Phát biểu trên Đài Fox News, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sáng qua 25.11 xác nhận Bộ Ngoại giao đã bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực sau khi Cơ quan Dịch vụ tổng hợp (GSA) cho phép đội ngũ của ông Biden tiếp cận nguồn lực liên bang.
“Hôm nay, chúng tôi khởi động quy trình dựa trên quyết định của GSA, và sẽ tuân thủ mọi yêu cầu như luật định”, ông Pompeo cho biết. Theo báo The Hill ngày 25.11, toàn bộ 40 tổ thuộc đội ngũ chuẩn bị chuyển giao quyền lực của ông Biden đã thực hiện các cuộc tiếp xúc cần thiết với tất cả cơ quan, bộ ngành của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tổng cộng 20 cuộc họp được xúc tiến giữa hai bên trong những ngày sắp tới.
Đối mặt nhiều thách thức
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ ngày 3.11, ông Biden sáng qua cho hay đang phải đối mặt những thách thức chưa từng có trong lịch sử hiện đại của Mỹ, rằng nước Mỹ đã rất khác dưới thời Tổng thống Trump. Sau khi công bố các đề cử vị trí then chốt cho nội các, ông thừa nhận có nhiều cái tên từng quen thuộc dưới thời Tổng thống Barack Obama.
“Tuy nhiên, chúng tôi không xây dựng một nhiệm kỳ thứ ba của Tổng thống Obama. Nước Mỹ đang đối mặt với một thế giới hoàn toàn khác biệt so với thời đó. Tổng thống Trump đã thay đổi toàn bộ cục diện”, ông Biden nhấn mạnh.
Chính quyền Washington từ ngày 20.1.2021 sẽ đại diện cho toàn thể người dân Mỹ, cũng như phản ánh tinh thần toàn thể của đảng Dân chủ. Ông Biden cho hay đang cân nhắc bổ nhiệm thành viên của đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu cho ông Trump, vì “tôi muốn đất nước này đoàn kết”.
Vài giờ trước đó, khi giới thiệu nhân sự cho những vị trí then chốt của nội các tương lai, ông Biden khẳng định “đây là những con người sẽ khôi phục vị thế lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế”, rời xa chính sách “nước Mỹ là trên hết” của Tổng thống Trump và cam kết sẽ hợp tác với các đồng minh, trong đó có châu Á - Thái Bình Dương.
Chính sách đối ngoại mới
Trên Đài NBC News, ông Biden cũng cho hay khi tiếp quản chính quyền từ đầu năm sau, ông sẽ “không sử dụng Bộ Tư pháp để làm phương tiện” điều tra Tổng thống Trump và các đồng minh về các cáo buộc liên quan đến tài chính và khả năng thế lực nước ngoài can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm nay.
Bên cạnh đó, ông Biden bày tỏ ý định theo đuổi nghị trình “cấp tiến”. Trước câu hỏi liệu ông đã tham vấn các thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Bernie Sanders cho các vị trí của nội các tương lai, ông cho hay mọi phương án đều được cân nhắc.
Theo Reuters dẫn lời giới quan sát, chính sách đối ngoại của Mỹ trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ tăng cường tiếp cận đa phương và theo đuổi những nghị trình về các vấn đề như biến đổi khí hậu.
Để chuẩn bị cho cuộc chiến cam go chống Covid-19 vào thời điểm tiếp nhận chính quyền, phía ông Biden cũng đã tiếp xúc với tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Bệnh dị ứng và truyền nhiễm Mỹ, thành viên chủ chốt trong tổ chuyên trách chống dịch Covid-19 của Nhà Trắng.
Ứng viên tổng thống đầu tiên nhận hơn 80 triệu phiếu
Bản tin Báo cáo chính trị Cook hôm qua cho hay số phiếu của ông Biden đã hơn 80 triệu, trở thành ứng viên tổng thống đầu tiên vượt ngưỡng này, và cũng là người nhận được nhiều phiếu nhất trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ. Kỷ lục trước đó là ông Barack Obama với hơn 70 triệu phiếu vào năm 2008. Trong khi đó, Tổng thống Trump cũng đánh bại kỷ lục của người tiền nhiệm Obama với gần 74 triệu phiếu phổ thông trong năm bầu cử 2020.
Tính đến sáng qua, ông Biden/bà Kamala Harris nhận được 80.070.466 phiếu bầu (chiếm 51%), còn Tổng thống Trump/Phó tổng thống Mike Pence chỉ nhận được 73.890.413 (47,1%).
Do một số khu vực vẫn đang kiểm phiếu, hai ứng viên có thể nhận thêm phiếu vào thời điểm hoàn tất. Chẳng hạn, Maine mới thông báo phiếu bầu của quân đội và công dân ở nước ngoài, và vẫn còn phiếu chưa kiểm ở New York và California. Hôm 24.11, Pennsylvania, Nevada, Minnesota lần lượt công nhận chiến thắng cho ông Biden tại các tiểu bang này, theo Reuters.
|
Bình luận (0)