Nuôi ong mật bằng hoa rừng ngập mặn

Lê Tân
Lê Tân
01/11/2021 08:32 GMT+7

Dựa vào hàng trăm héc ta rừng ngập mặn ở cửa sông Văn Úc, người dân xã Đại Hợp, H.Kiến Thụy, TP.Hải Phòng, đã đầu tư nuôi ong để có được loại mật tuyệt hảo, siêu sạch.

Cách đây 21 năm, khi cánh rừng ngập mặn rộng hơn 600 ha ở ven sông Văn Úc (được trồng vào năm 1997 theo dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” do Nhật Bản tài trợ) bắt đầu nở hoa, người dân xã Đại Hợp thấy một số người ở Hải Dương mang hàng chục đàn ong về đặt tại đây để chúng hút mật.

Các tổ nuôi ong của HTX nuôi ong Tùng Hằng được đặt gần rừng ngập mặn

Lê Tân

Là người đã tìm hiểu loài ong từ khi còn tại ngũ năm 1987, ông Đặng Thanh Tùng (52 tuổi, ở xã Đại Hợp, H.Kiến Thụy, hiện là Giám đốc HTX nuôi ong Tùng Hằng) lân la xin làm thuê cho nhóm thợ ong ở Hải Dương để học nghề. “Họ (nhóm thợ ong ở Hải Dương) nuôi ong ngoại. Khi đó, mỗi độ hết mùa hoa nhãn, vải, họ lại đi khắp nơi tìm nguồn mật để nuôi ong. Họ nói hoa rừng ngập mặn rất thích hợp để nuôi ong”, ông Tùng nhớ lại.

Sau khi học được chút nghề từ nhóm thợ ong ở Hải Dương, ông Tùng quyết định chuyển nghề. Ông chia sẻ: “Từ xưa đến nay, người dân Đại Hợp vốn sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản. Bản thân tôi hồi đó cũng đang nuôi ngao. Đời sống ổn định nhưng vất vả, nguy hiểm, cần nhiều sức khỏe. Để tính đường xa, tôi quyết tâm theo nghề nuôi ong”.

Thời điểm đó, ông Tùng nhờ người mua 2 tổ ong “ta”, giống ong nhỏ bé ít dịch bệnh và cho chất lượng mật ngon, với giá 600.000 đồng để nuôi thử. “Rừng ngập mặn quê tôi là môi trường tuyệt vời để đàn ong phát triển, khi các loại cây bần (lậu), sú, vẹt thay nhau nở hoa 9 tháng trong năm”, ông Tùng nhớ lại, và cho hay bằng nhiều phương pháp kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng cho thấy, mật ong được nuôi bằng hoa ngập mặn có chất lượng tương đương với nuôi ở các rừng tràm trong khu vực miền Nam.
“Rừng ngập mặn là rừng tự nhiên, không có thuốc bảo vệ thực vật hay tác động gì của con người nên mật cực sạch. Riêng những tháng không có hoa, nếu bắt buộc phải cho ong ăn đường để sống, duy trì đàn thì chúng tôi cũng không dùng mật trong thời gian này để bán. Mật do ong ăn đường tiết ra chỉ bán cho người nuôi trâu chọi hoặc các đầm nuôi thủy sản làm thức ăn. Đây là quy định của chúng tôi”, ông Tùng cho hay.

Thấy ông Tùng thành công trong việc nuôi ong, nhiều hộ dân ở xã Đại Hợp cũng làm theo. Năm 2010, ông Tùng thành lập tổ nuôi ong gồm 12 hộ. Năm 2020, ông cùng 7 người khác thành lập HTX nuôi ong mật Tùng Hằng. Hiện nay, HTX nuôi ong Tùng Hằng có 800 đàn ong (mỗi đàn từ 5.000 - 7.000 con ong).

Tiên phong cải tiến kỹ thuật nuôi ong

Không chỉ dựa vào tài nguyên từ rừng ngập mặn, trong suốt 20 năm ong, ông Tùng cũng luôn là người đi tiên phong trong việc cải tiến kỹ thuật để phát triển đàn ong mạnh hơn.
Ông Nguyễn Văn Khánh (51 tuổi, ở xã Đại Hợp, thành viên HTX nuôi ong Tùng Hằng) cho biết: “Sau nhiều năm quan sát đàn ong, anh Tùng đã mạnh dạn mở rộng diện tích lồng và máng mật. Do ong ở gần rừng ngập mặn, có nguồn dinh dưỡng dồi dào nên có sức xây tổ, lấp đầy diện tích mở rộng. Nói nghe thì dễ, nhưng ở nhiều nơi không làm được việc này”.

Đáng chú ý, ông Tùng còn nghiên cứu thành công phương pháp “kế vương” để cho con chúa cũ tồn tại song song với con chúa mới một thời gian. Điều này giúp đàn ong ổn định số lượng trong thời gian thay chúa. “Với loài ong, khi thay chúa mới, chúa cũ sẽ bị giết hoặc bị thả đi. Trong khi chúa mới cần nuôi khoảng 15 ngày mới đẻ trứng. Tính ra, nếu không có cách, đàn ong sẽ mất khoảng 4.000 - 5.000 quân khi thay chúa. Điều này khiến chất lượng đàn giảm sút. Bằng phương pháp “kế vương”, tôi đã khắc phục điều này”, ông Tùng chia sẻ, và xin phép không nói rõ phương pháp “độc quyền” nuôi ong của mình. “Thành lập hợp tác xã, chúng tôi cùng nhau xây dựng thương hiệu mật ong rừng ngập mặn với các quy định, tiêu chuẩn trong sản xuất nghiêm ngặt để tham gia chương trình ‘mỗi xã một sản phẩm’ của TP.Hải Phòng (OCOP)”, ông Tùng cho hay.

Thực tế, với chất lượng tuyệt hảo, năm 2020, mật ong rừng ngập mặn của HTX nuôi ong Tùng Hằng đã được UBND TP.Hải Phòng công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Bên cạnh đó, HTX này còn được UBND TP.Hải Phòng, Sở NN-PTNT thành phố quan tâm đầu tư hệ thống máy tách nước thủy phân mật ong. Nhờ có hệ thống này mà mật ong của HTX sau khi thu hoạch sẽ được ép tách nước để đảm bảo hàm lượng nước trong mật dưới 23%, giúp mật để lâu không bị chua, chất lượng mật tốt hơn.

Theo ông Tùng, hiện sản lượng của HTX nuôi ong Tùng Hằng khoảng 4.000 lít mật ong/năm với giá bán ra thị trường 300.000 đồng/lít.
“Sản lượng mật ong của HTX hiện không đủ cung cấp cho thị trường. Chúng tôi đã có kế hoạch nâng sản lượng lên 9.000 lít/năm và sẽ thu mua thêm mật của các hộ ngoài HTX, nếu họ đảm bảo đúng chất lượng chúng tôi đề ra. Hiện tại, xã Đại Hợp còn có 40 hộ dân khác cũng đang nuôi ong dựa vào rừng ngập mặn”, ông Tùng cho biết.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Đức Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hải Phòng, đánh giá: “Mô hình nuôi ong rừng ngập mặn của HTX nuôi ong Tùng Hằng là mô hình phát triển kinh tế nông thôn rất sáng tạo, tận dụng lợi thế thiên nhiên của địa phương để cho ra sản phẩm sạch, chất lượng, được giá. Đánh giá cao mô hình này nên chúng tôi đã hỗ trợ cho HTX nuôi ong Tùng Hằng 400 triệu đồng để có thêm vốn phát triển. Thời gian tới, Hội Nông dân TP.Hải Phòng sẽ phối hợp để nhân rộng mô hình đến các vùng có rừng ngập mặn ở TP.Hải Phòng như Q.Đồ Sơn, H.Tiên Lãng, H.Thủy Nguyên”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.