Bên quán cóc ven đường, dăm ba cụ ông vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa đăm đăm nhìn con cờ tướng đang bị hãm thành, vẫn kịp ngẩng đầu lên, gật gù ủng hộ.
Đoàn xe tang chầm chậm đi qua, vì không thể nhanh được. Hai bên đường, các cửa hiệu bị che lấp bởi bao người chen chúc, láo nháo chờ đợi cái đám ma được xem là một sự kiện kỳ lạ ở thành phố vừa qua cơn bạo bệnh sau những ngày đại dịch này. Một lão chủ quán cơm bình dân, chả có địa vị xã hội gì to tát, cũng chả phải một nhân vật nổi tiếng, mà sao người ta tiễn đưa đông đến thế. Tiếng nhạc vang lên nghe réo rắt, theo sau chiếc xe là cả một đoàn người dài lê thê, áo quần lem nhem, gây kẹt cả một đoạn đường dài. Dài như cuộc đời của lão.
Hơn ba chục năm về trước, lão rời làng quê, lên thành phố lập nghiệp. Gọi là lập nghiệp, chứ ngày ấy lão mơ hồ lắm, cả một đời làm nông dân, quẩn quanh lũy tre làng, nhà vẫn phên tre vách nứa, cơm không đủ bữa. Lão nghe người ta kháo nhau ở thành phố bao nhiêu là cơ hội đổi đời. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, lão bàn với vợ, rồi dắt díu nhau đi tìm chân trời với bao niềm hy vọng mong manh.
Không người thân thích, hai vợ chồng thuê một phòng trọ tạm bợ, tồi tàn cũng chẳng kém căn nhà của lão ở quê là mấy. Ngày ngày, vợ ở nhà trông thằng cu con còn chưa đầy tuổi, lão đi phụ hồ cho một công trình xây dựng, cũng kiếm được đôi ba đồng bạc, nhưng tằn tiện thế nào vẫn thiếu trước hụt sau. Từ đó, trong cái phòng trọ chưa đầy hai mươi mét vuông, lời qua tiếng lại, tiếng khóc người lớn, tiếng khóc trẻ con, cứ léo nhéo vang lên mỗi tối, ngột ngạt, quẩn quanh. Những lúc như thế, lão hay bỏ ra trước hiên, ngồi nghĩ miên man, thật ra cũng là để không phải nghe cái tiếng khóc thút thít cứ dội vào lồng ngực. Lão không chịu được tiếng khóc của đàn bà.
Quanh đó, đàn ông cùng xóm trọ đang nhấp rượu khề khà bao câu chuyện trên trời dưới đất sau một ngày lao động rã rời. Họ rủ lão, nhưng lão cứ tìm lời khéo léo khất lần khất hồi. Tuyệt nhiên, lão không đụng đến một giọt nào, bởi với lão, con người ta chỉ nên uống rượu khi vui, chứ uống rượu lúc buồn, là yếu đuối, là hèn lắm. Mãi thành quen, họ để yên lão ngồi nhìn xa xăm.
Một buổi chiều nhá nhem, lão lê tấm thân mệt nhoài trở về. Bà chủ nhà trọ dắt thằng cu con trao tận tay lão:
- Chị gửi cháu cho tôi từ chiều, nói đi công chuyện một lát rồi về, mà tôi đợi mãi.
Lão ngớ người, thằng cu con nhìn khuôn mặt lão, ngẩn ngơ. Đêm ấy, là một đêm thật dài mà lão không bao giờ quên.
Những ngày sau đó, lúc thì dắt con theo, lúc thì gửi con cho bà chủ nhà, lão rong ruổi khắp các nẻo đường, để tìm mẹ cho nó. Chả biết thằng bé vì thương, hay hiểu được nỗi lòng của bố mà chả đòi, cũng có thể do bà chủ nhà trọ khéo chăm và dỗ ngọt. Nghe đâu vì thất vọng trong chuyện tình yêu, bị một chàng trai nào đó quên lời thề non hẹn biển, bà không còn dám tin vào đàn ông. Lần lữa, qua cả thời xuân sắc. Khu trọ này là phần cha mẹ để lại trước khi họ qua đời, như một phần bù đắp những thiếu hụt và lo lắng về tương lai cho một đứa con gái không chồng. Lắm lúc, nhìn đám trẻ con khu trọ rộn rã, tự nhiên ruột gan bà nóng ran. Lão ngập ngừng gửi nó ở với bà thêm vài ngày nữa. Lão cũng lặn lội về quê một chuyến, song chẳng thấy bóng dáng ấy đâu. Bặt vô âm tín, lão thất thểu trở lại đô thành, người đông kìn kịt, mà mắt chẳng thấy ai. Có bận, lão nghe người ta xì xầm: "Chiều hôm ấy, thấy thị lên một chiếc ô tô, rồi mù xa tít tắp". Trước đó, đã có lần vợ lão có đánh tiếng về việc thị nghe ngoài chợ người ta bảo phụ nữ đi xuất khẩu lao động, được nhiều tiền lắm, thị sẽ gửi tiền về cho hai bố con ở nhà. Vài năm thôi, vợ chồng lão sẽ được đoàn tụ trong niềm hạnh phúc mà không phải nhọc nhằn với cảnh cơ hàn. Lão trừng mắt, thị không hó hé gì thêm. Lẽ nào…
Lão mang tiếng là người đàn ông bị vợ bỏ. Đành rằng nhục, nhưng lão nhục không phải vì mấy lời xì xầm, mà vì lão cảm thấy hổ thẹn, làm đàn ông, không lo được miếng cơm tấm áo đàng hoàng cho vợ con. Những đêm ròng, nhìn thằng cu con nằm co ro trên chiếc chiếu mỏng tựa nền xi măng ẩm mốc, lão không khỏi xót xa. Trong cơn mơ, có lúc nó khóc ré lên đòi mẹ. Thằng bé còn nhỏ quá. Lão không chịu được tiếng khóc trẻ con.
Vướng thằng cu, lão không đi làm được. Ông chủ thầu thương tình, giao cho lão việc nấu ăn cho đám thợ. Gì thì gì, chứ dân quê như lão, việc nấu ăn dễ trong lòng bàn tay. Mà thật, một tuổi thơ và những ngày cơ cực ở làng quê đã làm cho những món ăn của lão đầy màu sắc dân dã nhưng lại đậm đà hương vị. Đám thợ cứ tấm tắc khen ngon, lão lại được ở gần chăm sóc thằng cu con, nó bi bô suốt ngày, lão cũng bớt đi được nỗi day dứt vời vợi cứ ám ảnh không thôi. Rồi mấy phòng trọ xung quanh, ai cũng bận tối mắt tối mũi, chả có thì giờ lo chuyện bếp núc, nên cũng theo đó mà nhờ lão, thành ra lão nấu ăn cho cả xóm. Có lão lo chuyện cơm nước, xóm trọ vui hẳn. Bà chủ nhà thỉnh thoảng sang chơi. Có khi nhìn lão tất bật, bà cười tủm tỉm:
- Gớm, để tôi trông giúp thằng bé. Người ngợm gì đâu mà bẩn quá, bà tắm cho con nhé!
Thằng bé nhảy lên sung sướng, bao lâu rồi nó chưa được một bàn tay dịu dàng nào của người phụ nữ chà sống lưng cho. Lão nhìn với ánh mắt ái ngại. Lão cũng khác gì nó đâu, bao lâu rồi…
Một hôm, trong buổi họp khu trọ theo định kỳ, có người đề xuất: hay là lão mở quán cơm, tiền vốn ban đầu cả xóm trọ sẽ chung lại cho lão mượn, cũng chẳng là bao. Lão gãi đầu lia lịa. Bà chủ nhà trọ thấy lão ngần ngừ, liền tiếp lời nhanh nhảu:
- Ừ, được đấy. Phi thương bất phú, chứ cứ mãi thế này thì bao giờ cái khu này mới ngẩng đầu lên được. Sẵn mặt bằng đấy, tôi cho mượn.
Cả xóm trọ vỗ tay rần rật, có đứa còn lanh lảnh:
- Cô còn gì nữa không ạ, cho bác ấy nốt đi.
- Tiên sư chúng mày! Chỉ được thế là giỏi.
Mấy ngày sau, một quán cơm bình dân ra đời. Nó góp phần vào bức tranh sinh động nơi chốn đô thành và mang theo một sứ mệnh đặc thù: trước hết, nó phải dành cho người nghèo, kiểu như lão. Lão lấy công làm lời, sống qua ngày và đóng học phí cho thằng cu con đến trường. Ấy thế, không biết lão tằn tiện kiểu gì mà sau gần chục năm, lão dành dụm được một khoản kha khá, cộng thêm khoản bán mảnh vườn ở quê, lão mua được một ngôi nhà cấp bốn tạm bợ gần đó.
Thời gian trôi, mọi thứ đổi thay đến chóng mặt. Sau một đợt chỉnh trang đô thị, nơi lão ở giờ đã sầm uất với tiếng còi xe tấp nập, với những cửa hiệu lung linh mỗi khi thành phố về đêm. Ngôi nhà cấp bốn vẫn nằm đó, quán cơm của lão vẫn nằm đó, lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng san sát nhau, trông đến tội nghiệp. Nó cũ kỹ không khác gì cuộc đời của lão, nếu như không muốn nói nó làm mất đi cái vẻ mỹ quan hiện đại của phố phường. Bao nhiêu tay cò đất tìm cách gạ gẫm, bao nhiêu công ty bất động sản đã cất công tìm đến hỏi mua với giá đắt đỏ, tất cả đều nhận được cái lắc đầu của lão cùng một ánh mắt kiên quyết từ chối. Thằng con trai, giờ đã thành đạt và yên bề gia thất, mỗi lần sang thăm bố, nhìn lão lủi thủi một mình, lại vất vả sớm hôm quẩn quanh cái quán cơm bình dân cũ kỹ, nó không khỏi xót xa. Hết lần này đến lần khác, lão quen với lời thì thầm của nó:
- Bố bán cái nhà này đi ạ. Bố có tuổi rồi, cần được nghỉ ngơi, rồi sang ở cùng chúng con để vui cửa vui nhà, con cháu lại tiện bề chăm sóc.
Mỗi lần như thế, lão lại ra trước sân ngồi trầm ngâm. Bán đi rồi, người ta ăn cơm ở đâu. Hơn chục năm qua, nó vẫn là quán bình dân, dành cho những người bình dân. Khách của lão đa dạng lắm, đa phần là dân lao động tự do. Mấy ông xe ôm hay đứng ở ngã tư đường, mấy chị hàng rong gánh gồng khắp phố, mấy bà vé số lang thang trên mọi nẻo, mấy cậu sinh viên viêm màng túi triền miên…, thôi thì đủ cả. Cứ đến giờ trưa là quán nhộn nhịp, tiếng cười nói rôm rả. Những câu chuyện từ quê ra đến phố hiện diện trong mỗi bữa cơm đạm bạc, lão ngồi nghe thích thú như trẻ con nghe chuyện cổ tích. Suốt bao năm qua, lão chưa dám nghỉ lấy một ngày, kể cả khi căn bệnh quái ác trong người hành hạ.
Thì thầm mãi không được, thằng con trai chuyển sang nằn nì:
- Hay là con xây lại cái nhà cho bố nhé, cho rộng rãi thoáng mát, chứ để thế này nhọc lắm.
Lão gạt phắt đi ngay:
- Nhà khang trang lên, ai còn dám đến ăn cơm nữa hả con?
Không biết lão căn cứ vào đâu để có suy nghĩ ấy, hình như trải qua cảnh khốn khó, lão đã cảm nhận được một điều rất giản đơn: những người nghèo thường hay mặc cảm. Rốt cuộc, lão vẫn sợ người ta không còn chỗ ăn cơm. Cơm lão rẻ nhất thành phố, lại được khuyến mãi thêm ca trà đá miễn phí. Ai có tiền thì gửi, không có thì cứ thủng tha thủng thẳng, lão ghi ghi chép chép vào quyển sổ treo bên bàn nước, ngầm hiểu là sổ ghi nợ. Có khi, tình cờ nghe được mấy anh chàng sinh viên cần tiền đóng học phí mà cha mẹ chưa kịp gửi lên, người này cần tiền về quê, người kia mẹ già đang nằm viện, lão chẳng ngần ngừ, vuốt mấy đồng bạc lại cho thẳng, bảo họ cứ cầm về mà lo việc, khi nào có hẵng hay. Lão chả bao giờ nhắc, và cũng chả bao giờ đòi. Điều quan trọng nhất với lão là cứ mỗi trưa, lão lại được nghe cái âm thanh sôi động của những cư dân thu nhập thấp từ các nẻo đường tụ về, tề tựu đông vui. Lão chẳng bao giờ ship cơm đi bất cứ nơi đâu, dù người ta có đặt bao nhiêu đơn đi nữa.
Vậy mà, niềm vui đơn sơ ấy cũng chẳng còn khi cơn đại dịch Covid-19 ập đến. Những ngày thành phố thương mang, để phòng chống dịch bệnh, nơi đâu cũng yêu cầu quét mã Qr Code, quán lão thưa dần. Khách của lão hầu hết là những người lao động có thu nhập thấp, lấy đâu ra chiếc điện thoại thông minh mà quét. Lão nhìn hàng quán hắt hiu, lòng xác xơ.
Lão trở bệnh. Nửa năm trời thuốc thang cũng chẳng ăn thua gì. Lão ra đi trong một buổi sớm mai trời mưa bay lất phất. Trên đầu giường, mấy quyển sổ còn đang lật dở:
- Bác xe ôm, nhà sáu miệng ăn, ở khu tập thể cũ.
- Chú phụ hồ, con gái lớn học đại học năm ba, thằng con trai sinh viên năm nhất.
- Chị vé số, mẹ già đang nằm viện.
- Cậu sinh viên, bố mẹ làm nông, hai đứa em còn nhỏ…
Một danh sách dài ngoằng với bao nhiêu con người, chẳng biết tên họ là chi, quê quán ở đâu, cũng chẳng thấy có bất cứ một con số nào trong đó. Chỉ biết rằng, họ xuất hiện trong đám người quần áo lem nhem sau chiếc xe tang...
Thể lệ
Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng
Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.
Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.
Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.
Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).
Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.
Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.
Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.
Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: songdep2023@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)