Hồ thủy lợi Phước Hòa (nằm trên địa bàn 2 tỉnh Bình Phước, Bình Dương) hiện cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, tưới tiêu cho Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và hạ du sông Sài Gòn, thông qua kênh thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa dài trên 40 km.
Ngoài ra, hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa còn cung cấp nước phục vụ diện tích tưới 22.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và cấp nước công nghiệp, nước phục vụ sinh hoạt cho Công ty CP cấp thoát nước Tây Ninh với lưu lượng nước thô 20.000 m3/ngày, đêm.
NGUỒN NƯỚC Ô NHIỄM NÊN PHẢI LẤY THÊM TỪ SÔNG ĐỒNG NAI
Đáng chú ý, nguồn nước từ hồ Phước Hòa chảy vào kênh thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đang là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho nhà máy nước sạch sinh hoạt của Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase). Chưa dừng lại ở đó, nước từ kênh thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa hòa chung với nguồn nước ở hồ Dầu Tiếng cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho các nhà máy nước ở vùng hạ du sông Sài Gòn.
Hiện các nhà máy nước cũng bức xúc vì chất lượng nước trên sông Sài Gòn và kênh thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa bị suy giảm nghiêm trọng.
Sáng 24.9, trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Biwase cho biết hiện đơn vị này lấy nước từ sông Sài Gòn, kênh thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa và sông Đồng Nai để phục vụ cho các nhà máy nước, cung cấp nước sạch cho hàng triệu người dân ở Bình Dương. Trong đó, Biwase đang phải mua nước từ kênh thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa với giá 9.000 đồng/m3; còn lấy nước từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai chỉ đóng thuế tài nguyên.
Trả lời câu hỏi của PV vì sao công ty phải lấy nước từ sông Đồng Nai xa hơn so với sông Sài Gòn và kênh thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, lãnh đạo Biwase cho hay: "Nước ở sông Đồng Nai có chất lượng tốt hơn so với 2 nguồn nước còn lại. Trong trường hợp 1 trong 3 nguồn nước bị ô nhiễm thì Biwase phải đóng nguồn, tạm ngừng lấy nước từ nguồn bị ô nhiễm". Lãnh đạo Biwase cũng giải thích thêm, nếu chất lượng các nguồn nước bị ô nhiễm, ngoài việc phải đóng nguồn thì Biwase phải tăng cường các biện pháp để xử lý, gây tốn kém kinh phí và thiệt hại rất nhiều cho công ty.
VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG
Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, một chuyên gia nông nghiệp, thủy lợi thuộc Bộ NN-PTNT (cơ quan chủ quản hồ thủy lợi Phước Hòa - PV) khẳng định các hoạt động xâm lấn, xây dựng trái phép, hoạt động kinh tế trong phạm vi bảo vệ an toàn lòng hồ Phước Hòa là rất nghiêm trọng.
Vị chuyên gia cho biết các hoạt động tại hồ Phước Hòa như ngăn, lấp, đào, nạo vét; lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi; thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép hoặc thực hiện không đúng nội dung của giấy phép được cấp… là vi phạm luật Thủy lợi, luật Đất đai, luật Xây dựng và các nghị định của Chính phủ về quản lý, bảo vệ hành lang an toàn lòng hồ.
Cụ thể, vị chuyên gia cho rằng phạm vi bảo vệ an toàn công trình thủy lợi (hồ chứa thủy lợi) được tính từ đường biên cao trình đỉnh đập xuống lòng hồ, trong phạm vi này cấm mọi hoạt động kinh tế. Nếu muốn hoạt động kinh tế trong phạm vi này phải trình và được Bộ NN-PTNT cho phép, cấp phép trong thời hạn không quá 5 năm.
Vị chuyên gia cũng khẳng định các công trình bao gồm nhà nuôi yến, nhà chòi, nhà nổi, nhà chăn nuôi, cầu cống… được quy định tại Nghị định 40/2023 của Chính phủ, khi được cho phép xây dựng phải có đánh giá tác động môi trường. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm, các cơ quan chức năng ở địa phương phải tổ chức cưỡng chế, di dời ra khỏi hành lang bảo vệ an toàn lòng hồ.
Bà Mai Thị Đẹp, Giám đốc Trung tâm quản lý chất lượng nước của Biwase, cho rằng chất lượng nguồn nước từ kênh Phước Hòa nay tương đối ổn định, nhưng một số thời điểm cũng có dấu hiệu ô nhiễm nhẹ với các chất như Amoni, COD... Để xử lý ô nhiễm nguồn nước, công ty phải giám sát chất lượng nước từ nguồn nuôi cá chỉ thị (khi xuất hiện độc tố trong nguồn nước, cá sẽ chết), giám sát qua hệ thống camera. Ngoài ra, hằng ngày có đội tuần tra trên khu vực nhà máy lấy nước nhằm phát hiện những bất thường như nước thải, tràn dầu… để kịp thời có biện pháp xử lý.
Bình luận (0)