Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, gọi tắt là OECD, đã điều chỉnh theo hướng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024. Tuy nhiên, OECD cảnh báo xung đột tại Trung Đông cũng như hoạt động vận tải gián đoạn ở biển Đỏ có nguy cơ khiến giá tiêu dùng tăng, qua đó gia tăng áp lực lên lạm phát.
Hãng tin AFP trích dẫn báo cáo triển vọng kinh tế thường niên của OECD cho hay tăng trưởng kinh tế thế giới dự kiến sẽ giảm từ 3,1% năm 2023 xuống 2,9% năm 2024, cao hơn so với mức dự báo 2,7% được đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái. OECD điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do triển vọng lạc quan đối với kinh tế Mỹ, bù đắp cho triển vọng kinh tế u ám của Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Ngoài ra, OECD giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 ở mức 3%.
Đối với các nền kinh tế lớn, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 2,1% năm 2024 và 1,7% năm 2025 trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt có thể thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang giảm lãi suất. Trước đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay và năm tới lần lượt được dự báo là 1,5% và 1,7%. Trong báo cáo mới nhất, OECD cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2024 và 2025 lần lượt là 4,7% và 4,2%.
Dự báo mới nhất của OECD cho thấy kinh tế Đức một lần nữa tụt hậu so với quốc tế về tốc độ tăng trưởng trong năm nay. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Đức trong năm 2024 chỉ đạt 0,3%, thấp hơn mức tăng trưởng dự kiến của các quốc gia khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu như Pháp với 0,6%, Ý với 0,7% và Tây Ban Nha với 1,5%.
OECD nêu bật một số mối đe dọa đến nền kinh tế như xung đột giữa Hamas-Israel và các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Yemen vào tàu chở hàng liên quan đến Israel ở biển Đỏ.
Báo cáo nhấn mạnh căng thẳng địa chính trị tăng cao gây rủi ro đáng kể trong ngắn hạn đối với hoạt động kinh tế và lạm phát, đặc biệt nếu xung đột tại Trung Đông gây gián đoạn thị trường năng lượng. OECD cảnh báo nếu xung đột lan rộng hoặc leo thang, có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động vận tải ở phạm vi rộng hơn so với dự báo hiện nay, tăng thêm tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và đẩy giá năng lượng tăng.
Bình luận (0)