Thiệt hại tài sản, hoa màu; không quần áo khô để mặc, không cơm nước... là tình hình chung mà người dân khu vực này đang phải gánh chịu.
|
|
|
Thiệt hại lớn
“Máy đang chạy bình thường thì nước ở đâu đổ về bất ngờ, hàng hóa bắt đầu nổi lềnh bềnh trên nước. 15 con người mà có cứu được gì đâu”, anh Hoàng Xuân Trịnh, nhân viên Công ty CP bao bì Nhãn Vàng (số 27, đường Tam Bình, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) kể.
|
Anh Trịnh nhớ lại: Lúc đó khoảng 7-8 người chạy ra đường ngăn không cho nước chảy vào, các công nhân còn lại thì thay nhau khiêng đồ lên cao và luôn miệng nói với nhau ráng hết sức cứu hàng hóa.
Tuy nhiên kết quả chẳng cứu được nhiều. Toàn bộ nguyên vật liệu bị nước thấm vào đều phải bỏ hết, ước tính thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng. Đặc biệt toàn bộ sổ sách thu chi của công ty đều ướt hết, giờ không biết đâu mà lần.
“Giờ xung quanh nhà tôi toàn là cá, nước ngập hơn 500 con cá tra và nhiều loại cá khác”, ông Nguyễn Văn Si ngụ đường 43, phường Hiệp Bình Chánh cho biết.
Ngoài ra, nhà ông Si còn cả một vườn mai dự tính tết này thu hoạch giờ coi như mất trắng.
Tương tự, chủ nhân lò bánh mì Phát Hoa giờ chỉ biết nằm co ro trên võng nhìn những ổ bánh mì bột hư vì không thể nướng do các thiết bị đều chìm trong bể nước.
“Cả nhà có 2 vợ chồng với 2 đứa cháu sống chủ yếu dựa vào lò bánh mì này, mỗi ngày lời vài trăm nghìn nay nước tràn vô bất ngờ không làm gì được mất cả vốn lẫn lời. Giờ thì chỉ biết ngồi ngóng khi nào nước rút thì mới làm lại được không thì điện giật chết”, chủ lò bánh mì Phát Hoa chia sẻ.
|
|
|
Chích điện, thả lưới cá
Tại khu vực phường Hiệp Bình Phước, người dân bỏ hết công việc thường nhật để đối phó với cảnh ngập.
Bà Đinh Thị Tốt (65 tuổi) mệt mỏi nói: “Tôi lội đi mua đồ ăn, chứ giờ nhà cửa ngập hết không nấu nướng gì được. Sáng giờ chẳng làm gì, chỉ trông mấy đứa nhỏ cứ chỗ nào cao nhất mà ngồi được là đặt chúng lên, chứ nước lên tới vạt áo. Nước ngập cao đồ đạc trong nhà ướt hết còn mỗi bộ đồ đang mặc là khô nhưng lội sáng giờ cũng ướt mem, giờ lạnh mà cũng chẳng còn đồ đâu mà thay”.
|
|
|
Không riêng gì gia đình bà Tốt, đây là tình hình chung của người dân thuộc khu vực này. Vì không thể đi chợ nấu ăn nên nhiều gia đình ăn tạm bánh mì, khoai mì hay những thức ăn nhanh bán sẵn cho qua bữa.
Chị Ưng Thị Hồng Nguyên, chủ tiệm bánh đi động (bán bánh ngọt và các loại khoai chế biến sẵn) cho hay: "Nước ngập lại bán đắt hơn ngày thường”.
“Giờ biết làm gì, chỉ mong nhà mình khô và nước mau rút thôi chứ vỡ đê cộng thủy triều coi như bó tay", một người dân nói.
Gà vịt, súc vật bình thường nuôi bên ngoài hôm nay được "đặc cách" đưa vào phòng để tránh nước ngập.
Thay vì đi làm, nhiều người ở nhà canh nước lên xuống và kiếm thêm thu nhập bằng cách chích điện hoặc thả lưới cá.
Lương Ngọc - Hữu Thành
>> Triều cường 'tấn công', học sinh lội nước đến trường
>> Xe máy bị triều cường 'quật ngã' giữa đường
>> Video: TP.HCM khổ vì triều cường
>> Triều cường lên cao nhất vào sáng mai
>> Triều cường tại TP.HCM có thể lên cao bằng mức lịch sử
Bình luận (0)