Nước sông Mê Kông đầy, vơi đột ngột

Chí Nhân
Chí Nhân
05/05/2022 06:32 GMT+7

Mực nước sông Mê Kông đang cao kỷ lục vào những ngày cuối tháng 4 thì đột ngột giảm trong những ngày đầu tháng 5 do sự đóng, mở bất thường của các đập thủy điện chủ yếu từ Trung Quốc .

Nhiều người dân ở vùng châu thổ sông Cửu Long, hạ nguồn sông Mê Kông cũng dễ dàng nhận thấy sự bất thường của con nước. Giải pháp để ứng phó mà nhiều người lựa chọn là thận trọng trong việc ra quyết định và chia nhỏ rủi ro.

Mực nước trên sông Tiền cao hơn trung bình nhiều năm

Đình Tuyển

Bất an vì những tín hiệu giả của con nước

Ông Nguyễn Hữu Nguyên ở Châu Đốc (An Giang), sống nhiều năm với nghề nuôi cá tra, vẫn thường xuyên theo dõi diễn biến của con nước, cho biết trong suốt mùa khô năm nay, mực nước sông luôn cao hơn mọi năm vài ba tấc. Vài ba tấc nước vào mùa khô là một con số lớn nên người làm nông cảm thấy lo lắng vì không theo quy luật thông thường. Càng lo hơn vì biết do Trung Quốc xả nước để phát điện. “Tôi còn nghe mấy người quen nuôi cá lồng bè trên sông Hậu nói thỉnh thoảng lại thấy hiện tượng bất thường giống như “nước quay”. Nhưng nước quay là dấu hiệu mùa nước nổi về vào tháng 7, làm sao có thể xuất hiện trong mùa khô. Đó chỉ là những tín hiệu giả thôi hoặc điều gì đó tương tự mang tính cục bộ. Rõ ràng là mực nước hiện nay bất thường và rất đáng lo”, ông Nguyên nói.

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long và cũng là một trong những địa phương có diện tích và sản lượng lúa dẫn đầu. Ông Nguyễn Thành An, nông dân trồng lúa ở H.Thoại Sơn, chia sẻ ngay sau tết đã thu hoạch vụ lúa đông xuân, vừa trúng mùa trúng giá nhưng ông không dám xuống giống vụ mới dù năm nay nước sông dồi dào. “Phải ráng đợi rớt hột mưa xuống. Mưa tương đối ổn định rồi mới dám xuống giống. Có nước sông cũng phải chờ nước trời nữa thì lúa mới tốt. Tôi nghe thông tin nước sông hiện nay cao, thấp do đập thủy điện Trung Quốc đóng, mở nên rủi ro khá cao. Diện tích đất sản xuất khá lớn nên tôi phải chia ra làm nhiều đợt xuống giống khác nhau để giảm thiểu rủi ro. Hiện tại có đợt xuống giống mới được 10 ngày, có đợt 15 - 20 ngày”, ông An cho biết.

Nhiều nông dân ở vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu cũng chung nỗi bất an vì sự bất thường của dòng nước. Anh Lê Minh Điền ở H.Thanh Bình (Đồng Tháp) cho biết sự biến đổi dòng nước đã xảy ra cả chục năm nay chứ không phải đến tận bây giờ. Điều dễ nhận thấy nhất chính là khi nhìn dòng sông không còn cái cảm giác “chở nặng phù sa” của ngày xưa. Dân đồng bằng chủ yếu sống bằng nghề nông mà đặc trưng của nghề này là dựa vào thiên nhiên. Nay một phần của thiên nhiên là mực nước sông Mê Kông lại biến đổi bất thường là một mất mát lớn.

Thủy điện đóng, mở thất thường

Theo số liệu quan trắc của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc trong 10 ngày cuối tháng 4 cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm từ 0,35 - 0,45 m. Dự báo trong 10 ngày đầu tháng 5, mực nước tại 2 trạm này cao hơn trung bình nhiều năm 0,4 - 0,6 m.

Mực nước sông ở các trạm đầu nguồn sông Tiền sông Hậu diễn tiến tăng trong những ngày tới vì trong liên tục 2 tuần cuối tháng 4 các đập thủy điện thượng nguồn đã xả một lượng nước rất lớn vào dòng Mê Kông. Bản tin của Dự án MDM chuyên theo dõi hoạt động của các đập thủy điện trên sông Mê Kông cho biết trong tuần cuối tháng 4 có 19/45 đập được theo dõi đã xả tổng cộng 2,45 tỉ m³ nước. Tại Chiang Saen (Thái Lan) ước tính lượng nước vượt trung bình nhiều năm đến 61%. Tuần trước đó, các đập thủy điện này cũng đã xả 2,4 tỉ m³ nước. Đây là các con số kỷ lục tại thời điểm được ghi nhận. Tính chung 2 tuần, chỉ riêng hai đập lớn của Trung Quốc là Nọa Trát Độ và Tiểu Loan đã xả ra tổng lượng nước ước tính khoảng 3,7 tỉ m³ vào dòng Mê Kông.

MDM đánh giá, việc xả lượng nước lớn và kéo dài liên tục trong 2 tuần nên mực nước cao bất thường không chỉ ghi nhận tại các trạm đo nước ở Thái Lan, Lào mà cả Campuchia. Tại trạm quan trắc Stung Treng (Campuchia) ghi nhận mức cao hơn trung bình trong lịch sử khoảng 1 m. Trong khi đó, Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) cho biết dọc theo hạ lưu sông Mê Kông, ghi nhận mực nước cao kỷ lục trên hàng loạt trạm đo của Lào như: Luang Prabang, Vientiane, Nakhon Phanom, Thakhek; và Kratie (Campuchia). Trong khi đó, nhiều trạm quan trọng khác ghi nhận mực nước cao bất thường và cao hơn giá trị trung bình của chúng.

“Lượng nước này tương đương gần 10% tổng lượng nước được lưu trữ trong 45 đập lớn nhất đang được theo dõi. Chúng tôi ước tính 43% dung tích hữu ích vẫn còn trong các đập của Trung Quốc và 31% dung tích hữu ích vẫn còn ở các đập tại những vùng hạ lưu sông Mê Kông. Các đập sẽ tiếp tục xả nước trong khoảng 6 tuần nữa. Điều này sẽ làm cho mực nước ở hạ lưu cao hơn, làm tổn hại đến các cộng đồng nông, ngư nghiệp vốn sống dựa vào mực nước sông thấp hơn ở thời điểm này trong năm”, MDM nhận định.

Vừa cao kỷ lục đã giảm đột ngột

Sau 2 tuần xả nước ồ ạt, hiện các đập ở Trung Quốc đang giảm lượng xả. MDM phát đi bản tin cảnh báo màu vàng ngày 2.5 về vấn đề này, đến ngày 3.5 bản tin cảnh báo chuyển sang màu đỏ nhằm thể hiện mức độ nguy hiểm cao hơn. Theo bản tin cảnh báo mới nhất, việc thủy điện Trung Quốc giảm lượng xả nước đột ngột sẽ khiến nước sông Mê Kông dọc theo biên giới Thái Lan và Lào giảm mạnh.

Mực nước có thể giảm đến 1,8 m trong khoảng từ ngày 1 - 4.5 tại Chiang Saen (Thái Lan); từ ngày 3 - 6.5 tại Luang Prabang (Lào) và từ ngày 5 - 8.5 tại Chiang Khan (Thái Lan). Theo MRC, nguyên nhân có thể là do hiện tại đập Cảnh Hồng (đập thấp nhất trong chuỗi 11 đập thủy điện bậc thang của Trung Quốc trên dòng chính sông Mê Kông) mực nước hồ chứa giảm 0,58 m và ở mức thấp hơn khoảng 0,31 m so với trung bình nhiều năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.