Ai cũng biết thoát nước đô thị trong mùa mưa đều nhờ vào hệ thống cống.
Thế nhưng qua các trận mưa lịch sử cách nay 1 tuần, các thành phố khu vực Đông Nam bộ bị ngập nặng mà một trong những nguyên nhân là do hệ thống cống thoát nước bị rác “chặn họng”, bênh cạnh yếu tố chính do quy hoạch hệ thống thoát nước chắp vá, yếu kém. Trước tình cảnh ấy, Chủ tịch TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai tuyên bố sẽ kỷ luật chủ tịch UBND phường, xã nào (thuộc Biên Hòa) để xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi, bít miệng cống…
Xả rác bừa bãi nếu tỉnh táo mà nhìn nhận, không phải vấn nạn của riêng TP.Biên Hòa, mà là cả nước. Đi đến đâu trên đất nước này bạn cũng dễ dàng thấy người ta vứt rác tứ tung. Đô thị càng rộng, càng đông người như TP.HCM thì rác thải càng nhiều. Đó là chưa kể những bãi rác tự phát do những kẻ vô ý thức tạo ra, ngay cả trên những chiếc cầu bắc qua sông cũng có thể biến thành bãi rác. Sở dĩ một số người lén lút vứt rác bừa bãi chỉ vì họ bất chấp vệ sinh môi trường, sống ích kỷ, hay đơn giản là… không muốn đóng tiền rác. Có thể nhiều người trong chúng ta không biết điều này: tiền rác hằng tháng ở VN thuộc vào hàng rẻ nhất thế giới! Cùng chung cảnh ngộ với TP.Biên Hòa, mỗi khi trời mưa gây ngập nặng, Sài Gòn cũng chìm trong biển rác. Nếu đơn thuần chỉ là nước mưa thôi, thì những người mắc kẹt trên các “dòng sông phố” hoặc “giặc nước” tràn vào nhà, quá lắm bị hư hỏng đồ đạc, xe chết máy, chứ người dân không lường được rằng họ có thể bị... ghẻ ngứa - một thực tế đã diễn ra. Tại sao? Vì nguồn nước mưa ấy đã bị nước cống hòa tan và cả rác thải trộn lẫn vào.
Tóm lại, nước ngập ở các đô thị xứ ta là một loại nước bị ô nhiễm nặng, tiếp xúc với nó đồng nghĩa đối mặt với bệnh tật. Rất dễ hiểu vì sao vị chủ tịch UBND TP.Biên Hòa đưa ra một quyết định có phần mạnh tay như vậy. Các vị chủ tịch UBND phường, xã nào không muốn bị kỷ luật ắt phải vận động nhân dân tích cực bỏ rác vào thùng. Trên thực tế, muốn đặt cái thùng rác gia đình trước cửa nhà cũng không “bình yên” chút nào. Vì sao ư? Vì có rất nhiều gia đình ở TP.HCM đặt thùng rác trước cửa nhà, thể hiện nếp sống văn minh, mấy ngày sau chỉ thấy rác nằm lại, còn cái thùng thì “bốc hơi”.
Ông bà ta có câu “đói ra ma, quét nhà ra rác” hoặc “cháy nhà lòi mặt chuột” nghĩ mà chí lý. Qua mấy trận “Thủy Tinh nổi giận”, Sài Gòn rác nổi bồng bềnh, lững lờ trôi theo dòng đời dạo khắp phố phường, nhìn thấy hãi hùng. Mới thấy thành phố giàu có nhất nước này cũng còn vô số cái nghèo, bất cập về cuộc sống đô thị. Nó khiến những cư dân đã từng du lịch nước ngoài bắt đầu “ngộ” ra điều gì đó và thầm ước thành phố mình đang sống cũng thoát nước nhanh như Singapore, bỏ rác văn minh đúng kiểu Nhật.
Bình luận (0)