Khóc. Đó là biểu hiện mang tính bản năng của cơ thể khi có những phản xạ về tâm sinh lý. Đau khóc, buồn khóc, sợ hãi khóc và nhiều khi vui quá cũng khóc… Những giọt nước mắt của hai cô bé đánh người tàn bạo trong clip đánh và bắt liếm chân rộ lên vừa qua, tại đồn công an cũng khó xác định thuộc thể loại tâm lý gì.
Một số comment trên mạng xã hội cho rằng, đó là giọt nước mắt hối hận, dù muộn màng và họ có đôi chút cảm thông cho sự bồng bột của tuổi trẻ. Với riêng tôi, đó là giọt nước mắt của nỗi sợ hãi. Bởi khi Y và H đang ở thế mạnh, chúng nắm tóc đấm đạp không thương tiếc và nạn nhân cũng khóc trong khủng hoảng và sợ hãi. Nhưng trước những thứ mạnh hơn, uy quyền hơn, đơn cử là trước các cán bộ điều tra, chúng sợ hãi và khóc.
Và đây là những hình ảnh đánh bạn dã man của cô bé đó - Ảnh cắt từ clip
|
Người xưa nói “chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ”, không hề sai. Khi nóng giận, khả năng mất đi lý trí rất cao và hành vi sẽ không kiểm soát được. Tuy nhiên, đó thường là sự nóng giận mang tính bùng nổ, bạo phát bạo tàn, rất nhanh. Còn ở đây, hai cô bé này đã hành xử như thế không phải một lần và lần nào cũng kéo dài như một thú vui. Tất cả bắt nguồn từ suy nghĩ lệch lạc.
Nhiều người cho rằng, mọi sự việc đều có nguyên do, từ việc giáo dục trong gia đình tới nhà trường và môi trường xã hội. Đúng, nhưng chưa bao hàm hết mọi sự việc.
Trong xã hội có nhiều tầng lớp, giàu nghèo, trí thức, lao động phổ thông… Chỉ lấy ví dụ đơn giản không mang tính áp đặt: Trong một gia đình lao động phổ thông, cả cha mẹ đều đầu tắt mặt tối bươn trải lo cơm từng bữa, không những thế họ còn lo đủ tiền cho con học hành để sau khỏi vất vả như họ. Nhưng đi lúc con chưa dậy, về lúc con đã ngủ, thời gian dạy dỗ chỉ bảo chỉ là một vài lời nói gấp gáp. Vậy những cha mẹ đó có lỗi hay không? Trong khi đó, tại nhà trường đều có những nội quy, quy tắc, các trò vi phạm sẽ báo phụ huynh tới để phối hợp giáo dục. Nhưng tới khi vi phạm nặng, sẽ buộc thôi học. Vậy là trường lại “sạch đẹp” toàn con ngoan trò giỏi sau khi cắt “khối ung nhọt” hết thuốc chữa.
|
Quay lại “giọt nước mắt” của hai cô gái “làm nhục” người khác. Có một số người khi coi clip cực kỳ phẫn nộ nhưng khi đối diện với những giọt nước mắt thì lại mềm lòng và dễ dàng thứ tha. Không những thế, họ còn muốn pháp luật “giơ cao đánh khẽ” cho trẻ nhỏ có cơ hội làm lại. Điều đó cũng không có gì là to tát, nhưng nếu chỉ là “đánh khẽ” chúng sẽ ra sao, sẽ hướng thiện? Có gì đảm bảo chúng sẽ không hành động tàn bạo như vậy nữa?
Nhiều người cho rằng, nếu đẩy chúng vào “trại” này, “khám” kia chỉ làm chúng lỡ bước tương lai hay sẽ còn học được những cái xấu hơn. Đó là chuyện của pháp luật. Pháp luật cũng sẽ có đủ lý, đủ tình nhưng không phải sự dễ dãi. Nếu dùng cách so sánh trực quan nhất, pháp luật như “điện” ai chạm vào đều sẽ bị giật, vì vậy chẳng ai đi đùa với điện.
Tôi không phải là người đẩy người khác khi họ đã ngã, nhưng cũng là một bậc cha mẹ và cực kỳ phẫn nộ khi nhìn thấy cảnh đánh người trong clip. Để không tiếp diễn những hình ảnh đau lòng như vậy, cần lắm những bản án nghiêm khắc từ pháp luật và cả xã hội.
Vậy giọt nước mắt hôm nay của hai cô bé Y và H là cho nạn nhân, cho bản thân hay là chỉ là giọt nước mắt nhất thời do sợ hãi?
Bình luận (0)