Được biết chiều nay, Nutifood và Sở GTVT TP.HCM tiếp tục có cuộc làm việc để chuẩn bị cho lễ ký kết chính thức dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12 tới. Thanh Niên đã trao đổi với ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood xung quanh dự án đang làm "nức lòng" người dân về một trong những biểu tượng mới của TP.HCM trong tương lai.
Nhiều người đang rất tò mò về cây cầu đi bộ ngàn tỉ nối liền đôi bờ sông Sài Gòn mà Nutifood tài trợ, ông có thể cho biết cụ thể hơn về dự án này?
Cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn được quy hoạch bắt đầu từ công viên bến Bạch Đằng và chân cầu là công viên bờ sông (ngoài ranh khu A) phía nam quảng trường trung tâm khu đô thị Thủ Thiêm. Được thiết kế hình chiếc lá dừa nước, một loại lá rất đặc trưng của vùng đất Nam bộ nên khi hoàn thành, cây cầu sẽ như một chiếc lá mềm mại bay nhẹ nhàng trên dòng sông Sài Gòn, giúp gợi nhớ hình ảnh thân thuộc, dân dã trong quá khứ của vùng đất phương Nam và cũng là sẽ một biểu tượng mới, giúp kết nối với vẻ hiện đại, hướng đến tương lai của thành phố mang tên Bác.
Đây là thiết kế đã được UBND TP.HCM lựa chọn trong 12 phương án thiết kế, do 5 đơn vị thầu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như: Anh, Pháp, Nhật, Tây Ban Nha, Phần Lan và Việt Nam tham gia cuộc thi tổ chức cách đây hơn 4 năm. Chúng tôi chỉ là đơn vị tài trợ kinh phí để xây dựng cây cầu này.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dinh dưỡng, duyên cớ nào mà Nutifood lại tài trợ cho một dự án hạ tầng như xây cầu, thưa ông?
Thực ra các hoạt động đóng góp cho cộng đồng luôn được Nutifood đặc biệt chú trọng thực hiện kể từ những ngày đầu thành lập. Hằng năm, công ty vẫn dành hơn 100 tỉ đồng để đồng hành cùng trẻ em, người nghèo trên khắp cả nước thông qua các chương trình học bổng; xây trường, hỗ trợ dinh dưỡng…
TP.HCM là nơi Nutifood hình thành và phát triển nên từ lâu chúng tôi vẫn mong muốn làm một cái gì đó tri ân hàng triệu người tiêu dùng và khách hàng đã yêu mến, tin tưởng và sử dụng các sản phẩm của công ty trong suốt hơn 20 năm qua, đồng thời góp một phần nhỏ công sức của mình vào sự phát triển của TP. Vì thế khi biết chủ trương của chính quyền TP về việc xây dựng cây cầu đi bộ bắc ngang sông Sài Gòn, một dự án không chỉ có giá trị về kinh tế, văn hóa mà còn là vị trí gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, Nutifood đã đề xuất hỗ trợ kinh phí cho công trình này.
Ở Singapore, Melbourne (Úc)... quảng trường nối với nhau bằng những cây cầu và người dân có thể đi bộ từ bên này qua bên kia. Cây cầu đã trở thành biểu tượng của những nơi này, thành điểm đến của du khách quốc tế. Với cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn, đôi bờ từ Quận 1 sang thành phố mới Thủ Đức được kết nối, người dân TP sẽ có thêm một địa điểm giải trí, thư giãn đẹp mắt; các du khách tới đây sẽ có thêm một địa điểm du lịch hấp dẫn, đó chính là mong muốn của chúng tôi khi tài trợ dự án.
Năm nay là một năm đặc biệt khó khăn, ngay cả các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thiết yếu như sữa, gạo cũng sụt giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Nên khi đọc thông tin Nutifood tài trợ hơn 1.000 tỉ đồng xây cầu, cảm xúc đầu tiên của tôi là "wow, Nutifood vẫn làm ăn hiệu quả, vẫn nhiều tiền quá...".
Tôi hiểu suy nghĩ của cô, tôi cũng hiểu nhiều người sẽ nghĩ như vậy. Thế nhưng có một chuyện mọi người không biết, trong các buổi họp BOD của chúng tôi thời gian qua, chủ đề quan trọng nhất là cắt giảm chi phí trên mọi mặt trận, thậm chí cả chi phí xây dựng thương hiệu. Nhưng như tôi vừa nói, cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn là "món quà" tri ân đến vùng đất, con người Sài Gòn - TP.HCM của Nutifood nên chúng tôi quyết tâm thực hiện. Chứ trong bối cảnh chung, mọi người khó khăn 10 thì Nutifood cũng khó 6-7, thật lòng là vậy.
Một mặt thì thắt lưng buộc bụng, một mặt lại bỏ ra một số tiền rất lớn để tài trợ xây cầu, có gì đó mâu thuẫn... ở đây?
Không có gì mâu thuẫn cả bởi chúng tôi cắt giảm chi tiêu cũng là để dành kinh phí cho dự án này. Cô biết đấy, làm marketing thì mục tiêu cuối cùng cũng là để chạm tới trái tim người tiêu dùng. Thế nên thay vì bỏ hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng để PR, quảng cáo thì Nutifood chọn xây dựng cây cầu như một "món quà" tri ân đến hàng triệu người tiêu dùng và khách hàng đã yêu mến, tin tưởng và sử dụng các sản phẩm của công ty.
Hơn 20 năm trước, Nutifood khởi đầu từ tâm nguyện của các bác sĩ sáng lập viên nhằm cải thiện dinh dưỡng cho người Việt trong lúc kinh tế còn nhiều khó khăn. Từ tay trắng, giờ đây chúng tôi đã trở thành công ty top đầu trong ngành sữa ở Việt Nam. Thành quả ấy có được là nhờ vào sự ủng hộ, tin yêu của hàng triệu người tiêu dùng nên chúng tôi vẫn ấp ủ ý định đóng góp một cái gì đó thật sự ý nghĩa, có giá trị xuyên thời gian, để người dân có thể thụ hưởng trong 10, 20 năm và hơn thế nữa. Dự án cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn đáp ứng tâm nguyện của chúng tôi nên chúng tôi chủ động đề xuất tài trợ kinh phí xây dựng.
Với khoản tài trợ trị giá trên 1.000 tỉ đồng, liệu Nutifood có được nhận lại hay mong muốn nhận lại gì từ TP không?
(Cười lớn), cô hỏi làm tôi cũng bất ngờ vì đây là điều chúng tôi chưa hề nghĩ đến. Nutifood là một công ty dinh dưỡng thuần túy, chúng tôi chỉ tập trung các mặt hàng tiêu dùng phục vụ sức khỏe như sữa, thực phẩm... và không có ý định đầu tư bất động sản, hạ tầng để cần được ưu ái hay những điều kiện gì đặc biệt cả. Nên nếu hỏi chúng tôi tài trợ để mong muốn nhận lại gì thì thú thật chúng tôi cũng... không biết muốn nhận lại cái gì luôn.
Ngược lại với 1.000 tỉ chúng tôi có thể xây thêm một nhà máy, 2-3 thương hiệu, mang lại doanh số hàng ngàn tỉ mỗi năm. Những thương hiệu mới của Nutifood xây dựng gần đây chỉ mất vài trăm tỉ và đang rất thành công.
Thế nên cái mà chúng tôi mong nhận lại, nếu có nghĩ đến chỉ là có thể người tiêu dùng sẽ ghi nhận sự biết ơn của Nutifood với họ và họ sẽ tiếp tục ủng hộ Nutifood. Chỉ đơn giản thế thôi.
Xây dựng xong sẽ bàn giao lại cho TP.HCM quản lý
Ngày 12.7.2023, Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood (Nutifood) đã có công văn gởi Thành ủy, UBND TP.HCM đề nghị tài trợ toàn bộ kinh phí để xây dựng cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, phương án thiết kế mà TP phê duyệt. Đại diện Nutifood cho biết, nếu được đồng ý, Nutifood sẽ nhanh chóng tiến hành khảo sát mặt bằng, thảo luận, làm việc với công ty thiết kế, các đối tác thầu để thống nhất phương án xây dựng, bàn giao và đưa vào sử dụng cây cầu trong thời gian sớm nhất.
Bình luận (0)