Bên cạnh đó, vấn đề nước thải sinh hoạt tại nhiều đô thị, khu dân cư, chưa được xử lý; vấn đề rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp chưa được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường; biểu hiện ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông, chất lượng nước suy thoái rất rõ ràng. Trong khi đó, việc xử lý, cải tạo, phục hồi chậm, kém hiệu quả dẫn đến ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, diện tích hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy thoái nhanh.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng năm qua, vấn đề ô nhiễm môi trường đã vượt quá ngưỡng chịu đựng, đặc biệt là thảm họa ô nhiễm biển miền Trung do Formosa gây ra, hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Trong năm 2017, Bộ TN-MT sẽ tập trung thanh kiểm tra các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, sẽ rà soát, cập nhật, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, phân định rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường ở các cấp, từng địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh với trường hợp của Formosa, phải kiểm soát chặt chẽ về đầu tư công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý thải cũng như công tác quản lý môi trường của doanh nghiệp này. “Formosa phải đáp ứng đủ điều kiện mới cho phép vận hành sản xuất. Không chỉ riêng Formosa, ngành TN-MT phải siết chặt quản lý các cơ sở sản xuất trên cả nước có nguồn xả thải ra môi trường, đặc biệt là xả thải vào nguồn nước, các cơ sở xử lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại. Đơn vị nào vi phạm phải kiên quyết xử lý nghiêm để bảo vệ môi trường, không để xảy ra sự cố môi trường Formosa thứ 2. Kiên quyết không cho đầu tư xây dựng các dự án không đảm bảo các yêu cầu về xử lý môi trường”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Bình luận (0)