Tác động từ Nghị định 116/2017 được Chính phủ ban hành quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư 03/2018 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang tạo ra những thay đổi trên thị trường ô tô Việt Nam. Hoạt động nhập khẩu bị nhưng trệ kể từ đầu năm, khiến một số dòng xe nhập cạn kiệt nguồn cung. Trong khi xe lắp ráp tiếp tục lấn át trên thị trường về lượng tiêu thụ, bằng những bước đi đầy toan tính của các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước.
|
Nhiều ô tô nhập không còn để bán
Tính đến thời điểm hiện tại, một số mẫu ô tô nhập khẩu trên thị trường đã “giương cờ trăng” trong cuộc đua doanh số, khi nguồn cung cạn kiệt. Trong đó, chủ yếu là các mẫu xe được nhập từ các nước trong khu vực ASEAN.
Từ vị thế của môt ông hoàng trong phân khúc bán tải, Ford Ranger đang đối diện với nguy cơ bị soán ngôi, khi nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, khiến lượng tiêu thụ giảm mạnh. Trước đây, doanh số bán của mẫu bán tải này luôn đạt mức trên 1.000 xe mỗi tháng, nhưng hiện tại Ford Ranger đang lao dốc khi chỉ đạt 73 xe bán ra trong tháng 4.2018. Theo Giám đốc bán hàng của một đại lý Ford khu vực TP.HCM, tính từ cuối tháng 3.2018 đến nay nhiều khách hàng hỏi mua các phiên bản Ranger nhưng đại lý không còn xe để giao. Nguồn hàng dự trữ từ cuối năm ngoái đã hết sau khi đáp ứng nhu cầu khách hàng trong giai đoạn đầu năm. Hiện tại, một số đại lý khác của Ford chỉ còn lại vài xe Ranger nhưng không thấm vào đâu so với nhu cầu thị trường hiện nay.
|
Tương tự như Ford Ranger nhiều mẫu xe nhập khẩu của Toyota hiện tại cũng không có để bán. Trong đó, Fortuner - mẫu SUV 7 chỗ được Toyota chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia, đã cạn kiệt nguồn cung. Suốt 3 tháng qua, Toyota Fortuner không còn góp mặt trong nhóm ô tô bán chạy nhất thị trường. Trong khi đó theo nhân viên bán hàng của các đại lý Toyota tại TP.HCM, bên cạnh Fortuner, mẫu Yaris nhập Thái Lan hay Alphard, Land Cruiser nhập từ Nhật Bản cũng đã hết xe.
Tình hình xe nhập của Honda dù đã khả quan hơn khi sau khi thông quan hơn 2.000 chiếc CR-V, Jazz, Accord và Civic, tuy nhiên riêng mẫu MPV Odyssey nhập từ Nhật Bản vẫn khan hàng, một số đại lý không còn xe để bán. Trong khi đó, khách hàng yêu thích dòng Chevrolet Trax đành phải chờ đợi hoặc chuyển sang lựa chọn khác, sau khi GM Việt Nam thông báo tạm ngưng nhập mẫu xe này từ Hàn Quốc, do vẫn vướng mắc về thủ tục cũng như nguồn cung từ nhà máy.
|
Hiện tại, đã có khoảng 10 hãng xe được chấp thuận Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô (VTA). Tuy nhiên, các mẫu mã xe hưởng thuế nhập khẩu 0% từ ASEAN bán ra thị trường VN hiện nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Theo đại diện Toyota Việt Nam, phải đến đầu tháng 6, hoạt động nhập khẩu các mẫu xe của hãng từ Indonesia, Thái Lan mới được khai thông trở lại. Trong khi đó, khách hàng muốn mua những dòng xe nhập của Ford, Mitsubishi… phải chờ đợi ít nhất từ 2 - 3 tháng nữa.
Xe lắp ráp cắt giảm trang bị, hạ giá bán
Trong bối cảnh ô tô nhập khẩu đang thất thế do không đáp ứng đủ nguồn cung, các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước tiếp tục có những bước đi chiến lược về sản phẩm, nhằm gia tăng thị phần đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh về giá bán.
Tin liên quan
Ô tô khan hàng giữ giá bán, thị trường ‘án binh bất động’Ô tô nhập khẩu rơi vào cảnh khan hàng, xe lắp ráp trong nước giữ giá bán... trong khi người tiêu dùng mang tâm lý chờ đợi, khiến thị trường ô tô tháng 4.2018 vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Không còn dàn trải chi phí đầu tư cho tất cả các dòng xe như trước đây, một số DN đang có xu hướng rút gọn danh mục sản phẩm, tập trung gia tăng sức hút cho các dòng ô tô lắp ráp trong nước vốn được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong đó, phổ biến nhất là việc tung ra các phiên bản mới, cắt giảm trang bị, tính năng nhằm tạo ra mức giá bán hấp dẫn để mở rộng nhóm khách hàng mục tiêu.
Trường Hải (THACO) mới đây đã ngưng phân phối các phiên bản nhập khẩu của Kia Cerato bao gồm bản Koup và Hatchback để tập trung cho những phiên bản lắp ráp trong nước của mẫu sedan hạng C này. Cụ thể, THACO vừa tung ra thị trường phiên bản KIA Cerato 1.6 SMT với giá bán chỉ ở mức 499 triệu đồng. So với phiên bản 1.6 MT trước đó, bản Cerato 1.6 SMT có mức giá thấp hơn 31 triệu đồng.
|
Điều này, không chỉ giúp KIA Cerato 1.6 SMT trở thành mẫu xe có giá bán hấp dẫn nhất phân khúc sedan hạng C, mà còn tạo lợi thế cạnh tranh về giá với những mẫu sedan hạng B trên thị trường.
Ford Việt Nam sau một thời gian thất thế trong phân khúc xe nhập cũng tập trung sức lực vào các sản phẩm lắp ráp trong nước. Sau khi nâng cấp mẫu EcoSport, thương hiệu xe Mỹ tiếp tục bổ sung phiên bản EcoSport Ambiente 1.5 MT cho mẫu SUV thành thị này với mức giá chỉ 545 triệu đồng. Tuy nhiên, việc tạo lợi thế về giá để mở rộng nhóm khách hàng khiến phiên bản này “thiếu vắng” một số trang bị, tính năng. Cụ thể, EcoSport Ambiente 1.5 MT không có nẹp kính viền crôm, không có lưới tản nhiệt tự đóng/mở, mâm sắt 16 inch thay vì mâm đúc 17 inch như các phiên bản khác… Bên trong, phiên bản xe sẽ chỉ có đầu đọc thẻ, kết nối FM/AM Radio và AUX chứ không được trang bị hệ thống SYNC3.
|
Không chỉ những dòng ô tô phổ thông như KIA Cerato hay Ford EcoSport… ngay cả dòng Crossover hạng sang như Mercedes-Benz GLC lắp ráp tại VN cũng được bổ sung thêm phiên bản mới theo hướng cắt trang bị, tính năng để hạ giá bán. Phiên bản GLC 200 được Mercedes-Benz tung ra thị trường VN có giá bán thấp hơn gần 200 triệu đồng so với bản GLC 250 trước đây.
Tuy nhiên, GLC 200 sẽ chỉ được trang bị đèn pha Full LED chứ không phải là loại đèn pha LED thông minh, mâm xe 18 inch đi kèm loại thường lốp thường và không có hệ thống dẫn động 4 bánh toàn thời 4Matic cũng như một số trang bị khác trong khoang nội thất…
|
Xu hướng tập trung sức lực vào “ô tô nội” của các DN, phần nào cho thấy nỗ lực trong việc đẩy mạnh việc đẩy mạnh sản xuất lắp ráp trong nước, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh khi xe nhập khẩu tràn vào VN. Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 4.2018, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 8% trong khi xe nhập khẩu giảm 47% so với cùng kì năm ngoái.
Bình luận (0)