Anh Lương Phú Toàn, 33 tuổi, là chủ một cửa hàng thức ăn nhanh tại thị trấn Tràm Chim, Đồng Tháp. Cửa hàng của anh bán đa dạng các món ăn như bánh mì kebab, burger, gà rán, pizza, mỳ Ý và lẩu ly với hương vị thơm ngon, giá cả phải chăng được nhiều người dân địa phương yêu thích.
Tuy nhiên, để có được như không gian rộng rãi, sáng sủa như hiện tại, ít ai biết, anh Toàn chỉ khởi nghiệp với một chiếc xe bánh mì tam giác, bán trên vỉa hè cách đây 3 năm trước.
"Lúc đấy mình chỉ kinh doanh sản phẩm bánh mì kebab với chiếc xe đẩy cao 1m45 và bán trên vỉa hè thôi. Lúc đầu mình cũng lo lắm không biết khách hàng đón nhận thế nào.
Khởi nghiệp đầy khó khăn
Năm đầu tiên lúc thời điểm cực kỳ khó khăn. Mình nhớ sáng sớm đẩy xe ra nắng đã chói chang, lúc sau mưa tới lại kéo xe vào, một ngày 5 lần 7 lượt như vậy, đôi lúc cũng nản lắm nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ cuộc. Giai đoạn đó hai vợ chồng mới cưới mà, mình phải cố gắng để tạo dựng sự nghiệp", anh Toàn kể lại.
Trước dịch Covid-19, mỗi ngày anh bán được 600-700 phần bánh mì mỗi ngày. Xe bánh mì luôn tấp nập khách ra vào.
Doanh thu suy giảm vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Sau gần 1 năm phải đóng cửa phòng dịch, anh nhận thấy thói quen chi tiêu của người dân địa phương eo hẹp lại.
Để tiết kiệm chi phí nhân sự và tiền thuê mặt bằng, ông chủ xe bánh mì kebab quyết định chuyển đổi mô hình: từ bán một món sang bán đa món. Không ngờ nhờ cách làm này mà hiệu quả doanh thu mỗi ngày thay đổi rõ rệt, ngay kể cả khi thị trường kinh doanh đang rất khó khăn.
"Doanh thu tăng lên nhiều, ngày xưa mình kinh doanh 1 sản phẩm thì đạt khoảng 6 triệu đồng/ngày. Hiện nay chuyển qua kinh doanh đa món, doanh thu đã trên 10 triệu đồng/ngày", anh vui mừng nói.
Mỗi ngày anh mở hàng từ 5 giờ sáng và đóng cửa vào 21 giờ tối. Lượng khách đông nhất vào sáng sớm, từ 6-7 giờ, tập trung chủ yếu là học sinh. Kỳ nghỉ hè, lượng khách trải đều cả ngày, các món được yêu thích là gà rán, burger… và không thể thiếu bánh mì kebab. Mỗi ngày đạt khoảng 400 lượt khách.
Ngoài cửa hàng ở thị trấn Tràm Chim, Đồng Tháp, anh còn quản lý thêm 2 cửa hàng với mô hình đa món tại thị trấn Chợ Mới và thị trấn Cái Dầu (An Giang). Nhờ thay đổi mô hình kinh doanh, doanh thu của 2 cửa hàng này cũng khoảng 10 triệu đồng/ngày.
"Mình thấy bán đa món vừa tận dụng mặt bằng, vừa tận dụng nhân sự, mình bán được nhiều sản phẩm thì cho khách hàng nhiều sự lựa chọn hơn, từ đó tăng doanh thu của cửa hàng", anh Toàn nói.
Từng là chủ trại heo giống
Trước khi trở thành ông chủ 3 cửa hàng thức ăn nhanh với doanh thu hơn 20 triệu đồng/ngày, anh Toàn từng là chủ trại heo giống tại quê nhà.
Tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ thú y của Trường đại học Nông lâm TP.HCM, anh làm nhiều công việc kinh doanh, sau đó có 8 năm phát triển trại heo giống mà ba mẹ để lại. Thu nhập từ 2 trại heo rộng 6.000 m2 mang lại cho anh nguồn kinh tế ổn định từ khi còn rất trẻ.
Trại heo giống của anh Toàn cách đây hơn 3 năm tại Đồng Tháp
NVCC
Biến cố ập tới vào năm 2019, khi dịch tả heo châu Phi hoành hành, ông chủ trại heo mất toàn bộ vốn liếng và tiền tích luỹ do không kịp trở tay; thiệt hại lên đến nhiều tỉ đồng. Chính thời điểm khó khăn đó, anh không gục ngã và bắt đầu hành trình khởi nghiệp với xe bánh mì.
Tạm gác lại giấc mơ bác sĩ thú y, giờ đây anh Toàn đang ngày một mạnh dạn và vững vàng trên con đường kinh doanh một lĩnh vực hoàn toàn mới với bản thân.
Áp dụng thành công mô hình đa món trên một địa điểm, anh Toàn ấp ủ sẽ phát triển thêm nhiều chi nhánh khác tại các khu vực lân cận; đồng thời giúp nhiều bạn trẻ có cùng khát vọng khởi nghiệp bớt khó khăn hơn trên con đường đã chọn.
Bình luận (0)