Nút thắt nằm ở giá

13/01/2017 05:15 GMT+7

Chưa bao giờ, hành trình về quê ăn tết bằng máy bay của người dân lại vất vả, khốn khó như hiện nay.

 Hết lo mua vé với giá trên trời, lại lo không có chỗ khi đề xuất số lượng chuyến bay của các hãng hàng không bị cắt đến phân nửa. Mới tuần trước hành khách được khuyến cáo ra sân bay trước 3 tiếng thì hôm qua rút xuống còn 2 tiếng trong khi trước đó chỉ 2 ngày, cảnh nhiều khách hàng phải nhảy ra khỏi taxi chạy bộ vào sân bay Tân Sơn Nhất vì sợ trễ giờ bay do ùn tắc kéo dài vẫn ám ảnh.
Mọi bế tắc này lỗi cuối cùng thuộc về giá vé thiếu hợp lý, hay nói đúng hơn là giá vé quá đắt mà các hãng hàng không đưa ra để bắt chẹt người dân nhân mùa cao điểm. Chúng ta đều biết, nhu cầu đi lại dịp tết là cực lớn, chẳng thế mà các hãng đều đề xuất tăng gấp rưỡi, gấp đôi số chuyến bay so với ngày thường.
Tất nhiên, năng lực của Tân Sơn Nhất vốn đã quá tải thì không thể “đùng một cái” tăng gấp đôi số lượng chuyến bay vào giờ cao điểm được. Chỉ có cách bay đêm. Nhưng theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không, các hãng đều không muốn bay đêm. Lý do họ đưa ra là phần lớn hành khách thích đi vào những khung giờ thuận lợi hơn là nửa đêm về sáng.
Vì vậy, dù có mở bán nhưng lượng khách mua vé bay khung giờ này không nhiều. Kiểm chứng qua các trang bán vé máy bay trực tuyến có thể thấy, vé máy bay vào các ngày vàng (từ 27 tháng chạp trở đi) vẫn còn khá nhiều, tập trung vào giờ bay sáng sớm và tối khuya.
Nghĩa là vé đêm và sáng sớm ế thật. Nhưng ế là vì giá vé quá đắt chứ không phải khách hàng “lười” đi đêm. Cụ thể, vé bay từ TP.HCM - Hà Nội của Vietnam Airlines từ sáng sớm tinh mơ hay đêm tính cả thuế phí cũng lên tới 3,7 triệu đồng/vé. Cũng chặng này, vé bay lúc 0 giờ của VietJet, Jetstar giá đều tương đương...
Bay nửa đêm thì phải ra sân bay từ tối, tới Hà Nội đã là sáng sớm hôm sau. Rồi còn lặn lội về nhà mà giá vé đắt ngang ngửa bay giờ cao điểm, họa “điên” khách mới chọn. Đó là chưa kể, thời điểm cận tết, bay ra tới Nội Bài vào lúc 2 - 3 giờ sáng bắt xe cộ vừa khó vừa đắt, cộng vào giá vé bay đêm như nói trên, khéo còn đắt hơn cả vé giờ cao điểm. Đó chính là lý do khách không “mặn” với bay đêm chứ không phải họ không thích như các hãng nói.
Dẫn ra như vậy để thấy, mọi vấn đề đang nằm ở giá vé. Nếu giảm mạnh giá vé bay đêm, chỉ bằng 1/3 giá vé giờ cao điểm chẳng hạn, có thể khẳng định chắc chắn, rất nhiều hành khách sẵn sàng thức khuya, dậy sớm về quê ăn tết. Một loạt các vấn đề mà chúng ta đang bế tắc như ùn tắc đường ra sân bay Tân Sơn Nhất, ùn tắc ở sân bay, delay cấp độ cao dịp tết... tự động được giải quyết phần lớn.
Mà việc giảm giá vé bay đêm nói thẳng cũng hoàn toàn là nguyên tắc thị trường, là quy luật kinh doanh chứ không phải kêu gọi “làm từ thiện”. Chẳng phải các hãng hàng không vẫn tăng giá vé gấp đôi, thậm chí gấp ba vào giờ vàng, ngày vàng, mùa cao điểm đó sao? Vậy thì lý do gì họ không giảm còn một nửa, 1/3 giá vé bay đêm? Phải chăng nắm được tâm lý ai cũng sẵn sàng “nghiến răng” móc hầu bao cho một cái tết đoàn viên nên vé bay đêm vẫn được các hãng bán ra với giá cao vời vợi như nói trên? Có thể nói, đây là cách kinh doanh chưa sòng phẳng với khách hàng của các hãng hàng không hiện nay.
Hôm qua, VietJet tuyên bố giảm 40% cho các chuyến bay đêm nhưng “một cánh én không làm nên mùa xuân” mà cần sự vào cuộc của cả Vietnam Airlines, Jetstar để giảm áp lực cho toàn xã hội trước sự quá tải của hạ tầng giao thông, hạ tầng hàng không dịp Tết Nguyên đán này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.