenstein-Ross, chuyên gia chống khủng bố của Quỹ vì quốc phòng dân chủ (Mỹ) hôm 15.11 nhận định rằng trung tâm của mạng lưới tuyển mộ các phần tử khủng bố là ở Bỉ. Theo ông, giới chức Bỉ cần phải xem lại liệu có phải các phần tử cực đoan xem Bỉ là môi trường dễ dãi và khó bị phát hiện trong cộng đồng riêng của họ.
Giới phân tích cho rằng chính sách đối với người nhập cư ở Bỉ có thể đã kéo theo những lý do khiến Bỉ trở thành trung tâm tuyển mộ phần tử thánh chiến của châu Âu. The Washington Post hồi tháng 1.2015 nhận định, giống như các nước châu Âu khác, Bỉ đang gánh chịu hậu quả từ việc thực hiện kém hiệu quả chính sách hòa nhập của người nhập cư, trong đó có người Hồi giáo. Một ví dụ điển hình là lệnh cấm dùng khăn che mặt hồi năm 2012 khiến người Hồi giáo càng thêm bất mãn.
Bên cạnh đó, theo Reuters, dù là trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) nhưng Bỉ lại có tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên cao, đặc biệt là nhóm người Hồi giáo ở quận Molenbeek. Hơn thế, chính sách khác biệt về an ninh, giáo dục và phúc lợi xã hội đối với người trẻ nhập cư, đặc biệt là người Hồi giáo ở Bỉ cũng được cho là mang tính chắp vá.
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Laurette Onkelinx nói trên Reuters rằng, những yếu tố trên khiến giới trẻ nhập cư thất vọng, và khi “người ta cảm thấy mất hết hy vọng ở tương lai thì họ sẽ dễ dàng trở thành con mồi ngon cho những giáo sĩ tuyên truyền tâm lý hận thù”.
Bình luận (0)