Vùng kinh tế trọng điểm bị áp lực ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường

23/12/2016 19:07 GMT+7

Hạ tầng quá tải, kết nối yếu kém, ô nhiễm môi trường, nguồn nước… là một số bất cập và nguy cơ được đại điện chính quyền các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các chuyên gia kinh tế đưa ra tại hội thảo 'Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam' diễn ra hôm nay 23.12 tại TP.HCM.

Mức tăng trưởng của vùng cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước hơn 1,5 lần, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp hình thành, giải quyết công ăn việc làm hằng năm khoảng 500.000 lao động… tuy nhiên, sau hơn 16 năm triển khai, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) đang đối diện nhiều bất cập lẫn nguy cơ.
Nguy cơ và bất cập
Trong 8 tỉnh thành thuộc vùng KTTĐPN, TP.HCM được đánh giá là đầu tàu của vùng, chiếm khoảng 60% tổng GDP toàn vùng. Ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Dương cho rằng ngoài gia tăng dân số, phát triển nhanh chóng các ngành nghề sản xuất, hiện vùng KTTĐPN đang phát sinh ô nhiễm môi trường. “Vấn đề này đang ngày càng phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý và xử lý bởi nó liên quan đến nhiều địa phương”, ông Danh nhấn mạnh.
Lấy ví dụ, ô nhiễm sông Đồng Nai, theo đại diện Sở TN-MT tỉnh Bình Dương, hiện đang có chiều hướng gia tăng bởi hoạt động xả nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt từ các cơ sở sản xuất và khu dân cư. Thứ nữa, chất thải rắn sinh hoạt từ hoạt động sống của đô thị và chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Trong khi dòng sông này đang “liên quan, ảnh hưởng” đến đời sống của hàng triệu người dân thuộc 4 địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu. Tại hội thảo, đại diện Sở TN-MT Bình Dương cũng công bố một vài chỉ số cho thấy mức độ ô nhiễm môi trường phía hạ lưu ngày càng tăng. Hiện mỗi ngày, có khoảng 1,73 triệu m3 nước thải sinh hoạt từ các khu vực lân cận và 1,54 triệu m3 nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp đổ ra sông Đồng Nai.
Liên quan đến hạ tầng giao thông vùng, tại hội thảo, đại diện UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng cho rằng nên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung kết nối tuyến đường sắt đô thị (metro) từ TP.HCM không chỉ đến Long Thành mà có thể kéo dài đến Vũng Tàu để tạo liên kết giao thông vùng tiện lợi hơn.
PGS-TS Đinh Phi Hổ, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng sau thời gian dài triển khai, liên kết vùng chưa là “tài sản chung” của vùng, các địa phương vẫn triển khai rời rạc, mạnh ai nấy làm. “Đặc biệt, nếu coi TP.HCM là đầu tàu của vùng thì mối liên kết này chưa tạo thành hệ thống, kết dính và tạo động lực cho TP.HCM phát huy hết tiềm lực, tiềm năng sẵn có”, PGS-TS Đinh Phi Hổ nhận xét. Từ đó, ông Đinh Phi Hổ đề xuất: “Ban chỉ đạo vùng phải là hệ thống cơ quan có chức năng quản lý, điều tiết, tổ chức các hoạt động phát triển của vùng. Phải có hội đồng vùng, cơ chế vận hành, nguồn tài chính… và hội đồng vùng này dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng chính phủ”.
Kiến nghị lập quỹ phát triển vùng
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo cũng thừa nhận việc kết nối giao thông vùng chưa chặt chẽ. Liên quan đến những “điểm nghẽn” về giao thông, sắp tới, các địa phương sẽ tăng cường họp bàn giải pháp kết nối giao thông các tỉnh trong vùng hiệu quả nhất.
Từ những bất cập trên, các địa phương vùng KTTĐPN, trong đó TP.HCM là đầu tàu, sẽ gửi kiến nghị lên Chính phủ và các bộ ngành ban hành cơ chế rõ ràng, phân cấp quản lý nhà nước giữa trung ương và các địa phương. Cụ thể, vấn đề về chuyển giao ngân sách, vay nợ chính quyền địa phương, quy hoạch sử dụng đất toàn vùng, liên kết giao thông đường bộ, đường thủy vùng. Theo đó, kiến nghị Chính phủ việc chuyển giao ngân sách giữa trung ương và các địa phương bằng xác định mức bổ sung cho các địa phương từ tổng nguồn ngân sách phải cân bằng, không làm mất quyền chủ động của địa phương và thu hẹp chênh lệch nguồn thu và nhu cầu chi.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng nên có một quỹ phát triển vùng KTTĐPN để triển khai các dự án quy mô lớn, mang tính chất liên vùng, liên tỉnh. Quỹ được hình thành từ những nguồn ngân sách trung ương và các địa phương trong vùng, nhằm hỗ trợ kỹ thuật, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các trung tâm công nghệ, đào tạo nhân lực, xử lý môi trường... Từ đó, lãnh đạo TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các tỉnh, thành phố trong vùng xây dựng cơ chế tài chính ngân sách, tạo nguồn thu để xây dựng, phát triển đô thị TP.HCM thành một trung tâm tài chính cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng Chính phủ nên xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí các địa phương vùng biên thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, thương mại và dịch vụ tại các khu kinh tế cửa khẩu. Mục đích hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua Campuchia và các nước Đông Nam Á.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.