Ôn thi THPT quốc gia: Chiến lược 70 - 30

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
22/12/2018 08:32 GMT+7

Một điều chỉnh quan trọng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 là tăng tỷ lệ kết quả thi từ 50% (năm trước) lên 70%, còn 30% điểm học bạ lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT.

Các trường đặc biệt quan tâm đến thông tin này và lên “dây cót” tinh thần cho học sinh trong quá trình ôn tập.

Các địa phương lo số học sinh dưới trung bình

Thời điểm này không ít địa phương đã có hướng dẫn chuẩn bị cho kỳ thi. Đáng chú ý, văn bản chỉ đạo của Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc do Phó giám đốc Phạm Khương Duy ký, còn đặt ra yêu cầu rất cụ thể: Trước ngày 13.12.2018, các đơn vị phải gửi về Sở dự kiến một số chỉ số về kỳ thi. Cụ thể là dự kiến về điểm trung bình các môn thi, tỷ lệ học sinh (HS) có điểm trung bình các bài thi từ 5,0 trở lên, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, ma trận đề thi minh họa các môn của Bộ GD-ĐT.
Sở này cũng yêu cầu tiếp tục rà soát năng lực HS theo từng môn học, nhất là HS lớp 12 để tổ chức dạy học, ôn tập theo hướng phân hóa đối tượng. Các trường lập kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, phụ đạo cho HS yếu kém từng môn học, đảm bảo HS tham dự kỳ thi phải có đủ kiến thức tối thiểu. Các đơn vị yêu cầu từng giáo viên bộ môn đang dạy lớp 12 đăng ký/cam kết chất lượng thi tới từng HS, nhất là HS yếu kém để có kế hoạch giảng dạy, phụ đạo phù hợp.
Còn ông Bạch Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, cho biết kết quả thi tăng tỷ lệ xét tốt nghiệp nên Sở đã yêu cầu các trường tuyên truyền động viên giáo viên và HS có định hướng tổ chức ôn thi phù hợp để đạt hiệu quả cao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ôn thi. Việc xây dựng kế hoạch ôn luyện căn cứ vào sự phân loại đối tượng HS tham gia kỳ thi. Đối với mỗi đối tượng, kế hoạch cần thể hiện rõ mục đích, nội dung, mức độ kiến thức cần đạt và thời gian tổ chức dạy tương ứng… Sở GD-ĐT tỉnh này còn dự kiến tổ chức 2 kỳ thi thử THPT để giúp giáo viên và HS làm quen, điều chỉnh trong việc tổ chức, chỉ đạo việc ôn thi.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội), cho biết hết học kỳ 1, sau khi có kết quả kiểm tra, nhà trường sẽ làm việc với tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên xem có “báo động” gì về thực trạng học tập của HS để có giải pháp phù hợp hơn. Trước khi nghỉ Tết Nguyên đán sẽ tổ chức thi thử và công bố kết quả để HS biết tình hình học tập của mình. Dự kiến với những học sinh nằm trong nhóm “báo động” thì sẽ mời phụ huynh đến để tư vấn và phối hợp trong việc chuẩn bị thi giai đoạn “nước rút”. Với những nhóm này, từ tháng 3, nhà trường sẽ tổ chức ôn tập miễn phí với những thầy cô giàu kinh nghiệm và sát sao để khắc phục các điểm yếu của HS. “Năm nay điểm thi chiếm 70% tỷ lệ xét tốt nghiệp nên cũng là điều cần quan tâm để HS không bị điểm dưới trung bình mặc dù chất lượng đầu vào và đầu ra của trường ở diện khá”, bà Hậu nói.

Cảnh báo các trường nâng điểm học bạ ?

Xung quanh việc tăng tỷ lệ điểm thi lên 70% trong khi xét tốt nghiệp, trả lời băn khoăn của một hiệu trưởng THPT ở Yên Bái ngày 17.12 vừa qua, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định các chuyên gia đã tham mưu rất kỹ cho Bộ về lộ trình giảm tỷ lệ lấy kết quả học tập vào xét tốt nghiệp, xuất phát từ việc đảm bảo tính thiết thực, ý nghĩa của kỳ thi đánh giá chất lượng trên diện rộng. Nếu để tỷ lệ đánh giá quá trình học tập trong bối cảnh hiện nay đôi khi có sự “du di” nên chưa phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông.
Mặc dù vậy, một giáo viên dạy tại trường THPT ngoài công lập thuộc tốp cuối ở Hà Nội cảnh báo, tăng tỷ lệ điểm thi thì các địa phương cũng phải giám sát chặt kết quả xét học bạ lớp 12. Giáo viên này lo ngại vì trên thực tế có xu hướng đối phó bằng cách nâng điểm xét học bạ của HS lên thật cao để kéo điểm xét tốt nghiệp lên bù cho điểm thi THPT quốc gia của HS nếu không may bị thấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.