Làm xe bò, đóng xe trâu
Những ngày đầu lên lại Điện Biên, cả vùng lòng chảo chỉ có mấy chục nóc nhà người Thái, đi bộ rạc cả chân mới đến. Mọi thứ lương thực, thực phẩm, đồ dùng, công cụ sản xuất đều phụ thuộc dưới xuôi. Hai thứ có tự nhiên là nước suối và củi đốt.
"Rừng rậm phía trong, rừng thưa phía ngoài. Hằng ngày chúng tôi vào rừng chặt cây kéo về làm nhà cửa doanh trại. Lúc ấy đã 4 năm sau chiến tranh, thú rừng đã kéo về, đói ăn, liều tấn công trâu bò, vật nuôi và cả bộ đội, nên đi đâu cũng phải mang súng", ông Hữu kể lại và nhớ: "3 năm đầu vẫn thuộc quân đội, có lương thực dưới xuôi gửi lên. Khi chuyển sang Bộ Nông trường (nay là Bộ NN-PTNT) phải tự túc, bộ đội chuyển sang công nhân, lớ ngớ không biết sản xuất kinh doanh, có nơi đói quá, phải liều đi kiếm đồ ăn".
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kỷ (90 tuổi, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 176, Sư đoàn 316, hiện sống ở đội 17A, xã Thanh Xương, H.Điện Biên) hồi tưởng: "Lên đến nơi, việc đầu tiên là làm lán, đào giếng. Sau đó là quay trở lại các trận địa nhặt nhạnh sắt thép, lột ghi sân bay để rèn dao, cuốc và làm xe bò, xe trâu. Trầy trật gần năm trời, mới dựng được doanh trại là mấy dãy nhà lá, ở tạm"…
Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Quyết định cân não làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Canh lá sắn, trứng đậu xanh
Đến bây giờ, ông Nguyễn Quang Viên (91 tuổi, nguyên chiến sĩ Đại đội 15, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, hiện sống tại đội 4, xã Thanh Hưng, H.Điện Biên) vẫn nhớ lại món trứng tráng làm bằng đậu xanh giã nhuyễn, trong những ngày đầu mới lên lại Điện Biên gian khó.
"Chỗ tôi ở bây giờ, trước kia là rừng. Khi mới lên thì dựng lán, sau mới làm nhà gỗ mái tranh. Ban đầu thì trồng cấy bằng cuốc xẻng, mãi năm 1963, máy cày mới lên Điện Biên, khiến mọi người ở khắp nơi kéo về xem… máy cày ruộng", ông Viên nhớ lại.
Năm 1959, ông Viên đón vợ là bà Vũ Thị Loan từ Hà Nam lên Điện Biên định cư. Sau 8 tháng làm quen với "rừng xanh núi đỏ", bà Loan được tuyển vào làm công nhân nông trường và dần dần được "bổ nhiệm" làm tổ trưởng tổ cối xay, đảm nhận việc cung cấp gạo cho cả Điện Biên Phủ.
Có thời điểm ông Viên và đồng đội vào rừng khai thác lâm sản biền biệt vài tháng, bà Loan tình nguyện gánh gạo tiếp tế, để tranh thủ vào thăm chồng. "Con gái mới lớn, quen dưới xuôi đông đúc. Tự nhiên lên núi hoang vu thiếu thốn, thức ăn chủ yếu là canh lá sắn, chồng lại chui tít trong rừng. Nếu không nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng, chắc tôi cũng bỏ về", bà Loan thật thà kể lại.
Lái xe xích phá bom mìn
Các cựu chiến binh Nông trường quân đội Điện Biên giờ vẫn nhớ những kỷ niệm "tự học - tự làm" của giai đoạn đầu "cơ giới hóa - hiện đại hóa": nông trường được ưu tiên cấp 4 máy cày có nguồn gốc từ Romania (do các nước XHCN bấy giờ viện trợ). Ban giám đốc cử 4 chiến sĩ có "gốc gác" từ đại đội pháo của Trung đoàn 176 vào Nông trường Đồng Giao (Tam Điệp, Ninh Bình), cấp tốc học cách sử dụng. Chưa xong "phụ lái", 4 người được gọi về để lái máy xới đất khai hoang cho kịp thời vụ. Do không học đến nơi đến chốn và cực kỳ tin tưởng "máy cày hiện đại thì cái gì cũng làm được", nên bộ đội chỉ chặt cây chứ không đào rễ.
Ngày đầu ra quân, cả nông trường và người dân kéo về, lần đầu tiên xem "máy cày thay trâu". Thế nhưng, chỉ lăn được vài vòng, 3 chiếc máy đã khựng lại do răng cày vướng vào rễ cây, vỡ hết. Do không biết cách sửa, nên nông trường lại cầu cứu cấp trên, cho xe tải hạng nặng lên chở về Hà Nội thay sửa mất mấy tháng.
Ông Nguyễn Khắc Kế (cựu chiến binh Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 176, Sư đoàn 316) năm nay 90 tuổi, sống ở đội C4, xã Thanh Hưng, H.Điện Biên, thì nhớ lại việc chuyển từ bộ đội sang công nhân, ông chuyên lái máy kéo. Trong một lần di chuyển ở khu vực sân bay Điện Biên Phủ hiện nay, máy kéo của ông và máy cày của đồng nghiệp đi sau bị vướng mìn.
Vụ nổ làm cả nông trường hoang mang. Nhưng nhiệm vụ khai hoang thì không thể bỏ bê. Ông Kế đề nghị lãnh đạo cho mình lái xe bánh xích, đi vào những khu vực nghi có mìn để phá nổ, làm sạch đất. "Hồi ấy chỉ có mìn muỗi chống bộ binh và lựu đạn, chứ không có mìn chống tăng. Nghĩ lại cũng thấy liều. Nhưng không còn cách nào khác", ông Kế nói.
Nhớ lại những ngày đầu gian khó, bà Đường Thị Cận, cựu công nhân Nông trường Điện Biên, bảo: "Tôi cưới anh Vũ Trọng Kiểm tháng 4.1954. Gọi là cưới nhưng không có chú rể, bởi lúc ấy cưới chạy tang và anh ấy đang chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Sau ngày chiến thắng, anh ở lại và tháng 11.1959 đón tôi lên Điện Biên xây dựng nông trường. Ngày mới lên, cuộc sống vô cùng khó khăn, chúng tôi đi làm bữa no bữa đói, vẫn phải ăn cơm độn ngô, độn sắn. Hơn ba chục năm làm công nhân nông trường, ăn khổ, ở khổ và làm cũng khổ nhưng chúng tôi vẫn vượt qua… Tôi vẫn thường bảo các con tôi: Bây giờ kêu khổ, thì các con chưa thể bằng một phần nghìn nỗi khổ của cuộc đời mẹ ngày xưa ở Nông trường Điện Biên"… (còn tiếp)
"Những ngày đầu xây dựng Nông trường Điện Biên, chúng tôi có rất nhiều khẩu hiệu tuyên truyền cổ vũ tinh thần bộ đội, trong đó nhớ nhất là câu "Đả đảo cá khô - Bí ngô ngóc đầu". Chẳng là hồi ấy chưa nuôi trồng được gì, toàn ăn cơm với cá khô, ai cũng ngán và xót ruột. Đơn vị phải cử người lên bản của người Mông xin những quả bí già về lấy hạt, phơi khô, ngâm nước ấm, gieo hạt thành cây con và chăm trồng, 3 - 4 tháng sau mới có quả để nấu canh, xào ăn... Ăn thì toàn gạo nếp, chỉ khi nào ốm mới được bát cơm tẻ. Đã vậy còn phải chịu đựng gió Lào, muỗi, ong, sốt rét, mưa lũ và sau này là bom Mỹ nữa. Vừa đói vừa nản nhưng phải bảo ban nhau: Đã đồng ý lên đây rồi, bỏ về là đào ngũ, nhục lắm!"…
Ông Nông Thanh Xuân, đội 8B, xã Thanh Yên, H.Điện Biên
Ký ức ‘khoét núi, ngủ hầm’ và khối bộc phá ngàn cân trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Bình luận (0)