Với 88 tuổi đời, gần 65 tuổi Đảng, ông được đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận mời làm thành viên tổ tư vấn giải quyết khiếu kiện về đất đai. Công việc của ông đã giúp cho nhiều người giải được nỗi oan ức…
Nhạc sỹ Huy Sô thời trai trẻ... - Ảnh nhân vật cung cấp
|
Từ người lính thổi kèn năm xưa
Nhờ có năng khiếu bẩm sinh, mới 12 tuổi, cậu bé Huỳnh Sanh Châu (tên thật của nhạc sĩ Huy Sô) đã biết thổi kèn. Biết được cậu học trò có năng khiếu… lạ, hiệu trưởng Trường Pháp - Việt Bảo An đã cho gọi ông lên thổi kèn để toàn trường… chào cờ!
Tháng 9 năm 1945, ông theo cách mạng. Đến năm 1947, ông được cử làm đặc kích xung phong đại đội Phan Đình Phùng, thuộc Trung đoàn 812 anh hùng. Nhờ có năng khiếu, năm 1955, ông được cử đi học trung cấp âm nhạc. Năm 1959, ông phụ trách đội trưởng đội văn công Liên khu V.
Ở giai đoạn này, nhạc sĩ Huy Sô đã cho ra đời những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng, có ảnh hưởng sâu sắc đến công tác binh vận. Những bài hát một thời oanh liệt của ông có thể kể đến như: Tiến về làng, Lên đường lập công... Riêng Tiếng hát ru con và Nhắn anh trong đồn còn liên tiếp nhận giải thưởng tại liên hoan văn nghệ quân đội cực Nam Trung bộ và được rất đông bộ đội thuộc lời.
... và bây giờ - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Đặc biệt, những trận thắng giòn giã ở đồn Thạch Long - Mũi Né (1953) và các trận Tánh Linh, Lương Sơn, Liên Hương (1954) đều do ông trực tiếp thổi kèn xung trận cho quân ta tiến công, kể cả lúc thu quân với Bài ca xung kích.
Tiếng kèn của ông đã kích thích tinh thần tiến công của bộ đội, làm giặc Pháp nhiều phen khiếp vía kinh hồn.
Tập kết ra Bắc, ông nhận nhiệm vụ trưởng đoàn văn công của các Sư đoàn anh hùng 305 và 324. Sau đó, ông được cử đi tu nghiệp ở Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô cũ) 2 năm. Về nước, ông được phân công làm Trưởng đoàn văn công quân khu IV. Đến năm 1976, ông quay lại quê hương Bình Thuận và lần lượt giữ chức vụ Trưởng đoàn ca múa nhạc Thuận Hải (Bình Thuận và Ninh Thuận bây giờ), Phó giám đốc Sở Văn hóa -Thông tin, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận.
Đến “ông cố vấn” tuổi 88
Sau khi về hưu năm 1991, với uy tín và lòng nhiệt thành của mình, ông được chính Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận mời làm thành viên trong tổ Tư vấn giải quyết khiếu kiện về đất đai, giúp việc cho UBND tỉnh. Một lĩnh vực nóng, một công việc không dễ “xơi” với cái tuổi “xưa nay hiếm”. Vào các buổi sáng hàng ngày, ông lại “cưỡi” chiếc xe máy hiệu Honda Chaly nhỏ nhắn chạy đến văn phòng tiếp công dân của UBND tỉnh để nghiên cứu hồ sơ và tiếp nhận đơn khiếu nại của dân.
Ông tâm sự: “Công việc này giúp được nhiều người giải nỗi oan, họ mừng lắm. Nhưng cũng có những người oán giận vì tham vọng gian lận của họ bị phát giác. Ngay khi mới tham dự tổ phúc tra tôi đã phát hiện một anh chủ tịch phường tham nhũng tiền của dân, bán đất của phường đi ăn chơi trác táng. Không lâu sau thì anh ta bị khai trừ Đảng và cách chức….”.
“Tôi còn nhớ, một vị cán bộ công thần từng được tỉnh cấp hai lô đất, nhưng muốn lô đất của mình vuông vức, lại đòi luôn phần đất đã có sổ đỏ của người khác ngay phía sau. Khiếu kiện mãi, giải thích không chịu nghe, tổ tư vấn đề nghị thu lại đất đã cấp. Vậy là vị công thần ấy im re không khiếu nại nữa”, ông kể.
Ông kể tiếp: “Một gia đình có 5 người con, họ sống ổn định trên phần đất khai phá hàng chục năm rồi. Người khác đến giành giật ngang nhiên. Vậy mà huyện lại xử thắng cho người giành đất, bỏ gia đình 5 con bơ vơ không nơi nương tựa. Chỉ khi tổ tư vấn vào cuộc, mới lấy lại được sự công bằng cho gia đình nghèo kia”.
Sau hơn một năm, tổ tư vấn của nhạc sĩ Huy Sô đã giải quyết được dứt điểm hơn 50 vụ khiếu kiện tồn đọng kéo dài.
Giờ đây với cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông già 88 tuổi đời, gần 65 tuổi Đảng hằng ngày vẫn cưỡi chiếc Chaly đi giải tỏa nỗi oan ức cho người dân đi khiếu kiện. Ông bảo, chỉ có “chất lính của người lính” mới giúp ông sống khỏe mạnh và làm việc kiên cường như thế.
Bình luận (0)