Từ dưới xuôi lên Sơn La mở tiệm, anh Tuyến tự mình "biến" hàng trăm chiếc xe đạp hư cũ thành "xe mới" rồi vượt từ vài chục đến hơn 100 km mang vào bản tặng tận tay các em mồ côi, học sinh nghèo vùng cao.
CHIẾC XE KHÔNG DÁM MƠ
Năm 2013, anh Tuyến ghé thăm trại trẻ mồ côi ở Sơn La, nhìn những đứa trẻ mất đi cha mẹ dắt díu nhau vượt đoạn đường xa đến trường tìm con chữ, anh quyết định sẽ tặng xe đạp để động viên các em.
Trích tiền từ lợi nhuận kinh doanh, anh tìm mua những chiếc xe đạp cũ về tự sửa chữa, sơn lại rồi mang đi tặng các em. Đến năm 2016, bạn bè biết việc làm ý nghĩa của anh nên gửi tặng xe đạp mới hoặc giới thiệu hoàn cảnh của các em ngặt nghèo để anh đến tặng xe.
Thời gian tân trang mỗi chiếc xe không cố định, phụ thuộc vào khối lượng công việc của ông chủ tiệm và tình hình "sức khỏe" của từng chiếc. Mỗi chiếc xe cũ có giá từ 300.000 - 500.000 đồng đối với xe đạp phổ thông, xe thể thao giá 1.000.000 - 1.500.000 đồng. Thông thường, anh Tuyến sẽ thay săm, lốp, chỉnh lại ốc vít, xe trầy xước thì sơn lại… Vì tự bỏ công sửa nên mỗi chiếc xe anh chỉ mất thêm khoảng 500.000 đồng mua vật tư.
"Tôi làm thợ sửa xe nên việc này không gặp khó khăn gì. Ở vùng cao, đa phần các cháu đi bộ đến trường, được nhận xe các cháu vui lắm. Chiếc xe đạp nhiều khi là điều không dám mơ ước vì kinh tế gia đình rất khó khăn", anh chia sẻ.
Ông Trần Duyệt (57 tuổi, ngụ Sơn La), người bạn đồng hành của anh Tuyến trong những chuyến mang xe lên tận bản, cho biết ánh mắt hạnh phúc, nụ cười tươi của những đứa trẻ khi được nhận xe đạp đã tiếp thêm động lực cho các chuyến hành trình trao xe tiếp nối. Trong đó, ông Duyệt nhớ nhất là khi tặng chiếc xe đạp mới cho em Vì Quyết Chiến (ngụ H.Vân Hồ) - cậu bé từng gây xôn xao dư luận khi giấu gia đình đạp xe hơn 103 km từ Sơn La xuống Hà Nội thăm em trai năm 2019 (khi đó Chiến mới 13 tuổi).
GÓP PHẦN XÓA MÙ CHỮ
Anh Tuyến chia sẻ có lẽ vì anh cũng sinh ra trong gia đình khó khăn, sau này lên miền núi lập nghiệp nên càng đồng cảm với những đứa trẻ phải đi bộ 2 - 5 km đến trường. Nhiều người biết việc làm ý nghĩa của anh đã tặng anh những chiếc xe cũ hoặc bán lại với giá tượng trưng để anh tân trang tặng cho các em đến trường. Vào đầu năm học mới, anh thường tặng 10 - 15 chiếc xe mới, còn xe cũ thì sửa tới đâu anh mang đi tặng tới đó.
Cô Trần Thị Hải Yến, giáo viên Trường mầm non Tô Hiệu (TT.Hát Lót, H.Mai Sơn), cho biết trong danh sách chờ anh Tuyến sửa chữa xe đạp cũ để tặng hiện còn 3 học sinh ở H.Phù Yên. "Ba anh em đang sống với ông nội bị bệnh thần kinh, bà nội mới mất vì ung thư, bố mẹ cũng không được lanh lẹ. Trước khi liên hệ chú Tuyến xin xe, tôi cũng xem đoạn đường từ nhà đến trường của các em có thể đi được bằng xe đạp thì mới xin", cô Yến chia sẻ.
Là "cầu nối" cho nhiều chiếc xe tiếp sức học sinh đến trường, cô giáo mầm non này cho hay ở miền núi, để vận động các em đi học đã là thành công, nhưng khó khăn hơn nữa là làm sao để các em đi học đều. Cô Yến tâm sự: "Có chiếc xe đạp giúp các em rút ngắn đoạn đường đến trường. Nhận xe đạp, có em cười tít mắt, em thì nhìn đăm đăm vào chiếc xe vì không dám tin đó là sự thật. Nếu không được tặng thì chẳng bao giờ các em có được chiếc xe đạp - tài sản của riêng mình. Từ đó, chiếc xe đạp tặng học sinh miền núi đã góp phần tích cực vào việc xóa mù chữ".
Bình luận (0)