Những kỷ lục này cùng chiến thắng của VĐV Marcell Jacobs (Ý) đoạt HCV 100 m nam với thành tích 9,80 giây, lập kỷ lục châu Âu mới và kế vị ngôi vương của “tia chớp” Usain Bolt đã đem đến những bất ngờ tại sân chơi điển kinh Olympic 2020. Bên cạnh đó, hầu hết VĐV đoạt huy chương ở môn điền kinh tại Olympic 2020 tính đến nay đều cải thiện đáng kể thành tích thi đấu cá nhân so với trước đây.
Như ở nội dung chạy 100 m nữ, đợt thi chung kết có đến 6 VĐV chạy dưới 11 giây, trong khi người chiến thắng là Elaine Thompson-Herah (về nhất với thành tích 10,61 giây) không chỉ bảo vệ thành công chiếc HCV ở Rio 2016 mà còn phá luôn kỷ lục Olympic tồn tại suốt 33 năm do cố nữ VĐV huyền thoại Florence Griffith Joyner (Mỹ) thiết lập từ năm 1988 (10,62 giây). Elaine Thompson-Herah sau đó cũng chiến thắng luôn nội dung 200 m nữ (thành tích 21,53 giây) để trở thành nữ VĐV đầu tiên trong lịch sử đoạt HCV hai nội dung chạy nước rút 100 m và 200 m ở 2 kỳ Olympic liên tiếp.
Lý do cho việc gia tăng các kỷ lục và thành tích thi đấu của các VĐV điền kinh tại Olympic 2020 được nhà báo thể thao kỳ cựu Tariq Panja (tờ The New York Times) phân tích, một phần nhờ đường chạy có độ nhún tạo sức bật của sân Olympic Tokyo được thiết kế đặc biệt như để “sẵn sàng tạo ra các kỷ lục”.
VĐV như Elaine Thompson-Herah cũng nhìn nhận điều này, khi cho rằng đường chạy ở sân Olympic Tokyo đã góp phần tạo không ít lợi thế cho VĐV khi thi đấu. Nữ VĐV người Jamaica cho biết: “Ở nội dung 100 m, nếu tôi không ăn mừng sớm và tập trung phá kỷ lục để chạy nhanh hơn, thì có thể tôi đã phá kỷ lục thế giới (10,49 giây của Florence Griffith Joyner)”.
|
Trong khi đó, nữ VĐV người Mỹ Sydney McLaughlin giành HCV và phá kỷ lục thế giới nội dung 400 m vượt rào với thành tích 51,46 giây, cũng nhìn nhận: “Tôi cảm nhận sức bật từ đường chạy này trong chuyển động của mình, nó khác so với nhiều đường chạy khác không tạo được độ nảy”. Chính lợi thế từ đường chạy của sân Olympic Tokyo cũng góp phần cho nữ VĐV nhảy ba bước người Venezuela Yulimar Rojas phá kỷ lục thế giới sau 26 năm với thành tích 15,67 m, vượt qua kỷ lục cũ đến đến 17 cm. Hay nam VĐV người Na Uy Karsten Warholm phá kỷ lục thế giới 400 m vượt rào với thành tích 45,94 giây so với kỷ lục của chính mình vừa thiết lập hồi đầu tháng 7 tại Oslo là 46,70 giây.
Dù vậy, đường chạy tạo sức bật ở sân Olympic Tokyo cũng khiến nhiều VĐV không kịp làm quen sẽ mất cảm giác dẫn đến nguy cơ chấn thương, do tốc độ được tạo ra từ mặt sân dễ làm vượt quá giới hạn của VĐV và bị trượt ngã như trường hợp của nữ VĐV người Hà Lan Sifan Hassan (giành HCV nội dung 5.000 m nữ) khi thi đấu vòng loại nội dung 1.500 m nữ. Hay nam VĐV người Nigeria Enoch Adegoke không thể chạy hết 100 m ở chung kết vì bị đau bắp chân ngay sau 20 m đầu tiên…
|
Bóng chuyền có nhiều cuộc đổi ngôi
Đầu tiên là bóng chuyền nữ khi đương kim vô địch Olympic và thế giới Trung Quốc sớm bị loại, thay vào đó góp mặt ở bán kết là Hàn Quốc sau khi các cô gái đến từ xứ sở kim chi vượt qua Thổ Nhĩ Kỳ 3-2 ở tứ kết. Hàn Quốc sẽ gặp Brazil ở bán kết, trong khi Serbia và Mỹ gặp nhau trận bán kết còn lại.
Với bóng chuyền nam, sau khi ứng viên nặng ký Mỹ sớm bị loại, đến lượt á quân thế giới Ba Lan cũng bất ngờ thua Pháp, á quân Olympic Ý cũng thua ngược Argentina đều 2-3. Hai trận bán kết sẽ diễn ra hôm nay giữa Brazil và Olympic Nga; Pháp và Argentina.
Bóng chuyền bãi biển thì đổi ngôi toàn bộ. Đôi nam Brazil, đương kim vô địch Olympic đã bị loại ở tứ kết trước đôi Latvia để cặp này gặp Na Uy (cũng là một bất ngờ khi thắng đôi Olympic Nga) ở bán kết. Còn ở giải nữ, hai cặp bán kết sẽ diễn ra hôm nay giữa Latvia - Úc và Mỹ - Thụy Sĩ.
T.K
|
Bình luận (0)