Nước xa khó cứu lửa gần

01/12/2022 04:17 GMT+7

Liên tiếp các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ cho thấy, Chính phủ đang quyết liệt tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) tiếp tục hoạt động kinh doanh, giữ lao động và đóng góp cho nền kinh tế.

Thế nhưng điều cần nhất bây giờ là cụ thể hóa các giải pháp và đẩy nhanh tốc độ thực thi.

Có một vấn đề cần phải thừa nhận rằng, chuyện “cứu” BĐS dù không nói ra nhưng lâu nay trở thành một vấn đề “nhạy cảm”. Giá nhà đất quá cao, những cơn sốt ảo, tình trạng lũng đoạn thị trường; những vụ vi phạm trong mua bán, đấu thầu, sử dụng đất... khiến hình ảnh ngành này trở nên “xấu xí” trong mắt nhiều người. Thế nhưng không thể phủ nhận sự phát triển của thị trường BĐS mấy thập niên vừa qua đã đóng góp rất lớn cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, mang lại bộ mặt đô thị khang trang và cung ứng cho đất nước một khối lượng nhà ở lớn. Quan trọng hơn, BĐS là đầu vào và đầu ra của rất nhiều ngành sản xuất khác. Đó là xây dựng, là nguyên vật liệu sắt, thép, xi măng, đồ gỗ, là thiết kế, tư vấn, quy hoạch... Thế nên ngành này gặp khó kéo theo cả một dây chuyền các lĩnh vực ngành nghề liên quan khó theo. BĐS sa thải nhân viên thì các công ty xây dựng cũng treo cẩu, nhà máy sản xuất vật liệu hoạt động cầm chừng. Đó là lý do nhiều quốc gia phải tung hàng tỉ USD để vực dậy thị trường này.

Tất nhiên, “cứu” ở đây không phải là cứu tất cả mà có chọn lọc. Thay vì đổ tiền vào chủ đầu tư, hãy mở van tín dụng cho người mua nhà có nhu cầu thực sự. Thay vì dàn đều thì chỉ cấp vốn cho các dự án pháp lý hồ sơ đầy đủ, có tính lan tỏa cao, giải quyết cho nhiều lao động, chủ đầu tư uy tín. Những dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân cần được đẩy nhanh... Chính phủ khẳng định việc xử lý các vụ vi phạm liên quan đến trái phiếu DN, chứng khoán là để làm minh bạch và lành mạnh hóa thị trường. Vậy thì việc hỗ trợ các DN làm ăn chân chính, các dự án đúng pháp luật là một cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. “Cứu” cần được nhìn ở góc độ này và việc xây dựng niềm tin cũng cần được thực hiện trên cơ sở đó.

Thực ra đến thời điểm hiện tại, có lẽ chúng ta đều “đo” và “cảm” được độ khó cũng như trạng thái đứng bên bờ vực của hàng loạt DN BĐS, từ lớn đến nhỏ. Các giải pháp khơi thông dòng vốn từ thị trường trái phiếu DN, kênh chứng khoán, tín dụng... đều đã được đặt ra, phân tích thấu đáo. Thế nhưng với tình trạng sức khỏe của thị trường hiện nay, việc áp dụng giải pháp nào trước, sau, phải được cân nhắc kỹ và thực thi nhanh. Đơn cử trái phiếu DN, đây là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Thế nhưng ngay cả khi chúng ta lùi thời hạn áp dụng các quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp thì thị trường này cũng cần có thêm thời gian để khơi thông, điều này cũng tương tự với kênh chứng khoán. Nước xa khó cứu được lửa gần. Nên khơi thì vẫn khơi nhưng nhanh và hiệu quả nhất lúc này, chỉ có kênh tín dụng. Nới room và cho vay có chọn lọc là điều nên và cần làm để cấp cứu thanh khoản cho BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tết năm nay đến sớm hơn mọi năm, nhu cầu vốn để chuẩn bị hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường lúc này rất cấp bách. Giải pháp vì thế cũng cần được thực hiện sớm và đột phá để hồi sức DN, kích thích nhu cầu, từ đó phục hồi kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.