Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đi nước cờ xuất sắc cả về chính trị lẫn quân sự với việc triển khai lực lượng thần tốc tại Syria.
Máy bay cường kích Su-25 của Nga sẽ đóng vai trò yểm trợ cận chiến cho lực lượng bộ binh Syria - Ảnh: Reuters |
Mặc dù Điện Kremlin né tránh xác nhận chính thức, nhưng sự hiện diện của lực lượng Nga tại Syria dường như đã trở nên không thể chối cãi trong những tuần gần đây. Vấn đề còn lại với các nước liên quan đến tình hình Syria hiện nay là giải mã ý đồ thật sự của Tổng thống Vladimir Putin đằng sau cú ra đòn này.
Sứ mệnh viễn chinh
Những dấu hiệu về quá trình triển khai lực lượng Nga ở Syria xuất hiện kể từ cuối tháng 8 và giới quan sát nhanh chóng nhận thấy những chuyển động quân sự cấp tập tại sân bay quốc tế Basil al-Assad ở thành phố Latakia thuộc khu vực kiểm soát của chính phủ Syria. Theo các hình ảnh vệ tinh và xác nhận của giới tình báo phương Tây, Moscow hiện triển khai 28 chiến đấu cơ các loại tại sân bay ở Latakia, nơi đã được biến thành căn cứ quân sự của Nga. Cụ thể, chuyên san The Aviationist nhận diện sự có mặt của 12 máy bay cường kích Su-25, 12 máy bay tiêm kích ném bom Su-24M2 và 4 máy bay tiêm kích đa nhiệm Su-30SM.
Theo tiết lộ của các quan chức Mỹ, đội hình chiến đấu cơ Nga đã tắt tín hiệu ra đa và bám sát máy bay vận tải An-124 để tránh bị phát hiện trong quá trình bay đến Syria qua không phận Iraq và Iran vào tuần trước. Ngoài ra còn có hàng chục trực thăng, bao gồm trực thăng tấn công Mi-24, và các máy bay vận tải, hệ thống phòng không và một số máy bay không người lái. Một số lượng nhỏ lực lượng bộ binh cũng được nhìn thấy tại sân bay ở Latakia nhưng chưa rõ đơn vị này có đảm trách vai trò nào khác ngoài việc bảo vệ căn cứ hay không. Các quân nhân Nga cũng bị phát hiện trà trộn vào lực lượng của Syria, mặc dù nhiều khả năng họ chỉ đóng vai trò cố vấn hoặc điều phối viên.
Theo AFP, nếu sự hiện diện của lực lượng nói trên chính thức được xác nhận, thì đây là lần đầu tiên quân đội Nga tham gia sứ mệnh viễn chinh kể từ khi Liên Xô can thiệp vào Afghanistan năm 1979. Quân đội Nga chưa từng triển khai chiến đấu bên ngoài lãnh thổ Liên Xô cũ kể từ khi liên bang này tan rã năm 1991 (Nga từng có cuộc chiến ngắn ngủi với Georgia năm 2008 và hiện bị cáo buộc đưa quân sang miền đông Ukraine).
Máy bay quân sự Nga được triển khai tại sân bay Basil al-Assad ở Latakia - Ảnh: Stratfor
|
Thay đổi cục diện
Mặc dù ý đồ thực sự của Moscow vẫn còn là một dấu hỏi lớn, nhưng có một điều chắc chắn là sự hiện diện của Nga nhằm mục đích yểm trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad về mặt chính trị và quân sự, trong bối cảnh quân đội Syria liên tiếp để mất lãnh thổ vào tay lực lượng nổi dậy và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trong vài tháng qua. Hành động của Nga chứng tỏ họ kiên định lập trường bảo vệ chính phủ của ông Assad, và qua đó bảo vệ lằn ranh đỏ về uy tín của cá nhân Tổng thống Putin.
Với động thái “không nói nhiều” trên, Nga nhấn mạnh họ có vai trò chiến lược tại khu vực và sẵn sàng sử dụng vũ lực quân sự để bảo vệ vai trò của mình. Bằng cách triển khai chiến đấu cơ và hệ thống phòng không đến Syria, Tổng thống Putin đã răn đe mọi hành động chống lại ông Assad của Mỹ và đồng minh, buộc phương Tây phải xem xét lại chính sách loại bỏ ông Assad trong bất kỳ giải pháp chính trị nào.
Bước đi “tiên phát chế nhân” của Nga cùng với sự gia tăng làn sóng người tị nạn Syria ở châu Âu đã khiến một số đồng minh của Mỹ thay đổi cách tiếp cận về vấn đề này. Cụ thể, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và mới đây nhất là Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đều cho biết họ đang cân nhắc thay đổi lập trường về một Syria không có Assad. Trong ngôn ngữ của một số lãnh đạo phương Tây, ông Assad từ chỗ “buộc phải ra đi” đã trở thành “không có vai trò dài hạn” ở Syria, nghĩa là có thể có vai trò “ngắn và trung hạn”.
Về mặt quân sự, các chiến đấu cơ của Nga nhiều khả năng không phải chỉ có mặt tại Latakia để mang lại lợi nhuận cho các nhà cung cấp ảnh vệ tinh. Tờ The Los Angeles Times hôm 26.9 dẫn báo cáo mật vừa được trình lên Tổng thống Barack Obama cho biết giới tình báo Mỹ dự đoán Điện Kremlin sẽ sớm ra lệnh tiến hành các cuộc không kích để yểm trợ quân đội Syria và ngăn chặn đà tiến của IS cùng các nhóm nổi dậy khác. Theo giới chức Mỹ, Nga đã tiến hành các sứ mệnh trinh sát bằng máy bay không người lái ở đông bắc Syria để nhận diện các mục tiêu tiềm tàng. Các phi vụ được thực hiện hằng ngày ở các tỉnh Latakia và Hama do chính phủ Syria kiểm soát và tỉnh Idlib vốn nằm trong tay các nhóm nổi dậy.
Điều mà các chiến lược gia của Lầu Năm Góc vẫn chưa thể xác quyết là liệu Nga chỉ định bảo vệ lãnh thổ do ông Assad kiểm soát, hay sẽ giúp ông này tái chiếm các thành phố và thị trấn lọt vào tay quân nổi dậy, hoặc tiến tới đánh bại IS cùng các nhóm cực đoan khác đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ.
Mũi tên nhiều đích
Bất chấp tuyên bố của giới chức Nga rằng họ đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác, động thái của Moscow được đánh giá còn có những ẩn ý về mặt kinh tế. Theo tờ The Wall Street Journal, một trong những động cơ của Nga là vực dậy nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng.
Kinh tế Nga hiện lao đao bởi giá dầu lao dốc và các lệnh trừng phạt liên quan đến vai trò trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. “Với Nga, giá dầu lao dốc là mối đe dọa trực tiếp với an ninh quốc gia. Điều duy nhất có thể đẩy giá dầu lên cao là diễn biến của các cuộc xung đột ở Trung Đông. Chính vì thế việc khu vực tiếp tục bất ổn sẽ phục vụ lợi ích cơ bản của Nga”, tờ The Wall Street Journal dẫn lời Giáo sư Pavel Baev thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình ở Oslo (Na Uy) nhận xét.
Mặt khác, việc triển khai quân ở Syria cũng mang lại cho Moscow con bài mặc cả trong nỗ lực xóa bỏ các lệnh trừng phạt về kinh tế, trong bối cảnh châu Âu vật vã trong cuộc khủng hoảng quá tải người tị nạn, vốn phần lớn đến từ Syria. Trước mắt, dù muốn dù không, Mỹ cũng buộc phải mở lại các cuộc đối thoại quân sự với Nga.
Quân nổi dậy do Mỹ huấn luyện tuồn vũ khí cho al-Qaeda
Lầu Năm Góc ngày 25.9 thừa nhận quân nổi dậy ở Syria do Mỹ huấn luyện để chống IS đã giao nộp vũ khí cho chi nhánh của al-Qaeda tại Syria. Theo Reuters, phe nổi dậy tuồn ít nhất 1/4 số vũ khí do Mỹ cung cấp (gồm 6 xe bán tải và một số vũ khí khác) cho nhóm al-Nusra trong ngày 21 - 22.9 để có thể đi lại an toàn trong khu vực. Hiện Lầu Năm Góc đang điều tra vụ việc.
Quốc hội Mỹ hồi cuối năm 2014 đã thông qua chương trình trị giá 500 triệu USD để huấn luyện và trang bị vũ khí cho hơn 5.000 tay súng nổi dậy nhằm chống IS tại Syria. Giới chức Mỹ chính thức thừa nhận chương trình này của Lầu Năm Góc đã thất bại. Một tướng Mỹ thậm chí đã phát biểu trước quốc hội hồi tuần trước rằng chỉ vài tay súng nổi dậy tại Syria vẫn còn đương đầu với IS. Nhiều quan chức Mỹ tiết lộ với Reuters chương trình trên đang được xem xét lại, có thể dẫn đến việc ngưng hẳn hoặc thay đổi cho phù hợp với tình hình.
Danh Toại
|
Bình luận (0)