Ôn thi trong quá trình học

09/02/2012 03:33 GMT+7

Các địa phương đã bắt đầu tăng tốc cho việc ôn tập, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012.

Không đợi công bố môn thi

 
HS lớp 12 Trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2, TP.HCM) trong giờ thực tập môn hóa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các trường THPT ở Hà Nội đã chuẩn bị rất kỹ kế hoạch ôn thi tốt nghiệp cho học sinh (HS). Ngay từ học kỳ 2, nhiều trường đã tăng thêm trung bình 2 tiết/tuần đối với 3 môn thi bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ. Tất cả các bài kiểm tra, đặc biệt là bài thi học kỳ và giữa kỳ của khối 12 đều là tập dượt cho kỳ thi tốt nghiệp. HS được chia phòng, đánh số báo danh, đổi chéo giáo viên coi thi... để quen với không khí thi cử.

Sách giáo khoa là tài liệu ôn tốt nhất

Trao đổi với PV Thanh Niên về quan điểm chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về việc ôn thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Sẽ không có bất cứ tài liệu ôn thi nào do Bộ hoặc các cơ quan chức năng của Bộ ấn hành. Bởi vậy tài liệu ôn thi tốt nhất vẫn là sách giáo khoa và việc ôn tập phải được tiến hành ngay trong quá trình dạy và học chứ không đợi đến gần thi mới học ngày, học đêm”.

Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cũng cho biết: “Trong việc tổ chức dạy học, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo rất rõ, nhà trường phải dạy đầy đủ các môn trong chương trình giáo dục cấp THPT nhằm đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện”. Bộ và các sở GD-ĐT cũng đã hướng dẫn giáo viên dạy học theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình. Vì thế, thi tốt nghiệp môn nào trong những môn của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT không phải là điều lo lắng đối với những HS học đầy đủ chương trình theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học. “Quy chế đánh giá, xếp loại HS trung học của GD-ĐT cũng không có kẽ hở cho việc học lệch. Việc HS học lệch là không đúng chỉ đạo của Bộ và các cấp quản lý”, ông Chuẩn khẳng định.

Tuệ Nguyễn

Ông Nguyễn Minh Hùng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, chia sẻ: “Không đợi đến lúc Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp thì mới tiến hành ôn tập. Ngay sau khi nghỉ tết, khối 12 đã chính thức bắt tay vào việc ôn thi tốt nghiệp. Đà Nẵng cũng tổ chức kiểm tra học kỳ theo hình thức tiếp cận phù hợp với nội dung hình thức của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Cũng theo ông Hùng, ở những trường ngoại thành có đầu vào thấp, yêu cầu các trường bố trí thêm thời gian phụ đạo cho HS.

Các trường phải phân loại HS để có biện pháp phụ đạo kịp thời. Làm sao phản ánh đúng thực chất. “Vì thế nếu không có tài liệu ôn thi tốt nghiệp của Bộ, Đà Nẵng vẫn chủ động được nội dung ôn tập tốt nghiệp”, ông Hùng cho hay.

“Vực” học sinh yếu

Bên cạnh việc tăng cường nâng cao chất lượng giờ học thì các trường ở Hà Nội cũng đặc biệt chú ý bồi dưỡng, phụ đạo HS có học lực yếu, kém. Đặc biệt, phổ biến kỹ năng cho HS làm bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Lãnh đạo các trường THPT Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi... đều cho hay nhà trường phải thường xuyên thông báo cho phụ huynh HS nắm rõ tình hình học tập của HS, hướng dẫn HS nắm vững các kiến thức, tránh học tủ, học vẹt và dành nhiều thời gian cho việc tự học.

Ông Thái Huy Vinh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cho biết do tỉnh có những đặc điểm về vùng miền nên phân loại HS để kịp thời phụ đạo là việc làm cần thiết và thường tiến hành ngay từ đầu năm học.

 Việc xây dựng đề cương ôn tập các môn có thể thi tốt nghiệp đã được các trường sẵn sàng. Vì vậy khi Bộ công bố về các môn thi, HS các trường đã có vốn kiến thức nền rồi nên không có tình trạng học dồn. “Trong quá trình học, chúng tôi yêu cầu các trường phải vừa học vừa kết hợp kiểm tra HS, đặc biệt không được cắt xén chương trình. Để thực hiện được điều này, chúng tôi thường xuyên kiểm tra đột xuất về tiến độ chương trình học”, ông Thái Huy Vinh thông tin.

Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), lưu ý HS: “Trong quá trình học cũng như ôn tập, các em nên dành thời gian cho việc rà soát, hệ thống lại phần kiến thức đã học sao cho ôn đến đâu chắc đến đó; rèn luyện cách phân tích đề thi, cách trình bày bài thi theo đặc thù từng môn thi, hình thức thi; chuẩn bị cho mình tâm lý tự tin trước khi bước vào kỳ thi”.

Tăng tiết từ đầu năm

Các trường dân lập tại TP.HCM đã tính đến chuyện ôn thi tốt nghiệp ngay từ đầu năm học. Bà Nguyễn Yên Chi - Hiệu phó Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến, cho biết: "Để giúp HS hiểu và nhớ kiến thức mà không bị rơi vào tình trạng quá tải trong 2 tháng cuối trước kỳ thi, nhà trường đã tổ chức tăng tiết ngay từ đầu năm học. Theo đó, mỗi tuần trung bình HS sẽ tăng 5 tiết văn, 5 tiết tiếng Anh và 14 tiết toán. Ngoài việc bám sát nội dung của sách giáo khoa, mỗi tổ bộ môn xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với các dạng bài tập để bồi dưỡng và nâng cao kiến thức cho HS của mình. Bên cạnh đó, trong tháng 2 này, HS lớp 12 sẽ hoàn thành chương trình chính khóa để khi có thông tin về những môn thi tốt nghiệp còn lại, thì tập trung thời gian tối đa cho các kỳ thi".

Ngay từ cuối năm lớp 11, Trường phổ thông dân lập Thanh Bình đã đánh giá, phân loại trình độ HS để có kế hoạch bồi dưỡng phù hợp và kịp thời. Ông Lê Văn Linh - Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: "Đầu năm lớp 12, do học 2 buổi/ngày nên sau những giờ học chính khóa, nhà trường đã thực hiện việc tách nhóm để phụ đạo và bồi dưỡng HS".

Trong khi đó, các trường công lập do tuân thủ phân bố chương trình của Bộ GD-ĐT nên thời gian ôn thi tốt nghiệp của HS không nhiều. Ông Trần Phước Đức - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4), thông tin: "Để HS không bị dồn quá nhiều kiến thức ôn thi vào tháng 5, nhà trường có thỏa thuận với phụ huynh và giáo viên thực hiện tăng tiết cho các em. Vì vậy, ngay đầu năm, mỗi tuần các em tăng trung bình 2 tiết cho 3 môn toán, văn, ngoại ngữ. Giáo viên sẽ củng cố, ôn tập kiến thức và các dạng bài tập. Có như vậy thì khi có thông tin 3 môn thi tốt nghiệp còn lại, các em sẽ ôn tập nhẹ nhàng và hiệu quả hơn".

Tương tự, tại Trường THPT Trường Chinh (Q.12) chương trình dạy và học vẫn đang thực hiện bình thường theo tiến độ và quy định chung của Bộ. Do là trường dạy 2 buổi/ngày nên ông Lương Văn Định - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Những môn học có trong kỳ thi đã được nhà trường chú ý sắp xếp thời khóa biểu nhiều hơn ở buổi thứ 2 ngay từ đầu năm. Ngoài ra, ở các kỳ kiểm tra trong năm học, nhà trường cũng thực hiện biên soạn đề thi và hình thức thi giống kỳ thi tốt nghiệp để HS làm quen…".

Bên cạnh đó, hiệu trưởng các trường còn thường xuyên nhắc nhở giáo viên chủ nhiệm đốc thúc, khuyến khích để HS ý thức và có kế hoạch ôn luyện, tránh tình trạng quá tải vào những ngày cận kề kỳ thi.

B.Thanh

Tuệ Nguyễn - La Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.