Lặng lẽ... gây bệnh, ký sinh trùng là nguyên nhân của nhiều tình huống rắc rối về sức khỏe. Các triệu chứng bệnh lý gan, mật; các biểu hiện của bệnh lý về thần kinh, tình trạng thiếu máu, thiếu vi chất do ký sinh trùng là phổ biến.
|
Tại các bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội (TP.Hà Nội) vẫn tiếp nhận các ca bệnh lý về gan, thậm chí có trường hợp từng bị chẩn đoán là u gan nhưng thực chất lại là các ổ sán ký sinh. Có bệnh nhân vào bệnh viện phẫu thuật u dạ dày, nhưng khi mở ra là khối u sán.
Theo Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng T.Ư, giun lây truyền qua đất vẫn chiếm khá lớn trong trẻ nhỏ, cao nhất là lứa tuổi tiểu học. Tại các địa phương, tỷ lệ này lên đến 70 - 80%; ngay tại TP lớn như Hà Nội, tỷ lệ này chiếm khoảng 20%. Tình trạng nhiều trẻ nhiễm giun đũa (ký sinh trong đường ruột) cho thấy chưa đảm bảo vệ sinh cá nhân. Riêng với lứa tuổi nhỏ hơn 12 - 24 tháng tuổi, có đến khoảng 20% nhiễm giun.
Thạc sĩ Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng T.Ư, cho biết phổ biến nhất trong cộng đồng hiện nay là nhiễm giun lây truyền qua đất. Đó là các loại giun đũa, giun tóc, giun móc. Nhiễm cao nhất là ở trẻ 24 - 60 tháng tuổi, học sinh tiểu học, phụ nữ tuổi sinh sản. Trứng của các loại giun này có trong đất, bám vào thức ăn, nhiễm nguồn nước theo đó đi vào cơ thể. Bàn tay bẩn cũng là một đường “vận chuyển” hết sức thuận lợi để ấu trùng giun xâm nhập.
Giun móc rất nguy hiểm bởi chúng cư trú trong tá tràng, ruột non hút máu. Một ngày 1 con giun móc có thể tiêu thụ đến 0,2 mml máu. Nguy hơn nữa, trong quá trình hút máu, chúng tiết ra chất gây giảm quá trình đông máu, khiến cho máu đường ruột rò rỉ và mỗi ngày cơ thể lại thất thoát thêm khoảng 0,02 mml. Người nhiễm phải giun móc lâu ngày có thể suy nhược vì mất máu, mất dưỡng chất vi chất.
Giun đũa, loài ký sinh cũng ưa thích sống trong ruột non, gây nên những phiền toái vì chúng có thể “ngao du” đây đó trong cơ thể, gây tắc mật khi chui vào đường mật. Chúng tiêu thụ kha khá dưỡng chất và có thể khiến cho trẻ nhỏ thiếu hụt vi chất.
Rửa tay thật sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, là thói quen cần được duy trì, giúp ngăn chặn đáng kể trứng giun xâm nhập, ngăn chặn các ký sinh gây hại. Cần định kỳ tẩy giun 6 tháng một lần.
Nhiều thực phẩm đã trở thành “cơ hội lý tưởng” cho ký sinh trùng xâm nhập. Tiết canh, thịt tái, gỏi cá, nem thính, nem chua, rau sống, rau thủy canh là những món ăn thông dụng, nhưng cũng chứa nhiều nguy cơ nhiễm ấu trùng sán. Sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ là ký sinh thường gặp với các trường hợp nhập viện điều trị các bệnh do ký sinh trùng.
Loại ký sinh thích cư trú ở gan người là sán lá gan lớn. Chúng gây nên các ổ tổn thương, gây đau bụng vùng gan, gan to, giảm chức năng gan. Ấu trùng sán lá gan lớn khi phát tán ra môi trường qua chất thải sẽ bám rất chặt vào các thực vật thủy sinh như: cải xoong, rau cần, rau muống thả bè, ngổ. “Chỉ rửa nước thông thường thì không thể đánh bật được chúng. Cần nấu chín, luộc sôi để đảm bảo tiêu diệt ấu trùng”, thạc sĩ Đỗ Trung Dũng lưu ý.
Người thích ăn món gỏi cá đồng sẽ có nguy cơ cao nhiễm sán lá gan nhỏ. Ấu trùng của loại sán này sẵn có trong một số loài cá nước ngọt. Khi vào cơ thể người, chúng rất thích sống ở đường mật trong gan. “Cư dân” này khiến người nhiễm bị đau bụng, vàng da, mệt mỏi, sốt nhẹ, sụt cân; lâu dài có thể gây viêm và ung thư đường mật.
Người ta cũng có thể nhiễm ấu trùng sán dây lợn nếu ăn thịt lợn chưa được nấu chín. Ấu trùng này có thể đi khắp nơi trong cơ thể người, tạo nên các nang sán dưới da ở phần cơ: tay, chân, bụng, ngực, lưng. Chúng đặc biệt thích nghi ở não, gây các triệu chứng thần kinh: liệt, động kinh, co giật, nói ngọng, nhìn mờ.
Thạc sĩ Đỗ Trung Dũng khuyến cáo, cần nấu chín thịt lợn, bò, dê, cừu; vệ sinh cá nhân sạch sẽ để giảm thấp nhất nguy cơ nhiễm ký sinh.
Liên Châu
>> Nguy kịch vì nhiễm giun chó
>> 60 triệu người Việt Nam nhiễm giun
>> Bệnh lạ sau khi ăn thịt trăn là do nhiễm giun móc
>> Ăn thực phẩm sống, nhiễm giun
>> Nhiễm giun chó có thể tự ổn định
>> 60 triệu người VN nhiễm giun sán
Bình luận (0)