Là nạn nhân của bom nguyên tử, ông Michio luôn ấp ủ sẽ góp phần nhỏ bé để vận động thế giới đoạn tuyệt với bom nguyên tử, với đau thương mà nó gây ra.
Ông Michio nở nụ cười khi thấy người nhiễm chất độc da cam đang ngày ngày vươn lên trong cuộc sống - Ảnh: Trung Hiếu |
Vào một sáng đẹp trời giữa tháng 11.2015, nhiều du khách ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh trên đường Võ Văn Tần, Q.3 (TP.HCM) chứng kiến cảnh vợ chồng già người Nhật Bản lặng lẽ, tẩn mẩn xem những bức ảnh, hiện vật về chứng tích chiến tranh Việt Nam.
Khuôn mặt người chồng lặng đi khi chứng kiến những chứng tích đau thương tại phòng hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh xâm lược của Mỹ nằm trên lầu 1 bảo tàng. Ông chăm chú lắng nghe từng số liệu nói về di chứng của chất độc màu da cam mà người thuyết minh đưa ra. Dường như sợ mình tuổi già dễ lẫn lộn, ông đề nghị người phiên dịch đi cùng lý giải rõ số liệu trên những tấm ảnh và ghi chép thật cẩn thận trong cuốn sổ chi chít tiếng Nhật.
Khi tới bồn ngâm song thai dính ngực và bụng ảnh hưởng chất độc da cam, người chồng lặng đi và không kìm nổi sự xúc động. Ông với người vợ ngồi thật lâu trước song thai. Đôi mắt vợ chồng già như nhòa đi và dường như những ký ức, di chứng của chiến tranh đã qua rất lâu bỗng chốc ùa về.
Lặng người trước bồn ngâm song thai dính ngực và bụng ảnh hưởng chất độc da cam
|
Ký ức buồn ở Nagasaki
Người đàn ông đó là Hakariya Michio - nạn nhân trực tiếp của trận ném bom nguyên tử cách đây 70 năm mà Mỹ tiến hành ở Nhật Bản. Vào ngày 9.8.1945, khi Mỹ thả quả bom nguyên tử thứ hai (quả thứ nhất thả xuống thành phố Hiroshima - PV) xuống thành phố Nagasaki, cậu bé Michio mới 8 tuổi, đang học lớp 2 tiểu học. Trong chốc lát, thành phố chìm trong tan hoang và chết chóc.
Trước ngày bom nguyên tử được thả xuống thành phố Nagasaki, vào buổi sáng cậu bé Michio thường chơi đùa với các bạn ở khu vực gần nhà. Đến trưa 9.8.1945, khi cậu bé Michio ngồi vào bàn làm bài tập bỗng nhìn thấy những tia sáng phát ra lóe cả mắt. Đó chính là lúc trái bom nguyên tử được thả xuống Nagasaki cùng với những rung động địa chấn. Như một phản xạ tự nhiên, Michio chui ngay xuống gầm bàn. Khoảnh khắc đó cậu tưởng chừng như trái đất muốn nổ tung. Lửa khói bao trùm lên, mọi đồ đạc trong nhà đổ bể. Người anh trai của Michio bị những mảnh kiếng bay ghim vào lồng ngực. Michio trong lúc tìm cách trú ẩn cũng bị ngã bể đầu.
Sau một thời gian ẩn nấp, khi chui ra khỏi hầm trú ẩn, Michio thấy khung cảnh trong nhà lộn xộn tan hoang. Cậu vô cùng sợ hãi khi quanh nhà có rất nhiều nhà bị cháy và hư hỏng. Thảm họa kéo dài những ngày về sau. Trái bom nguyên tử giết hơn 30% dân số của Nagasaki, với khoảng 74.000 người tử vong. Các công ty, nhà máy, phân xưởng đều bị cháy.
“Ngày bom nguyên tử rơi xuống tôi đã mất hai người bạn thân thiết nhất. Tôi đã không thể nào gặp lại họ nữa. Các bạn ấy đã chết tại sông Urakami. Đến bây giờ mỗi lần nhớ lại thì nước mắt tôi lại rơi. Tôi rất buồn và đau lòng”, ông Michio hồi tưởng.
Đầu tuần trước, ông đã cùng với vợ mình có mặt ở TP.HCM để tham gia chương trình tuyên truyền về hậu quả của bom nguyên tử
|
Ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, ông đã hỏi nhân viên bảo tàng rất nhiều về di chứng của chất độc màu da cam
|
Cảm tình đặc biệt với VN
Thảm họa bom nguyên tử ảnh hưởng tới 8 người thân trong gia đình ông Michio. Bốn người anh của ông sau này đều bị ung thư. Riêng Michio là người ít ảnh hưởng nhưng di chứng bom nguyên tử khiến sức khỏe của ông yếu đi trông thấy. Năm 1971, chính phủ Nhật Bản công nhận ông là nạn nhân trực tiếp của bom nguyên tử.
Ông Michio thừa nhận Thế chiến thứ 2 kết thúc, Nhật Bản phát triển thần kỳ trong mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế. Tuy nhiên không vì thế mà di chứng bom nguyên tử mất đi. Trái lại “ký ức buồn ở Hiroshima và Nagasaki” luôn là nỗi đau khôn nguôi và ám ảnh người dân xứ sở mặt trời mọc.
Suốt 36 năm dạy học, ông cần mẫn dạy cho học trò về những kiến thức và mức độ ảnh hưởng của bom nguyên tử. Năm 1998, sau khi nghỉ hưu, ông Michio dành nhiều thời gian đến giao lưu với các trường phổ thông, nói chuyện và trao đổi về kiến thức bom nguyên tử. Ông từng hai lần tham gia tàu du lịch vòng quanh thế giới Peace Boat thuộc tổ chức phi chính phủ (NGO) đến hơn 20 nước để nói chuyện, tuyên truyền về tác hại, hậu quả của bom hạt nhân.
Đặc biệt, ông Michio 6 lần được Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho phép sử dụng tên Hikaku Tokushi (nghĩa tiếng Việt là đại sứ đặc biệt tuyên truyền về việc không nên sử dụng vũ khí hạt nhân) với sứ mệnh truyền đạt cho thế giới biết về mức độ nguy hiểm khi sử dụng vũ khí hạt nhân.
“Tôi đã đi thăm nhiều nước trên thế giới và thấy rằng mọi người vẫn chưa thật sự hiểu rõ về sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân. Hầu như người dân ở các nước tôi đến họ không quan tâm cũng như không biết về sự tồn tại của vũ khí hạt nhân”, ông Michio tâm sự.
Cũng như đa số người dân Nhật Bản, từ lâu ông Michio dành tình cảm đặc biệt cho đất nước VN. Hồi trẻ, ông đã nhiều lần xuống đường phản đối cuộc chiến tranh ở VN. Ông bảo đã từng hai lần tới VN, trên chuyến tàu đi vòng quanh thế giới. Nhưng những lần đó, ông Michio chỉ ghé Đà Nẵng và có rất ít thời gian ngắn ngủi giao lưu với nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam. Ông nói lần này mình may mắn khi được ở VN lâu hơn, cùng với người vợ thân yêu của mình.
“Người dân VN hòa đồng và rất dễ mến. Họ giống như bạn bè từ lâu của tôi vậy. Sau chuyến đi này, về nước tôi mong mình đóng góp chút công sức dù ít ỏi để gắn kết thêm tình thâm giao giữa hai nước. Tôi yêu mến người dân và đất nước các bạn”, ông Michio nói.
Nở nụ cười trước hình ảnh em bé bị chất độc màu da cam vươn lên trong cuộc sống
Ông Michio đứng trước tấm hình chụp máy ảnh của một phóng viên người Nhật bị vết đạn bắn thủng
Ngắm nhìn đạn pháo thả xuống Việt Nam
Mọi thông tin đều được ông Michio ghi trong cuốn sổ để sau này ông sẽ nói về hậu quả của chất độc màu da cam. Đến nay ông đã đi rất nhiều nước để tuyên tuyền về hậu quả của bom nguyên tử
Ông Michio đứng trước bảng thông tin nói về sự phản đối của người Nhật đối với chiến tranh Việt Nam
Nói chuyện về hậu quả của bom nguyên tử trước sinh viên TP.HCM
Đong đưa theo nhịp bài bát Heal the World(tạm dịch: Hàn gắn thế giới) mà sinh viên biểu diễn
Thời gian ở VN, ông Hakariya Michio sẽ có một số buổi nói chuyện ở các trường học. Ngày 21.11, ông có buổi nói chuyện, giao lưu tại “Ngày hội hòa bình” do các cơ quan TP.HCM tổ chức.
|
Bình luận (0)