Pháp có dân số gần 68 triệu người, có nền kinh tế đứng thứ 7 thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh và Ấn Độ. Pháp có tên gọi "đất nước hình lục lăng" do diện tích bề mặt có 6 cạnh.
Tuy nhiên ít ai ngờ gần 1/3 diện tích của quốc gia này hầu như không có người ở. Số đất đai đó gần như nằm trong vùng đất trung tâm có chiều dài cả ngàn km, với bề rộng xấp xỉ 400 km. Gần 1/3 diện tích nước Pháp có mật độ dân số vô cùng thưa thớt. Thống kê cho thấy mật độ dân số tại vùng đất này là 30 người/km2, so với mật độ trung bình trên toàn nước Pháp là 120 người/km2. Trong khi đó Paris có mật độ cao nhất: 20.386 người/km2. So sánh với nước Đức láng giềng thì mật độ dân số trung bình lên đến 232 người/km2.
Không có đụn cát ở "Le Diagonal du Vide" tức "đường chéo trống rỗng" của Pháp nhưng phần diện tích này vắng bóng người đến nỗi vẫn bị so sánh như một sa mạc thực sự. Đường chéo cắt ngang qua nước Pháp, từ tỉnh Meuse, trên biên giới Bỉ ở phía đông bắc, đến tỉnh Landes ở phía tây nam, gần biên giới Tây Ban Nha.
Paris - trái tim nước Pháp hút hết nhân lực
Vùng nông thôn của Pháp bắt đầu thưa thớt vào khoảng giữa thế kỷ 19 do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và tỷ lệ sinh thấp. Những hiện tượng đó xảy ra ở Pháp sớm hơn hầu hết các nước châu Âu khác. Vì sao? Tất cả gói gọn trong một từ: Paris!
Trong nhiều thế kỷ, thành phố bên sông Seine này đã thu hút nhân tài, vốn liếng và con người không giống bất kỳ thủ đô châu Âu nào khác, gây bất lợi cho phần còn lại của nước Pháp.
Đó cũng là ý chính của cuốn Paris et Le Désert Français (tạm dịch Paris và sa mạc của nước Pháp) xuất bản năm 1947 - tác phẩm tiêu biểu của nhà địa lý học Jean-François Gravier. Ông đi tìm câu trả lời sự hấp dẫn của thành phố Paris. Để giữ cả bạn bè và kẻ thù gần nhau, vua Louis XIV luôn ý thức thu hút giới tinh hoa đầy tham vọng từ khắp đất nước đến dinh thự xa hoa của mình tại Versailles, phía tây Paris.
Họ đến Paris như ong hút mật. Và họ vẫn tiếp tục đến, ngay cả sau khi Cách mạng Pháp 1789 thành công, đưa quốc gia này thoát khỏi chế độ quân chủ. Là những người ủng hộ cấp tiến của Thời kỳ Khai sáng, các nhà cách mạng thời kỳ đầu đã thích sự hối hả và nhộn nhịp của Paris đầy hiện đại. Từ thời Napoléon trở đi, Paris trở thành nơi thể hiện sức mạnh và uy tín của nước Pháp.
Chế độ tập trung chính trị dẫn đến tập trung kinh tế đưa Paris trở thành một trong những điểm đến cho người di cư lớn nhất thế giới, mặc dù ban đầu chủ yếu là từ chính nước Pháp. Năm 1920, chỉ 39% cư dân của Paris là người gốc thành phố. Một nửa là người nhập cư từ các vùng nông thôn của Pháp, 10% khác đến từ bên ngoài biên giới nước Pháp.
Gravier không phải là một người hâm mộ Paris. Ông nói, "Kể từ năm 1850, sự tích tụ cư dân ở Paris không tiếp thêm sinh lực cho nó, mà biến nó trở thành "kẻ độc quyền", tiêu thụ tinh hoa của quốc gia". Do tỷ lệ sinh ở thủ đô thấp hơn nhiều so với cả nước, Paris là "một con quái vật đô thị, lấy đi của Pháp mỗi năm gấp ba lần vốn nhân lực do chứng nghiện rượu".
Thuật ngữ "đường chéo trống rỗng" đã trở nên phổ biến vào những năm 1990, như một sự kế thừa chính xác hơn cho cụm từ "sa mạc Pháp" của Gravier. Mặc dù thực tế "đường chéo trống rỗng" vẫn còn chứa một số trung tâm có tiềm năng phát triển, đáng chú ý là các thành phố như Toulouse hoặc Clermont-Ferrand, tuy nhiên xu hướng chung vẫn là giảm dân số. Một số khu vực có nhiều người chết hơn số sinh, trong khi những khu vực khác có nhiều người rời đi hơn là đến. Và cũng có những vùng có cả hai nguyên nhân trên.
Trước đây toàn bộ khu vực ở đông bắc nước Pháp luôn nhộn nhịp với sự phát triển công nghiệp nhưng giờ đang trống rỗng. Việc đóng cửa các nhà máy trong nửa thế kỷ qua đã làm suy giảm ngành công nghiệp, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói, đồng thời thúc đẩy di cư ra nước ngoài. Và không chỉ ngành công nghiệp phía bắc đang suy yếu, trong 40 năm qua, số người Pháp làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đã giảm từ 1,6 triệu xuống còn 400.000 người.
Hiệu ứng đang được cảm nhận ở các thị trấn và làng mạc trên khắp "đường chéo trống rỗng" là sự suy giảm dân số theo cấp số nhân. Khi dân số già đi và thu hẹp lại, các cộng đồng mất đi các dịch vụ như trường học, quán cà phê, tiệm bánh và cửa hàng - điều này lại đẩy nhanh tốc độ suy giảm.
"Đường chéo trống rỗng" không phải là vùng nông thôn duy nhất của Pháp bị suy giảm dân số. Các khu vực trống khác bên ngoài "đường chéo" còn là địa điểm gần dãy núi Alps ở phía đông nam và dãy Pyrenees ở phía nam.
Bình luận (0)