Núp bóng VietGAP

29/04/2016 05:22 GMT+7

Việc 80 con heo nhiễm chất cấm do thương lái Nguyễn Văn Toàn mua từ hai hộ chăn nuôi ở Đồng Nai suýt nhập vào Vissan đã làm nhiều người giật mình. Là bởi, ông Vy Hướng Mạnh và ông Trần Anh Hiếu là những hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP; nghĩa là, heo được xuất chuồng từ hai hộ chăn nuôi này đều là heo sạch, không sử dụng chất cấm.
VietGAP, hiểu một cách nôm na, nó như một “bảo chứng” về sự sạch của sản phẩm (trong trường hợp này là heo) để người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Thế nhưng, cái mác VietGAP từng được hai hộ chăn nuôi nói trên khoác lên sản phẩm của mình lâu nay, giờ không còn “thiêng” nữa. Ba trong số 80 con heo chuẩn bị nhập vào Vissan hôm 20.4 đã phản lại chủ vì dương tính với chất cấm sau khi xét nghiệm. Người ta nghi ngờ thương lái Nguyễn Văn Toàn đã mua thêm số heo ở những hộ chăn nuôi khác rồi nhập chung vào lô hàng có nhãn VietGAP để cho dễ “trôi”. Tuy nhiên, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết qua xác minh của cơ quan chức năng, số heo trên đều có xuất xứ từ hai hộ chăn nuôi của ông Hiếu (35 con) và ông Mạnh (45 con), nhưng cả hai đều khẳng định mình không dùng chất cấm. Không dùng chất cấm mà heo vẫn dương tính với chất cấm thì đúng là... chuyện lạ.
Trong khi đó, kiểm tra đột xuất tại TP.HCM hồi đầu năm nay, cơ quan chức năng đã phát hiện có đến 30% số heo dương tính với chất cấm, nhiều mẫu thịt sau khi xét nghiệm đã vượt 4.700 lần mức cho phép! “Cái chết từ từ” bây giờ đã vây bủa người tiêu dùng khắp các hang cùng ngõ hẻm. Người tiêu dùng dường như đã cạn niềm tin vào sự lương thiện của người sản xuất, họ chỉ còn biết cậy vào những nhãn mác hàng hóa đã được nhà nước bảo chứng mà thôi. Và VietGAP như một chỉ dấu cho sự lành sạch, thế nhưng chút hy vọng cỏn con ấy cũng bị lợi dụng nốt.
Không chỉ heo núp bóng VietGAP mà hàng loạt các loại hàng hóa khác cũng lấy cái mác này để che đậy sự gian dối của nhà sản xuất. Có ông chủ một vườn nho ở Ninh Thuận chỉ canh tác vài sào nho thôi nhưng ông có thể cung cấp cho thị trường hàng chục tấn nho tươi mỗi mùa, được gắn mác VietGAP hẳn hoi. Người tiêu dùng ăn nho trong trường hợp này là ăn vào niềm tin đã được nhà nước công nhận bằng “tiêu chuẩn VietGAP” vậy.
“Thực phẩm bẩn”, từ khóa này đã trở nên phổ biến hiện nay. Ai cũng kêu bẩn nhưng rồi cũng phải nhắm mắt mà sử dụng vì không có sự lựa chọn nào khác. Một câu hỏi được đặt ra lúc này là “có ngăn ngừa thực phẩm bẩn được không?”. Câu trả lời là “có” nếu như sự nghiêm minh của luật pháp được thực thi không chỉ đối với nhà sản xuất mà còn cả với những “công bộc của dân” đã cố tình bao che, dung túng cho những kẻ núp bóng sạch sẽ để làm điều dơ bẩn.
Ngày 1.7 tới đây, khi bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực, cánh cửa nhà tù sẽ “đón” những ai còn tiếp tục gieo rắc mối nguy hại cho đồng loại của mình bằng thứ thực phẩm bẩn chỉ vì lòng tham. Nhưng hy vọng sẽ không một ai phải đi tù vì điều đó, để mỗi bữa ăn trong từng gia đình, từng hàng quán đều lành sạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.