Ô tô điện Trung Quốc: 'Trăm hoa đua nở' nhưng mùa xuân có đến?

30/04/2024 06:01 GMT+7

Đang bùng nổ đến mức không tưởng tượng, nhưng ô tô điện của Trung Quốc liệu sẽ gặt hái thành công hay ẩn chứa rủi ro?

Những ngày cuối tháng 4, ngành ô tô toàn cầu đều hướng mắt về Beijing International Automotive Exhibition (Triển lãm ô tô quốc tế Bắc Kinh). Ở đó, các thương hiệu ô tô điện (EV) của Trung Quốc xuất hiện nổi trội cả về số lượng cũng như độ phong phú.

Bùng nổ khó tin

Trong đó, theo tờ Nikkei Asia, gian hàng của nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi thường xuyên chật cứng, trái ngược với cảnh "quạnh hiu" của gian hàng Nissan Motor nằm ngay bên cạnh. Vào tháng 3 vừa qua, Xiaomi chính thức gia nhập thị trường EV với các dòng xe có giá rẻ hơn Tesla. Phát biểu tại triển lãm, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Xiaomi Lôi Quân tiết lộ hãng này đã có 75.723 xe được đặt hàng trước.

Khách hàng xem ô tô điện của Xiaomi tại Beijing International Automotive Exhibition ngày 25.4

Khách hàng xem ô tô điện của Xiaomi tại Beijing International Automotive Exhibition ngày 25.4

Reuters

Hiện nay, không chỉ các tên tuổi vốn có như BYD, Geely, GAC, Cherry…, thị trường EV của Trung Quốc còn xuất hiện thêm những ông lớn công nghệ lấn sân. Bên cạnh Xiaomi, Huawei cũng đang hợp tác để sản xuất EV. Hay thậm chí, những hãng xe từng phá sản như Zhido (phá sản năm 2019) thì nay cũng quay lại đường đua khi giới thiệu mẫu EV mang tên Caihong (Cầu Vồng) tại Triển lãm ô tô quốc tế Bắc Kinh với giá bán chỉ 4.400 USD (chưa đến 120 triệu đồng). Theo tờ The Walls Street Journal, Zhido có thể quay trở lại là nhờ vào sự rót vốn của một số quỹ đầu tư được hậu thuẫn bởi nhà nước, và cả các nguồn quỹ tư nhân. Tờ báo dẫn lời một chuyên gia ngành EV Trung Quốc cho biết trong năm 2023, có đến 123 hãng EV của nước này đã bán xe ra thị trường.

Trợ cấp khổng lồ từ chính phủ

Động lực quan trọng để thúc đẩy sự bùng nổ của các hãng EV Trung Quốc hiện nay đến từ chính phủ nước này.

Phát biểu hồi năm ngoái, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc, yêu cầu các lãnh đạo địa phương phải thúc đẩy "lực lượng sản xuất mới" - khái niệm thông dụng trong giới chính sách Trung Quốc về các ngành nghề tạo giá trị cao. Từ đường lối của trung ương, các chính quyền địa phương của Trung Quốc đã không ngần ngại hỗ trợ nhà sản xuất ô tô địa phương, tập trung vào mảng EV.

Theo một báo cáo được công bố bởi Viện Kinh tế thế giới Kiel (Đức) mới đây, sự hỗ trợ của chính phủ dành cho ngành này bao gồm các khoản vay dưới lãi suất thị trường, thép và pin chiết khấu dành cho các nhà sản xuất ô tô.

Ước tính, từ năm 2009 - 2022, Trung Quốc đã chi khoảng 173 tỉ USD trợ cấp để hỗ trợ lĩnh vực xe sử dụng năng lượng mới, gồm xe thuần điện và xe hybrid. Trong đó, báo cáo trên còn trích dẫn từ chính báo cáo thường niên của BYD cho hay hãng xe này đã nhận hỗ trợ từ chính phủ lên đến 3,5 tỉ USD trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022.

Thực tế, các nhà sản xuất EV Trung Quốc có thể đạt được chi phí thấp nhờ mạng lưới mua sắm pin tập trung ở nước này. Theo một báo cáo mới đây của Công ty tư vấn SNE Research (Hàn Quốc), năm 2023, các công ty Trung Quốc chiếm 6 trong số 10 nhà sản xuất pin hàng đầu về lượng pin lắp đặt cho ô tô. Khoảng 80% vật liệu làm cực âm - thành phần cốt lõi của pin - được sản xuất tại Trung Quốc.

Theo tờ Nikkei Asia, pin chiếm 30 - 40% chi phí sản xuất xe điện. Trong khi đó, giá pin trung bình ở Trung Quốc bằng khoảng 80% giá pin ở châu Âu và Mỹ. Thép và thành phần khác cũng có thể được mua với chi phí thấp, và chính phủ đã hào phóng cung cấp các khoản trợ cấp lớn và hỗ trợ khác cho nghiên cứu, phát triển cũng như xây dựng nhà máy.

Trung Quốc kiện Mỹ ra WTO về trợ cấp xe điện

Nguy cơ khủng hoảng thừa và điểm đến Đông Nam Á

Tuy nhiên, sự bùng nổ của EV Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng thừa. Cụ thể, theo truyền thông Trung Quốc, năng lực sản xuất xe năng lượng mới (phần lớn là EV) của nước này vào năm 2025 dự kiến sẽ đạt hơn 36 triệu xe (dựa trên kế hoạch của các hãng ô tô và chính quyền địa phương cộng lại). Nhưng doanh số dự kiến cùng năm chỉ đạt khoảng 17 triệu xe, tức công suất dư gần 20 triệu chiếc.

Truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin rằng sản lượng của các hãng EV nước ngoài trong năm ngoái ước tính đạt khoảng 50% so với công suất sản xuất. Con số này thấp hơn nhiều so với điểm hòa vốn trung bình của ngành ô tô thế giới là phải đạt hiệu suất sản lượng là 80%. Thực tế, thống kê của chính phủ Trung Quốc cũng chỉ ra rằng trong 2 tháng đầu năm 2024, tỷ suất lợi nhuận của tổng thể ngành ô tô nước này đạt 4,3%, thấp hơn nhiều so với mức 8,7% vào năm 2015. Cùng thời điểm, doanh số EV chiếm 33% trong tổng số xe bán ra tại Trung Quốc.

Thực tế, ngay tại thị trường nội địa, các hãng EV Trung Quốc bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các đối thủ nước ngoài. Sức cạnh tranh đặc biệt giảm đi khi chính quyền rút dần các hỗ trợ. Năm ngoái, tại Trung Quốc, việc Tesla giảm giá khiến BYD, Geely… đều gặp khó khăn khi chính phủ có dấu hiệu giảm bớt hỗ trợ cho người mua EV.

Trong bối cảnh đó, xuất khẩu ra thế giới đóng vai trò cho ngành EV Trung Quốc. Thế nhưng, thực tế thì giá bán của EV Trung Quốc tại Mỹ và nhiều nước châu Âu cao gấp 2 - 3 lần so với giá bán tại thị trường Trung Quốc, theo Reuters. Nguyên do chi phí bán hàng quốc tế cùng những rào cản về chính sách thuế, bởi chính phủ nhiều nước bắt đầu vào cuộc áp dụng biện pháp phòng vệ do Trung Quốc được cho là đã hỗ trợ quá mức đối với ngành EV nước này, dẫn đến những cạnh tranh không lành mạnh.

Chính vì thế, thị trường Đông Nam Á được dự báo trở thành mục tiêu để các hãng xe Trung Quốc đổ bộ mạnh mẽ trong thời gian tới. 

Trung Quốc đổi cấu trúc kinh tế, nhiều nước bị tác động

Mới đây, Công ty phân tích Moody's, thuộc Tập đoàn Moody's - một trong 3 đơn vị đánh giá tín nhiệm tín dụng hàng đầu thế giới, đã đưa ra đánh giá về mức độ ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc đối với các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APAC).

Theo đó, việc Trung Quốc tập trung vào các "lực lượng sản xuất mới" đã thay đổi cấu trúc kinh tế nước này, khiến ngành bất động sản không còn là động lực quan trọng. Vì thế, những nước như Úc vốn xuất khẩu nhiều khoáng sản sang Trung Quốc, với nhiều loại vật liệu được dùng trong xây dựng, sẽ bị suy giảm về doanh số. Bên cạnh đó, những hãng xe đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ càng khó bán hàng vào Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.