Cơn mưa chiều bất chợt ập xuống khu vực nhà thờ Đức Bà, Lê Thị Sáu (28 tuổi, quê xã Phú Hải, H.Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) nháo nhào dọn mớ xoài lắc, trứng cút lắc tìm chỗ trú. Đôi chân đen nhẻm nứt nẻ thoăn thoắt chạy qua chạy lại xách từng chiếc ghế, thu từng tấm bìa carton trên vỉa hè. Sài Gòn vẫn còn mùa mưa nên có ngày Sáu phải chạy mưa như thế 4 - 5 bận.
Đầu tóc ướt mèm, chiếc quần thô sờn màu và chiếc áo khoác màu xanh đen bạc thếch cũng ướt sũng. Tôi giục Sáu đi thay đồ nhưng cô xua tay: “Em khỏe gấp đôi, gấp ba người khác, không bệnh đâu, chị đừng lo”.
Hoàn thành ước nguyện của mẹ
Sáu kể gia đình cô ở Huế, mẹ cô trước đi giúp việc, làm phụ hồ. Do khó khăn nên nhà có 6 chị em, 5 cô con gái không ai được học hành (Sáu không biết đọc, chỉ viết được tên), duy nhất đứa con trai út là được đi học.
“Em nhớ mãi những lúc gia đình khó khăn nhất, mẹ thường ôm tụi em khóc và xin lỗi vì không thể cho tụi em ăn học đàng hoàng. Mẹ nói giờ chỉ còn thằng út, mẹ chỉ mong nó được học hết cấp 3 là mẹ mãn nguyện rồi”, Sáu tâm sự.
Hơn 18 năm sống ở Sài Gòn, Lê Thị Sáu luôn nỗ lực hết mình để có tiền gửi về quê phụ ba mẹ và nuôi em |
Năm 2004, mẹ Sáu bị gãy chân không làm việc nặng được. Gánh nặng cơm áo dồn vào người cha làm nghề đánh cá. Đứa em trai vì thế cũng phải đối diện nguy cơ nghỉ học. Lúc đó, dù chỉ mới 10 tuổi, nhưng Sáu xin vào Sài Gòn đi làm.
Vô Sài Gòn, Sáu kinh qua đủ nghề: phụ quán cà phê, bán kẹo chewing gum và cuối cùng dừng lại với “xoài lắc, trứng cút lắc”. Hiện tại, Sáu ở ghép với hai người nữa trong một căn phòng nhỏ ở đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh. Hầu hết thời gian trong ngày Sáu ở ngoài đường, từ 8 giờ sáng đến 2 - 3 giờ sáng hôm sau. Về phòng trọ, Sáu không ngủ ngay mà còn phải chuẩn bị đồ bán tới gần 5 giờ sáng mới đi ngủ.
Thoắt một cái đã 18 năm. Sáu ăn cơm hàng cháo chợ, cật lực làm đủ thứ nghề, cắc củm dành dụm tiền gửi về quê chỉ với ước mong duy nhất là hoàn thành ước nguyện của mẹ: không để thằng út phải bỏ học nửa chừng.
Anh Nguyễn Hữu Hoa (một người khách thường mua đồ ăn vặt của Sáu) nhận xét: “Sống giữa Sài Gòn, xung quanh là giới trẻ sành điệu nhưng Sáu chưa từng mua một thỏi son, chưa một lần tỉa lông mày, làm móng, áo quần khi nào rách mới mua bộ mới thì đúng là rất ít gặp”.
Bán hàng ở nhà thờ cho Sáu nguồn thu nhập khá và ổn định. Ngày đông khách, cô kiếm được cả triệu đồng. Dù vậy, Sáu không tiêu gì cho bản thân. Toàn bộ tiền kiếm được cô gửi hết về quê. Phần để chữa bệnh cho ba mẹ, phần để nuôi em trai đi học từ tiểu học cho đến bây giờ đã tốt nghiệp nghề điện lạnh.
Khi em ra trường, Sáu lại gửi tiền để ba mẹ mua xe làm phương tiện đi lại cho em. Thấy em trai mới ra nghề chưa có việc đều, để ba mẹ vui và an lòng, Sáu lấy tiền của mình gửi cho em trai để em mua ti vi, mua đồ sinh hoạt và cầm tiền biếu mẹ. Cô bảo: “Em trai em chăm chỉ nhưng mới ra nghề chưa có thu nhập tốt. Em giúp nó để nó tự tin vào đời, và quan trọng là để mẹ có thể tự hào vì cuối cùng cũng nuôi được một đứa con học hết cấp 3 và có nghề ổn định”.
Nhường thương yêu cho...người khác
Ông Hòa, một việt kiều Mỹ, biết Sáu từ hơn 10 năm trước khi cô còn đi bán chewing gum, thỉnh thoảng lại gửi cho cô 100 USD hoặc 1 - 2 triệu đồng. Lúc đầu Sáu nhận nhưng về sau cô thường từ chối: “Gia đình con ổn rồi. Con chỉ nhận lời hỏi thăm và tình cảm thương mến của chú. Còn tiền bạc, con mong chú giúp được cho những người khác khó khăn như con ngày xưa”.
“Bảo mẫu”…chim bồ câu
Một trong những điều ấn tượng khi đến khu vực nhà thờ Đức Bà là hình ảnh hàng trăm chú chim bồ câu đi lững thững quanh bức tượng Đức Bà Hòa Bình. Chúng không sợ người, ăn cả thóc trên tay, và không tránh những cái vuốt ve yêu thương. Hình ảnh đó đã lưu lại trong tâm trí của người dân Sài Gòn và du khách như một biểu tượng của sự bình yên.
Hơn 10 năm chăm đàn bồ câu, chị Nguyễn Ngọc Quang Thanh luôn yêu thương và bảo vệ chúng |
“Bảo mẫu” của đàn chim bồ câu là chị Nguyễn Ngọc Quang Thanh (46 tuổi, ngụ Q.6 TP.HCM) bán nước giải khát bên hông nhà thờ Đức Bà đã hơn 20 năm.
Theo chị, năm 2003, khi dịch cúm gia cầm lan rộng ra cả nước, nhiều người thả chim tự do. Có lẽ do khu vực nhà thờ khá yên tĩnh nên thu hút khoảng hơn chục con bồ câu về ở. Thấy dễ thương và... tội, một nghệ sĩ nhiếp ảnh cho chúng ăn mỗi ngày.
Sau khi nghệ sĩ nhiếp ảnh mất, chị Thanh và anh Cường (một người tự nguyện chăm sóc bồ câu) thay phiên cho ăn. Sau này, khi anh Cường đi tu, chỉ còn lại chị Thanh một mình chăm sóc. Đàn bồ câu sau đó cũng nhanh chóng sinh sôi lên đến hàng trăm con.
Dù một tay nuôi 2 đứa con, bán nước lúc ấy cũng không khấm khá nhưng mỗi ngày, chị đều bớt chút tiền mua thóc cho chim. Sau này, khi đàn bồ câu đã tăng mạnh số lượng, mỗi ngày bay lên lượn xuống tạo ra nét đặc sắc, khách tới ngồi chơi khu vực nhà thờ ngày một đông hơn chị Thanh bổ sung thêm đồ ăn cho chim là những túi đậu xanh có vỏ.
Hình ảnh yên bình thường thấy ở nhà thờ Đức Bà |
Leica |
Rất nhiều người yêu thích đàn bồ câu nhưng cũng có không ít kẻ tìm cách “bắt cóc” chúng. Nhiều người đi xe hơi, mang theo cả bao lúa, rải đầy gốc cây dụ chim ăn rồi đưa vợt ra bắt. Có phụ huynh mang con ra chơi, mua thức ăn cho chim nhưng lại lấy chén thức ăn ném chim, khuyến khích con mình bắt chim, nhổ lông cánh ngay tại chỗ.
“Lúc đó, tôi phản ứng thì họ nói chim hoang, tôi không có tư cách cản, thậm chí có người còn dọa đánh nếu tôi can thiệp. Nhưng tôi cãi, tôi là người cho nó ăn mỗi ngày, nuôi nó hơn chục năm nay. Lúc đó dù “nói cứng” nhưng tôi biết về lý, tôi cũng không phải là chủ thật sự của đàn bồ câu. Chỉ là vì tôi chăm sóc, cho ăn mỗi ngày nên thương và coi tụi nó như con, quyết không để ai làm hại. Phải chi tôi có quyền hợp pháp bảo vệ chúng thì hay biết mấy…”, chị Thanh tâm sự.
Sau này, để bảo vệ đàn bồ câu, chị Thanh tăng lượng thức ăn lên gấp đôi để chúng không quá đói mà thường xuyên sà xuống mặt đất. Chỉ khi nào cảm thấy khách ở dưới thật sự thân thiện chị mới lắc ống, gọi bồ câu xuống.
“Người nói tiếng bồ câu”
Chị Thanh chia sẻ đàn bồ câu mấy trăm con nên tiền mua thức ăn phải vài trăm ngàn/ngày mới đủ. Gần đây, nhờ nhiều người chung tay rải thức ăn cho bồ câu nên số tiền mua thức ăn cho chim cũng tiết kiệm được nhiều. Tuy nhiên, việc khách rắc thức ăn trên đường lại vô tình khiến bồ câu gặp nguy hiểm. Mới đây, chị Thanh phải tự tay nhặt xác một chú bồ câu tham ăn bị xe cán. Lo “hậu sự” cho chú bồ câu, chị Thanh thầm ước: “Giá như nói được tiếng bồ câu, tôi sẽ dẫn lối để chúng tránh tất cả rủi ro rình rập”. Mà có lẽ đàn bồ câu hiểu chị, chỉ khi chị lắc ống gọi thì phần lớn chim trong đàn mới sẵn sàng tập hợp…
Bình luận (0)