Nuốt hạt trái cây, dị vật, khi nào cần đi bệnh viện?

31/05/2020 09:22 GMT+7

Khi ăn trái cây, lỡ nuốt luôn hạt, có cần phải đến bệnh viện lấy ra không? Tôi được biết một số hạt trái cây có chất độc như hạt na (mãng cầu), hạt sơ ri, hạt mơ…

Vậy trong khi ăn các loại trái này, nếu lỡ nuốt phải hạt thì có nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng không? Phải xử trí như thế nào? (Trần Minh Quyền, ngụ Khánh Hòa)

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đinh Thu Oanh, Trưởng đơn vị nội soi, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM):

Nguy cơ mắc, nuốt dị vật có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt tuổi tác và giới. Một số dị vật có thể theo dõi chờ nó được đào thải ra ngoài qua đường tiêu hóa. Một số dị vật nguy hiểm, cần phải đến bệnh viện cấp cứu để được can thiệp kịp thời (qua X-quang, nội soi…), không nên tự ý điều trị tại nhà.
Đặc biệt, không nên điều trị theo mẹo dân gian để lấy dị vật ra ngoài, rất nguy hiểm và làm bệnh phức tạp thêm, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Những dị vật được xem là nguy hiểm, người nuốt phải cần đến bệnh viện cấp cứu ngay, gồm:
Dị vật sắc nhọn (xương cá, kim loại, tăm tre, răng giả, viên thuốc còn nguyên vỏ), vì nếu không lấy ra những đầu sắc nhọn có thể gây tổn thương, chảy máu, thủng đường tiêu hóa, nhiễm trùng gây nguy hiểm tới tính mạng.
Dị vật gây độc như pin. Trong pin có các loại hóa chất khi tiếp xúc với môi trường ẩm ướt của đường tiêu hóa tạo ra chất gây bỏng niêm mạc và có thể gây thủng.
Dị vật gây tắc nghẽn.
Bên cạnh đó, có một số dị vật ít nguy hiểm hơn, có thể theo dõi chờ nó ra ngoài theo phân. Đó là những dị vật có hình dạng tròn bờ tù, nhỏ, không gây triệu trứng thì không cần nội soi để gắp ra.
Thông thường, để thức ăn có thể đi qua hết đường tiêu hóa thì sẽ mất từ 24 - 72 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, tùy tình trạng sức khỏe, giới tính, loại thức ăn cũng làm ảnh hưởng đến thời gian dị vật ra khỏi đường tiêu hóa nhanh hay chậm. Muốn dị vật ra nhanh hơn, chúng ta có thể ăn các thực phẩm gây nhuận tràng, uống nhiều nước hoặc có thể uống thêm thuốc nhuận tràng.
Nhiều người cũng rất lo lắng sau khi nuốt hạt trái cây, đặc biệt là một số hạt có chất độc như hạt na, hạt sơ ri... Tuy nhiên, các loại hạt này và một số loại hạt khác có kích thước nhỏ, trơn láng, vỏ cứng không bị phân hủy bởi dịch tiêu hóa và cũng không bị vỡ do sự co bóp của dạ dày. Do đó, nếu nuốt nguyên hạt (hạt còn nguyên vẹn, không cắn vỡ) thì nó có thể được đào thải nguyên vẹn theo phân nên không cần lo lắng.
Để hạn chế tình trạng nuốt dị vật, cần chú ý:
Hạn chế vừa ăn vừa nói chuyện, tiếp khách, trường hợp cần thiết thì nên chọn các món ăn không có xương.
Nên ăn chậm, nhai kỹ, tránh trộn (chan) canh vào cơm ăn cùng một lúc.
Khi ăn trái sơ ri không nên nuốt hạt.
Người già và trẻ nhỏ tránh ăn thức ăn dai, gân, da, cần cắt nhỏ nấu mềm.
Cẩn thận khi ăn các món thịt cá có lẫn xương mà chưa được lọc kỹ.
Bỏ thói quen ngậm tăm.
Không cho trẻ em chơi các loại đồ chơi có kích thước nhỏ, để những vật dụng gây nguy hiểm như pin đèn xa tầm tay của trẻ.
Nhớ bỏ vỏ viên thuốc trước khi uống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.