Phú Quốc từng được mệnh danh là “đảo ngọc đất phương Nam”, nơi có biển sạch và giàu tiềm năng hải sản với hơn 1.000 loài, đặc biệt là các loài nhuyễn thể. Trong đó ốc hương được coi là đặc sản quý đang được bà con ngư dân khai thác và nuôi trồng để xuất khẩu.
Nhà nhà nuôi Ốc Hương
Ông Đặng Văn Nhàn ở ấp Đường Đào, xã Dương Tơ, Phú Quốc, người đầu tiên nuôi ốc hương thành công cho biết bà con ở Phú Quốc chỉ mới phát hiện giá trị con ốc hương từ vài năm trở lại đây.
Năm 2007 ông Nhàn đã triển khai nuôi 17 vèo (mùng lưới), thả 2 triệu con giống, rồi dần dần lên 50 vèo, sau mấy vụ đã thu về bạc tỉ. Đến năm 2009 ông lại chuyển sang sản xuất con giống với quy mô lớn để cung cấp cho các hộ nuôi, vì hiện nay hầu hết ngư dân đều mua con giống ở Nha Trang rất tốn kém.
Từ mô hình ăn nên làm ra của ông Nhàn, số hộ ngư dân ở đảo Phú Quốc dần chuyển sang nuôi ốc hương ngày càng đông, nhiều nhất là Hàm Ninh, Gành Dầu, Cửa Cạn... Hiện nay, mặc dù sản phẩm làm ra tiêu thụ rất mạnh trong nội địa, kể cả xuất sang Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc... nhưng đa số các hộ nuôi đều tự phát, đơn lẻ, địa phương chưa quy hoạch xong vùng nuôi và định hướng quy mô nuôi.
Theo các lão ngư Phú Quốc, đặc điểm của ốc hương là nuôi ít tốn thức ăn, mau lớn, ít dịch bệnh, tỉ lệ hao hụt chỉ khoảng 20%. Điều quan trọng là phải tuân thủ nghiêm nhặt các quy trình sản xuất, nhất là môi trường, nhiệt độ và thức ăn, đặc biệt là nguồn nước phải sạch, chỗ nuôi yên tĩnh, ít sóng gió. Thông thường ở môi trường thiên nhiên ốc hương đi từng đôi nhưng khi gặp thức ăn chúng lại họp đàn và bu quanh miếng mồi để rút tỉa. Mùa giao phối và mang trứng của chúng kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8 nên vào thời điểm này ít ai đánh bắt ốc vì thịt không ngon.
Ốc hương cung cấp nhiều calori, các loại vitamin B, rất cần cho hoạt động của não và hệ thần kinh. Ốc hương không có cholesterol, lại dễ được cơ thể hấp thụ, dù ăn đến mấy cũng không sợ béo và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Ông Phạm Quốc Hạp, một ngư dân ở bãi Thơm cho biết sau bốn tháng thả nuôi 3 vèo (đăng quầng) ốc sẽ trưởng thành, bình quân 100 - 120 con/kg, giá bán dao động từ 120.000 – 200.000đ/kg. Sau khi trừ hết các chi phí còn lời trên 100 triệu đồng.
Ngon và bổ dưỡng
Theo đánh giá của các tay mộ điệu ẩm thực, ốc hương là “cao thủ trong các loại ốc biển" và là món ăn phổ biến trong các nhà hàng. Nhiều loại ốc khi luộc, mặc dù cho thêm sả, gừng nhưng cũng không loại hết mùi tanh của ốc. Chỉ riêng ốc hương dù luộc mộc, mùi ốc vẫn tỏa hương, ngan ngát như mùi lá dứa, khêu gợi khứu giác thực khách.
Có nhiều cách chế biến ốc hương khác nhau tùy theo bàn tay tài hoa của mỗi người. Có người thích luộc, có người thích nướng, hấp, tẩm bột chiên giòn, lại có người thích làm gỏi hoặc sốt me chua cay.
Dân sành điệu ở miền Trung sau khi luộc sôi ốc vài dạo thì vớt ra nhúng vào nước lạnh cho thịt mềm và giòn. Tại Phú Quốc, nhiều du khách thích món nướng và luộc chấm muối ớt, muối tiêu chanh, hoặc tương ớt.
Hấp dẫn nhất là khi nướng gần chín, ta cho chút mỡ hành hoặc dầu ăn vào miệng ốc hương rồi tiếp tục nướng. Nhờ thế thịt ốc sẽ trở nên vàng ruộm và bốc mùi thơm nức, khiến mọi người khó cưỡng lại được sự thèm thuồng.
Khi ăn, ta nhẹ tay "lôi” nguyên con ốc ra, cho vào miệng nhẩn nha nghe giòn giòn, sần sật, đậm đà, tha hồ mà tận hưởng mùi thơm ngon của thịt cùng với vị bùi bùi của gan ốc thật tuyệt. Nếu có thêm một ly rượu nồng để "dẫn mồi" thì nhất định quên cả lối về.
Nhiều người quả quyết ốc hương hơn hẳn các loài ốc khác ở chỗ vừa thơm ngon, vừa hiền, hàm lượng dinh dưỡng cao. Khi ăn, thực khách nên chọn những con nhỏ, thịt sẽ ngọt bùi và mềm hơn con lớn. Ốc hương nấu me cũng là món ngon không nên bỏ qua. Nhẩn nha từng miếng ốc thơm ngọt, chua chua, cay cay, bảo đảm ngon nhức răng. Để chắc bụng, bạn nhón thêm mấy miếng bánh mì chấm vào nước xốt ốc chua cay, càng khoái khẩu.
Hoài Phương
Bình luận (0)