Trưa 5.8, sau khi ăn vội bát cơm, vợ chồng ông Nguyễn Văn Ca (50 tuổi, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, H.Chương Mỹ, Hà Nội) liền bắt tay vào dọn dẹp tầng 1 và gian bếp vì nước lũ đang rút dần.
Công việc dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa của vợ chồng ông Ca bắt đầu từ vài ngày trước. Nước lũ rút đến đâu, dọn đến đó.
Sau nhiều năm sống chung với lũ, vợ chồng ông rút ra kinh nghiệm nếu không dọn dẹp ngay thì các vết ố bẩn, bùn đất sẽ bám đặc vào đồ đạc, nhà cửa. Để khô, lâu ngày rồi mới dọn vệ sinh sẽ rất vất vả.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Ca tranh thủ dọn dẹp nhà cửa khi nước lũ bắt đầu rút
KHẮC HIẾU
Trước đó, ngày 25.7, nước lũ dâng cao tràn qua đê sông Bùi gây ngập diện rộng. Theo thống kê của H.Chương Mỹ, tính đến ngày 31.7, có 1.480 hộ dân ở 10 xã (Tốt Động, Đông Sơn, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Mỹ Lương, Trần Phú) trong vùng rốn lũ bị ngập từ 0,5 - 2 m, 7.410 nhân khẩu bị ngập cần cứu trợ và đã có 4.329 người phải đi sơ tán.
Tại thôn Nhân Lý, có 300/320 hộ dân bị nước ngập đến nhà nên nhiều người già, trẻ nhỏ phải sơ tán đến các thôn khác.
Theo ghi nhận của Thanh Niên chiều 5.8, dù nước lũ bên trong thôn Nhân Lý đã rút xuống nhưng vẫn còn nhiều đoạn đường ngập úng.
Để di chuyển qua các đoạn ngập sâu, nhiều hộ dân vẫn sử dụng thuyền là phương tiện chính. Trời nắng khiến không khí ở những nơi nước lũ úng đọng có mùi tanh hôi, ngột ngạt.
Sau hơn 10 ngày đi sơ tán, bà Nguyễn Thị Phượng (55 tuổi, thôn Nhân Lý) trở về dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa
KHẮC HIẾU
Ông Phùng Xuân Lực, Trưởng thôn Nhân Lý, cho biết dù nước lũ đã rút nhưng nhiều khu vực trong thôn vẫn bị cô lập. Nhiều đoạn đường nước vẫn ngập sâu hơn 1 m, chỉ có thể đi lại bằng thuyền.
"Những ngày này, nước rút đến đâu là người dân, các đoàn thể tổ chức dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm đến đó", ông Lực nói.
Bình luận (0)