Quán ốc của vợ chồng bà Hàn Tuyết Khánh nằm nép mình trong con phố ẩm thực Tống Duy Tân. Với thâm niên bán ốc gần 30 năm, "Ốc bà câm" đã có tiếng trong giới mê ăn ốc đất Hà thành.
Điều khiến quán ốc của bà Khánh trở nên đặc biệt là từ chủ đến nhân viên đều là người khiếm thính. Cũng bởi lý do này mà quán ốc của bà Khánh được người dân xung quanh gọi với cái tên thân thuộc là "Ốc bà câm".
|
Khách ghé quán, muốn ăn hay gọi món gì đều có thể giao tiếp với chủ quán bằng... tay chân. Điều đặc biệt là quán không có menu (thực đơn), thay vào đó là những đĩa ốc mít, ốc vặn, ngao, nem chua, hoa quả dầm... được xếp ngay ngắn trên một khay nhỏ. Khách muốn ăn món gì chỉ cần chỉ vào bát đó và ra hiệu số bằng ngón tay. Ấy vậy mà, mọi việc vẫn diễn ra nhịp nhàng, khách ra vào tấp nập, thậm chí, những lúc đông, muốn có chỗ ngồi, khách phải xếp hàng đứng chờ.
Ngày nào cũng vậy, Bà Khánh đều dậy từ 6 giờ sáng ra chợ Đồng Xuân mua ốc. Từng con ốc được bà Khánh chọn rất kỹ để đảm bảo ốc ngon và béo. Món ăn nhìn qua tưởng như đơn giản, nhưng để làm ra món ốc khiến thực khách mê mẩn lại vô cùng công phu, cầu kỳ. Ốc cần được làm vệ sinh, đem về ngâm cho thôi bùn đất bằng nước vo gạo rồi mới cho vào nồi nước.
Muốn có một bát ốc thơm nồng, bà Khánh phải bỏ thêm vài lá chanh hay lá bưởi, lót bên dưới và bên trên miệng nồi chút lá và thân cây sả khi luộc. Trước khi đem luộc, bà Khánh luôn trộn ốc với một ít mẻ. Đây là bí quyết giúp át đi mùi tanh của ốc.
Ngoài ốc luộc, những món ăn chơi của bà Khánh cũng rất chất lượng. Ngao tươi rói và sạch sẽ như ốc, nem chua rán rất vừa miệng, chân gà ngâm giấm rất đắt khách mà cũng rẻ, 10 chiếc chỉ 50.000 đồng. Chính vì thế, quán lúc nào cũng đông khách, cả khách bản địa lẫn khách du lịch mến mộ danh tiếng của quán.
|
Diệp Ái Linh (con gái bà Khánh) bộc bạch: " Bố mẹ mình không bị câm điếc bẩm sinh mà là do dùng kháng sinh quá liều gây biến chứng. Khi lấy nhau, ông bà đã phải làm nhiều nghề để mưu sinh. Trước khi mở quán ốc này, mẹ bán miến cua, gánh hàng rong bán ở khu vực phố cổ. Thương những người nghèo khó, cùng cảnh ngộ nên mẹ mình nhận thêm những người khiếm thính về phụ giúp công việc ở quán ốc nhỏ”.
Nguyễn Hoài Anh, một thực khách thường xuyên của quán, chia sẻ : "Ban đầu mình tìm đến quá bởi sự tò mò, nhưng quán đã giữ chân mình bởi món ốc đặc biệt ngon và sự vui vẻ, lạc quan của bà chủ quán khuyết tật".
Người phụ nữ hiền lành ấy đã đem cả tấm lòng của mình vào từng đĩa ốc, đĩa ngao suốt 3 thập kỷ qua, nên điều mà thực khách gần xa lưu luyến, nhớ thương món ốc của bà Khánh không phải chỉ mỗi hương vị, mà còn vì sự ấm áp thân thiện họ nhận được khi bước chân vào quán.
Bình luận (0)