Người đàn ông quyền lực của nước Ý - ông Silvio Berlusconi - đã phải chia tay chiếc ghế thủ tướng trong một hoàn cảnh rất bi ai.
Thủ tướng Berlusconi chính thức từ chức vào tối 12.11 vì để mất thế đa số ở Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu ngày 8.11. Ông nói lời từ biệt tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng được tổ chức ngay sau khi các hạ nghị sĩ thông qua các biện pháp cắt giảm ngân sách nhằm đối phó khủng hoảng nợ và khôi phục kinh tế, theo tờ Le Monde. Ông ra đi giữa lúc nước Ý đang oằn lưng với khoản nợ công khổng lồ 1.900 tỉ euro, tương đương 120% GDP. Theo tường thuật của Reuters, buổi tối khi ông từ chức, đám đông đã đổ xô ra đường ăn mừng. Họ diễu hành từ dinh Tổng thống tới tư dinh của ông, hát và hô các khẩu hiệu chống lại ông. Thậm chí có người còn hét lớn: “Bỏ tù! Bỏ tù!”. Đoạn kết của một “đế chế” thật thê lương.
|
Nhìn lại, 3 lần làm thủ tướng với thời gian gần 10 năm của ông Berlusconi có thể xem là một bức tranh không có nhiều điểm sáng. Điểm được lớn nhất là ông đã mang lại ít nhiều ổn định cho tình hình chính trị vốn nổi tiếng là rất biến động của Ý. Trước khi ông Berlusconi tham gia chính trường vào năm 1994, ghế thủ tướng của nước này đổi chủ xoành xoạch, hầu như không ai ngồi quá 6 tháng. Ngoài ra, dưới thời của ông, một số chương trình cải cách giáo dục đã được thực hiện tới nơi tới chốn, các chiến dịch chống mafia cũng tỏ ra hiệu quả.
Ngược lại, cùng với khoản nợ ngất ngưởng, kinh tế Ý còn bị xem là quá “già cỗi”, không năng động, thiếu sức cạnh tranh. Nước này từ nhiều năm qua lúc nào cũng “đội sổ” ở EU về tăng trưởng kinh tế, trung bình từ 1-1,5%. Sự chia rẽ do cách biệt về giàu nghèo giữa 2 miền bắc - nam cũng ngày một sâu đậm. Ngành tư pháp thì bị đánh giá là chậm chạp.
Khi ông từ thương trường bước sang chính trường, dân Ý đã hy vọng sẽ được hưởng làn gió mới với cách điều hành đất nước năng động. Tuy nhiên, những xung đột lợi ích khi cùng lúc thực hiện 2 vai trò đã khiến ông không thể thực hiện triệt để những thay đổi. Làm sao cải cách ngành truyền thông khi trong tay nhà lãnh đạo giàu có này là 3 đài truyền hình, 1 nhà xuất bản và khoảng 40 tờ báo? Việc “trong sạch hóa” ngành tư pháp cũng gặp khó khăn khi bản thân ông từng kinh qua 27 vụ kiện tụng, trong đó có 3 vụ đang được tòa thụ lý. Các luận cứ để giải thích những kế hoạch tăng thuế của chính phủ cũng sẽ khó mang tính thuyết phục vì các công ty của ông hiện đối mặt với nhiều cáo buộc về gian lận thuế.
Dù phải ra đi trong thế bại trận và trước đó người đàn ông 75 tuổi này đã tuyên bố sẽ không ra tranh cử cho nhiệm kỳ kế tiếp nhưng vẫn rất khó dự đoán tương lai chính trị của ông.
Người được dự đoán sẽ thay thế ông Silvio Berlusconi là cựu ủy viên châu u giai đoạn 1994-2004 Mario Monti. Như vậy, Rome đã tiếp bước Athens mở đường cho một nhà kỹ trị. Cũng như tân Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos, ông Monti, 68 tuổi, là một kinh tế gia rất có uy tín tại châu u. |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Đế chế Berlusconi sụp đổ
>> Ông Berlusconi sẽ từ chức “trong vài ngày tới”
>> Thủ tướng Ý cam kết từ chức
>> Những chiếc ghế nóng ven Địa Trung Hải
Bình luận (0)