‘Ông chủ’ Doji: Chọn ‘đá tảng’ TPBank

25/12/2017 12:56 GMT+7

Chọn ghế Chủ tịch TPBank thay cho Doji, ông Đỗ Minh Phú muốn mang vàng thử lửa, tiếp tục đâm đầu vào đá. Đó là bản năng của một thủ lĩnh, một người đàn ông luôn cháy hết mình trên con đường kinh doanh mà ông đã chọn.

Tình yêu, đam mê vẫn còn nguyên với Doji
Top Leader Talk Chủ tịch Đỗ Minh Phú diễn ra cuối tuần qua là sự kiện đầu tiên của Việt Nam - một ông chủ một doanh nghiệp của Việt Nam đàm đạo, chia sẻ trực tiếp và trao đổi trực tuyến với nhân viên của mình qua facebook. Cách làm mới và độc đáo này của Tập đoàn Doji cũng như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã khơi nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các nhân viên của mình trên toàn hệ thống; thắp lên ngọn lửa đam mê, niềm tin đối với vị thủ lĩnh của mình.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Phú cho biết, trước sự lựa chọn đầy khó khăn làm Chủ tịch Doji hay TPBank, ông đã quyết định rời ghế Chủ tịch tại Công ty Vàng bạc đá quý DOJI và giữ chức vụ Chủ tịch tại TPBank. Cụ thể, ông sẽ thôi làm Chủ tịch DOJI sau Đại hội cổ đông của TPBank vào tháng 4.2018.
Lý do được ông Phú tiết lộ, theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 15.1 tới, chủ tịch các ngân hàng thương mại không được kiêm nhiệm vị trí tương tự tại các doanh nghiệp khác. Đối với Tập đoàn DOJI, ông Phú cho biết đây là doanh nghiệp do chính ông khai sinh, đồng hành từ những ngày đầu. Quá trình điều hành suốt gần một phần tư thế kỷ vừa qua đã hình thành phong cách doanh nhân cho ông.
Trong khi đó với TPBank, ông Phú cho biết hơn 5 năm qua là quãng thời gian đẹp nhất và cũng thách thức nhất, nhiều trải nghiệm nhất với cá nhân. "Tôi thấy còn quá nhiều việc phải làm, hiểu rằng mình vẫn còn phải có trách nhiệm nhiều với nó", ông nói.
Tuy không còn ở vị trí điều hành song là người sáng lập DOJI, ông Phú cho biết nhiệm vụ của mình vẫn tiếp tục vạch ra con đường, cùng các cộng sự tại DOJI đến đích thành công. "Niềm đam mê, tình yêu của tôi với DOJI, với trang sức vẫn y nguyên. Con người có thể thay nhiều bộ trang phục khác nhau nhưng chiếc áo lót thì luôn luôn ở bên họ", ông Phú nói.
Tăng lương, ưu đãi cổ phiếu cho nhân viên
Một thông tin đặc biệt quan trọng khác, theo ông Phú, TPBank hiện đã nộp hồ sơ niêm yết trên thị trường chứng khoán và dự kiến lên sàn vào khoảng quý 2/2018.
Hiện giá 1 cổ phiếu TPB trên thị trường tự do (OTC) hiện ở mức 26.000 đồng, và với kết quả kinh doanh tích cực như hiện nay, ước tính khoảng 1.200 tỉ đồng trong cả năm 2017, cá nhân ông nghĩ rằng cổ phiếu sẽ lên “đầu 3”.
Trước câu hỏi, các ngân hàng trước khi niêm yết thường phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên (ESOP), vậy thì TPBank có thực hiện như vậy không, ông Phú cho biết, ngân hàng này cũng sẽ áp dụng chương trình cổ phiếu thưởng cho nhân viên xứng đáng. “Tôi rất mong muốn cán bộ nhân viên cũng là cổ đông của ngân hàng để tăng thêm phần gắn bó, nhưng việc phát hành thời điểm nào thì HĐQT phải xem xét kỹ lưỡng để sao cho giá cổ phiếu thực sự là ưu đãi cho người lao động chứ không phải là cổ phiếu ngược đãi”, ông Phú nói.
Đề cập đến chính sách với cán bộ nhân viên trong khoảng 5 năm tới ra sao, Chủ tịch TPBank cũng cho biết, sẽ tăng lương cho người lao động nhiều hơn trong thời gian tới. Bình quân khoảng từ 14 - 15% tùy từng vị trí, trong đó có vị trí có thể đạt mức tăng lương tới 18%. Các năm trước, mức tăng lương của ngân hàng đều dưới 10%.
Ông Đỗ Minh Phú từ nhỏ là một cậu học trò xuất sắc toàn diện. Sau đó theo học ngành vô tuyến điện tử tại Đại học Bách khoa, tốt nghiệp loại ưu. Ông được làm Tổng giám đốc một công ty liên doanh với nước ngoài về đá quý với mức lương khủng nhất những năm 1993 là 500 USD/tháng. Năm 1994, ông ra ngoài lập công ty liên doanh để thành lập doanh nghiệp riêng chuyên về đá quý. Năm 1997, ông và gia đình lập Công ty Diana chuyên sản xuất các sản phẩm tã giấy, băng vệ sinh và khăn giấy. Năm 2007, ông xây dựng trung tâm chuyên về vàng bạc đá quý Doji Plaza tại Hà Nội. Năm 2011, ông bán Công ty Diana cho đối tác của Nhật. Thương vụ này có giá trị lên tới gần 200 triệu đô la Mỹ.
Năm 2011, Ngân hàng Tiên Phong nằm trong danh sách 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu của NHNN. Ông Đỗ Minh Phú mua lại 20% cổ phần tái cơ cấu lại, từ chỗ là ngân hàng gặp khó đến giữa năm 2015, TPBank đã trở thành ngân hàng thành công trong số hơn chục ngân hàng yếu kém. Năm 2017, TPBank đạt lợi nhuận gần 1.200 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.