Sở dĩ có văn bản nêu trên do chất lượng nước trên lòng hồ Dầu Tiếng đang bị đe dọa bởi nạn khai thác cát.
"Rút ruột" lòng hồ
Ngày 17.4, PV Thanh Niên có mặt tại hồ Dầu Tiếng, chứng kiến cảnh bát nháo của các tàu thuyền khai thác cát tại đây. Hàng trăm chiếc tàu có trọng tải từ 60 - 100 tấn ra sức bơm hút cát từ đáy hồ lên tàu. Những chiếc tàu chở đầy ắp cát, cuốn nước cuồn cuộn để đưa cát vào bờ. Tất cả diễn ra vô cùng tấp nập, hối hả khiến cho nước hồ thay vì có màu xanh biếc trở nên đục ngầu.
Địa phận xã Minh Hòa, H.Dầu Tiếng (Bình Dương) có lẽ là điểm tập trung đông nhất với hàng chục chiếc tàu khai thác ở đây. Anh T.H.Đ cho biết: “Vào mỗi buổi sáng, trên lòng hồ có khoảng 20 điểm bơm hút cát, mỗi điểm có từ 40 - 50 tàu tham gia”.
|
Mùa khô nước cũng đục bất thường
Ông Trần Quang Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, cho biết hiện trên lòng hồ Dầu Tiếng có 19 đơn vị được cấp phép khai thác cát: Tây Ninh cấp 15 (trong đó có hai đơn vị chưa hoạt động khai thác - PV), còn Bình Dương và Bình Phước mỗi tỉnh có 2. Trung bình cứ mỗi đơn vị được đưa vào 5 - 6 tàu khai thác cát, thì số lượng hoạt động trên lòng hồ khoảng 100 tàu. "Tuy nhiên, qua kiểm tra của Công ty khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, có tới 240 tàu đang hoạt động tại đây. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị chấn chỉnh vấn đề này", ông Hùng cho hay.
Ông Hùng cũng tỏ ra lo lắng vì đang mùa khô, không có mưa nhưng nước trong lòng hồ vẫn đục ngầu. Kết quả kiểm nghiệm nước cho thấy nước ở tầng giữa trong lòng hồ bị vẩn đục bởi các chất rắn với chỉ tiêu tổng chất rắn lơ lửng vượt 1,26 lần cho phép. Ông Hùng khẳng định: “Nếu chỉ tiêu chất rắn lơ lửng vượt ngưỡng từ 1,5 - 2 lần thì sẽ yêu cầu các tỉnh ngưng mọi hoạt động khai thác cát tại đây”, ông Hùng nói.
Trao đổi với Thanh Niên ngày 18.4, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết Bình Dương đã thực hiện rút giấy phép khai thác của nhiều đơn vị. “Hiện nay giữa Bình Dương và Tây Ninh đang tiếp tục làm việc để rút giấy phép khai thác những đơn vị có giấy phép khai thác nhưng không có bến thủy nội địa”, ông Liêm nói.
Phía Tây Ninh, bà Nguyễn Thị Hiếu, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh, cho biết hiện Tây Ninh đang có 13 doanh nghiệp (DN) được phép hoạt động khai thác cát trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng. Theo bà Hiếu, tháng 4.2017, UBND tỉnh Tây Ninh ra quyết định tạm ngưng toàn bộ hoạt động khai thác cát tại khu vực này để tiến hành thanh tra, chấn chỉnh lại toàn bộ hoạt động. Bà Hiếu cũng khẳng định thời gian vừa qua, Sở TN-MT đã tăng cường công tác kiểm tra sau khi cấp phép hoạt động trở lại cho các DN đủ điều kiện. Tính đến nay, các DN này vẫn hoạt động đúng quy định, chưa phát hiện vi phạm trong khai thác cát.
Cũng theo bà Hiếu, trong hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng, Sở TN-MT cũng nhận định đang xuất hiện những ghe hút cát lậu. Trong đó, mỗi tháng từ 2 - 3 ghe cát lậu bị các lực lượng Thanh tra Sở TN-MT, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Tây Ninh, công an huyện Dương Minh Châu và Tân Châu phối hợp bắt giữ.
Bình luận (0)