Ô tô Trung Quốc ồ ạt vào Đông Nam Á, quyết giành thị phần xe Nhật

Hoàng Cường
Hoàng Cường
20/04/2020 17:32 GMT+7

Các hãng ô tô Trung Quốc đang ồ ạt đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại các nước thuộc khu vực Đông Nam Á nhằm hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh, giành thị phần xe Nhật.

Thị trường ô tô Đông Nam Á vốn nhiều tiềm năng phát triển đang chứng kiến màn đổ bộ ồ ạt của các hãng xe Trung Quốc.
Bên cạnh việc tích cực tìm kiếm đối tác lập liên doanh, mở rộng hệ thống đại lý phân phối sản phẩm. Các hãng xe Trung Quốc đang tận dụng chính sách thu hút đầu tư ở một số nước Đông Nam Á để thành lập nhà máy sản xuất, qua đó có thể hạ giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh với xe Nhật vốn đang chiếm lĩnh gần 70% thị phần.
Sau Thái Lan, Indonesia... một số hãng xe Trung Quốc đang chuyển hướng đầu từ vào Myanmar – thị trường ô tô đang có tốc độ tăng trưởng nhanh trong khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu từ Hiệp hội ô tô Myanmar, trong giai đoạn từ năm 2016 – 2019, lượng ô tô tiêu thụ tại quốc gia này đã tăng 5 lần, đạt mốc gần 22.000 xe và vẫn đang trên đà tăng trưởng.

Ô tô Trung Quốc chiếm khoảng 10% thị phần Myanmar

Ảnh: Nikkei Asian

Con số này chưa bao gồm các doanh số bán các mẫu xe Trung Quốc vì không thuộc thành viên Hiệp hội. Tuy nhiên, theo Nikkei Asian ước tính, bình quân mỗi năm các hãng ô tô Trung Quốc bán khoảng 2.000 - 3.000 xe tại Myanmar, tương đương khoảng 10% thị phần và đang có xu hướng tăng nhanh.
Trong bối cảnh thị trường nội địa đang có dấu hiệu sụt giảm, các hãng xe Trung Quốc đang tìm cách mở rộng thị trường. Trong đó, khu vực Đông Nam Á gồm các thị trường đang phát triển như Myanmar, Indonesia hay Việt Nam là mục tiêu hướng đến của các hãng xe Trung Quốc.
Tại Myanmar, từ năm 2011 Chính phủ nước này bắt đầu áp dụng chính sách mở cửa nền kinh tế thu hút đầu tư. Đầu năm 2018, Chính phủ Myanmar đã cấm nhập khẩu xe đã qua sử dụng và thúc đẩy sản xuất ô tô trong nước nhằm thu hút các nhà sản xuất ô tô nước ngoài. Để khuyến khích đầu tư, Chính phủ Myanmar đã áp dụng chính sách miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước. Chính điều này đã mở ra cơ hội cho các hãng xe Trung Quốc.

GAC cùng đối tác liên doanh lên kế hoạch sản xuất xe tại Myanmar vào năm 2021

Ảnh: Nikkei Asian

Soueast Motor có trụ sở tại Phúc Kiến đang được xem là một trong những thương hiệu ô tô Trung Quốc đang “ăn nên làm ra” tại Myanmar. Theo Soe Thant Zaw, Giám đốc điều hành Dagon Arr Mahn Thit - Công ty địa chuyên sản xuất phân phối xe Soueast, công ty của ông đã bán được hơn 1.500 xe vào năm ngoái và 500 xe sau 3 tháng đầu năm 2020.
"Chất lượng ô tô Trung Quốc đã được cải thiện rất nhiều trong 5 năm qua. Họ có thể cạnh tranh với xe hơi Nhật Bản, vốn đang thống trị thị trường” - Soe Thant Zaw chia sẻ. Đầu năm 2019, Soueast Motor cùng đối tác liên doanh tại Myanmar đã mở một nhà máy sản xuất ở Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar. Soueast Auto hiện đang có 8 đại lý phân phối và dịch vụ sau bán hàng tại Myanmar.
Không chỉ một mình Soueast Motor, vào cuối tháng 2 vừa qua, Tập đoàn ô tô Quảng Châu của Trung Quốc và Brilliance Auto đã tham gia Triển lãm ô tô quốc tế Yangon lần thứ hai. Trước đó, Brilliance đã xây dựng nhà máy ở Yangon và bắt đầu sản xuất mẫu SUV vào tháng 6.2019. Mẫu xe này lập tức tạo được sức hút, đặc biệt với nhóm khách hàng trẻ tại Myanmar.

Brilliance đã xây dựng nhà máy ở Yangon và bắt đầu sản xuất mẫu SUV vào tháng 6.2019

LS Automotive, nhà phân phối độc quyền cho hãng xe Trung Quốc - GAC tại Myanmar từ năm 2016, cũng công bố kế hoạch bắt đầu sản xuất tại địa phương vào năm 2021. Trước đó, vào tháng 8.2019, Shining Star Group - Tập đoàn có trụ sở tại Vân Nam, cũng đã mở một nhà máy lắp ráp xe khách Changhe và Chery gần Mandalay - thành phố lớn thứ hai của Myanmar.
"Trước đây, người dân ở Myanmar chỉ biết đến Toyota. Nhưng thế hệ trẻ - những người ở độ tuổi 30 - 40 đang rất hứng thú với những chiếc xe mới. Họ không quan tâm đến thương hiệu, chỉ chú ý đến chức năng, giá thành”. - Soe Thant Zaw giải thích thêm.
Tuy nhiên, không chỉ tại Myanmar, ô tô Trung Quốc đang quyết tâm giành thị phần từ tay các hãng xe Nhật Bản khi sẵn sàng đầu tư vào những công xưởng, thị trường hàng đầu ở Đông Nam Á.

Brilliance V7 có giá bán công bố 738 triệu đồng tại Việt Nam

Vào năm 2016, SAIC-CP Motor, liên doanh giữa Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC) với tập đoàn Charoen Pokphand của Thái Lan đã xây dựng một nhà máy tại tỉnh Chonburi, Thái Lan. Với công suất lên tới 200.000 xe/năm, đây được xem là một trong những nhà máy lớn nhất của hãng xe Trung Quốc ở nước ngoài.
Tại Indonesia, SAIC và General Motors (GM) đã cùng đầu tư xây dựng một nhà máy trị giá 700 triệu USD với công suất lắp ráp 150.000 xe mang thương hiệu Wuling mỗi năm. SAIC có thế mạnh trong việc quảng bá các mẫu xe giá rẻ. MG3, mẫu xe hiện chiếm 70% doanh số của hãng, có giá rẻ hơn 20% so với đối thủ Toyota Vios. Ngoài ra một số mẫu xe khác của hãng đang có tốc độ tăng trưởng doanh số khá ấn tượng tại Indonesia.
Trong khi đó, tại Việt Nam “làn sóng” ô tô Trung Quốc cũng đang trở lại. Mới đây, một DN kinh doanh ô tô tại Việt Nam đã nhập khẩu, phân phối mẫu xe Brilliance V7 có giá bán công bố 738 triệu đồng. Ở phân phúc Crossover cỡ C, mẫu Dongfeng T5 cũng vừa gia nhập thị trường và hướng đến việc cạnh tranh với các đối thủ xe Nhật.
Đáng chú ý, Tập đoàn Tan Chong Motor (Malaysia) có nhà máy ô tô tại Đà Nẵng được cho là đang lên kế hoạch lắp ráp các mẫu xe mang thương hiệu MG. Đây là thương hiệu ô tô của Anh nhưng thuộc quyền quản lý của tập đoàn SAIC Motor (Trung Quốc). Ngoài Tan Chong Motor, tập đoàn Dong Feng cũng có dự định đầu tư dự án sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Theo tính toán, khi chuyển sang sản xuất lắp ráp tại các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, giá xe Trung Quốc sẽ giảm trung bình từ 25-30% so với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Điều này thật sự là một thách thức đối với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, khi giá bán luôn là một lợi thế lớn giúp ô tô Trung Quốc tạo sức hấp dẫn với người tiêu dùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.